Đừng kén chọn mà bỏ qua cơ hội tiêm vaccine phòng Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Việt Nam đang đẩy mạnh việc tiêm vaccine phòng Covid-19 nhằm ngăn chặn dịch bệnh diễn tiến phức tạp và đạt miễn dịch cộng đồng. Để đạt mục tiêu này, bên cạnh nỗ lực của ngành y tế, rất cần sự đồng lòng ủng hộ của người dân.
Từ nay đến cuối năm, nguồn vaccine sẽ về nhiều, tạo điều kiện để Việt Nam có thể đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng

Từ nay đến cuối năm, nguồn vaccine sẽ về nhiều, tạo điều kiện để Việt Nam có thể đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng

Tiêm vaccine covid-19 là quyền lợi nhưng cũng là trách nhiệm

Tổ chức y tế thế giới (WHO) nhấn mạnh, vaccine là vũ khí để chấm dứt đại dịch Covid-19. Bởi nếu tỷ lệ tiêm chủng cộng đồng đạt 70-85%, nguy cơ lây lan mầm bệnh sẽ giảm. Không chỉ bảo vệ sức khỏe người được tiêm, vaccine phòng Covid-19 còn giúp duy trì khả năng của hệ thống y tế, tránh rơi vào tình trạng quá tải do phải chăm sóc người bệnh nặng, đồng thời giúp cuộc sống sớm trở lại bình thường và phát triển kinh tế. Chính vì thế, các chuyên gia y tế đều khuyên rằng, tốt nhất là người dân nên tiêm phòng sớm để tránh nguy cơ mắc Covid-19, giảm sự lây nhiễm cho những người dễ tổn thương trong cộng đồng và giảm đáng kể các triệu chứng nghiêm trọng.

Đánh giá được tầm quan trọng của vaccine, Chính phủ đã và đang quyết liệt triển khai chiến lược tiêm chủng vaccine cho toàn dân. Tính đến sáng 6-8, Việt Nam đã tiêm được hơn 8 triệu liều vaccine phòng Covid-19, trong đó hơn 820.000 người được tiêm đủ 2 mũi. Hiện tại, Việt Nam sử dụng chủ yếu 3 loại vaccine Covid-19 phổ biến là AstraZeneca, Pfizer và Moderna. Ngoài ra còn có vaccine Sinopharm và Sputnik V.

Tuy nhiên, thành bại của chiến lược tiêm chủng vaccine này còn phụ thuộc vào hiểu biết, nhận thức về tầm quan trọng của vaccine Covid-19 cũng như sự ủng hộ của người dân. Cũng có những người còn lo ngại nên trì hoãn việc tiêm chủng. Có những người thì phân vân về tác dụng giữa các loại vaccine nên có tâm lý chờ loại vaccine mà mình muốn.

Cần phải hiểu rằng, không có loại vaccine nào có hiệu quả phòng bệnh 100% và vaccine phòng Covid-19 cũng không phải là ngoại lệ. Có thể có trường hợp bị nhiễm virus SARS-CoV-2 sau khi tiêm là do vaccine chưa có đủ thời gian để tạo ra miễn dịch, một số ít đã tiêm nhưng vẫn mắc bệnh. Cũng có một số nghiên cứu cho rằng, hiệu quả chống lại sự lây nhiễm của loại vaccine này có thể cao hơn loại vaccine khác.

Tuy nhiên, thực tế đã khẳng định, vaccine phòng Covid-19 giúp cơ thể phát triển khả năng miễn dịch chống lại virus SARS-CoV-2 gây bệnh. Những người đã tiêm vaccine mà mắc bệnh thì các triệu chứng thường nhẹ và tỷ lệ nằm viện hoặc biến chứng nặng là không xảy ra. Tiêm vaccine không phải là viên đạn bạc chống 100% virus nhưng chắc chắn sẽ làm giảm các triệu chứng, giảm nguy cơ tử vong và cũng giảm tải áp lực lên hệ thống y tế.

Chính vì thế, các chuyên gia y tế đều khuyến cáo, hãy tiêm ngay càng sớm càng tốt nếu có tên trong danh sách đối tượng được tiêm chủng, đừng tư duy phải chờ bằng được một loại vaccine nào đó có hiệu quả cao và ít tác dụng phụ hơn trong thời điểm hiện tại. Đừng kén chọn mà bỏ qua “thời gian vàng” tiêm chủng, bởi có thể phân biệt, lựa chọn Vaccine nhưng virus SARS-Cov-2 thì không. Dịch bệnh không phân biệt bất cứ ai, không cho phép ai có quyền lựa chọn.

Tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 là quyền lợi đối với bản thân nhưng cũng là trách nhiệm đối với cộng đồng. Càng nhiều người được tiêm vaccine, cộng đồng càng được miễn dịch tốt hơn, đẩy nhanh việc kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh. Qua việc tiêm chủng, mỗi chúng ta đóng góp cho cộng đồng. Đó là ý nghĩa đích thực của chiến dịch tiêm chủng.

Dù đã tiêm vaccine, vẫn cần duy trì các biện pháp phòng dịch

Vaccine ngừa Covid-19 là một loại hàng hóa đặc biệt, không dễ dàng mua, bán trên thị trường, thậm chí có tiền cũng không mua được. Để có được vaccine, thời gian qua, Chính phủ đã nỗ lực tối đa, tiếp cận đa dạng các nguồn, bằng mọi cách sớm nhất để có vaccine tiêm phòng cho người dân.

Đến nay, Việt Nam đã có tổng cộng 18,5 triệu liều vaccine Covid-19, trong đó có khoảng 11,5 triệu liều AstraZeneca, hơn 5 triệu liều Moderna, 1,5 triệu liều Sinopharm, hơn 400.000 liều Pfizer và 12.000 liều Sputnik V. Từ nay đến cuối năm, nguồn vaccine sẽ về nhiều, tạo điều kiện để Việt Nam có thể đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng.

Trước diễn biến phức tạp và có thể kéo dài của dịch bệnh, ngày 5-8-2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện 1068/CĐ-TTg yêu các bộ, ngành, địa phương tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Liên quan đến tiêm vaccine, Công điện yêu cầu đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine; tổ chức nhiều điểm tiêm cố định và lưu động, tạo thuận lợi và bảo đảm an toàn, hiệu quả cho người được tiêm; tiêm ngay cho lực lượng y tế, người làm nhiệm vụ tuyến đầu, người cao tuổi, người có bệnh lý nền và thứ tự ưu tiên theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Trước đó, Bộ Y tế cũng đã có văn bản đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức tiêm chủng cho tất cả các trường hợp từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn; ưu tiên tiêm chủng cho lực lượng y tế tuyến đầu, người cao tuổi, các trường hợp có bệnh lý nền theo Nghị quyết 21/NQ-CP của Chính phủ. Bộ Y tế cũng đề nghị huy động tối đa các lực lượng tham gia tiêm chủng, bao gồm cả y tế nhà nước và tư nhân, các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh, y tế các ngành; tổ chức tiêm tại các cơ sở cố định và nhiều điểm tiêm chủng lưu động tại các khu dân cư, cơ quan, đơn vị; không giới hạn số lượng người tiêm trong mỗi buổi tiêm chủng.

Theo hướng dẫn, chỉ những trường hợp đặc biệt mới cần hoãn tiêm, bao gồm trẻ dưới 18 tuổi, người đang có bệnh cấp tính, đang sử dụng thuốc ức chế miễn dịch liều cao, dài ngày; những phụ nữ mang thai, đang cho con bú sữa mẹ, người mắc bệnh nền mạn tính chưa kiểm soát, người suy giảm miễn dịch nặng, bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối và xơ gan giai đoạn mất bù, những đối tượng chống chỉ định tiêm chủng vaccine là người có tiền sử dị ứng phản ứng phản vệ mức độ 2 và những chống chỉ định khác theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Chúng ta cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền để mọi người dân hiểu rõ hiệu quả của việc tiêm vaccine ngừa Covid-19 để không tin, không nghe theo sự xúi giục của kẻ xấu, làm rối loạn công tác phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, cũng cần xử lý nghiêm minh những trường hợp tung tin thất thiệt, sai sự thật, gây tâm lý hoang mang trong nhân dân về nguồn gốc các loại vaccine đã được WHO cấp phép lưu hành, làm ảnh hưởng tới chiến dịch tiêm chủng và công tác phòng, chống dịch Covid-19 của đất nước.

Và điều quan trọng là, dù đã tiêm chủng thì vẫn cần tiếp tục duy trì các biện pháp phòng dịch an toàn theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Công thức “5K+vaccine” cần được nghiêm chỉnh tuân thủ thì mới có thể giúp đưa cuộc sống trở lại bình thường trong điều kiện mới và thực hiện thắng lợi mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế.