Dùng hàng Việt không phải vì hô hào

ANTĐ - Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã khẳng định như vậy tại hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” mới đây. Và để người Việt dùng hàng Việt thì cần có quá trình, trong đó các doanh nghiệp phải chủ động đổi mới, cầu thị.

Hàng Việt chiếm tỷ lệ ngày càng cao trong các siêu thị

Khoảng trống hàng Việt

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, 3 năm triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã đem lại kết quả tích cực. Các doanh nghiệp tham gia ngày càng mở rộng hệ thống phân phối, tăng doanh thu trên thị trường nội địa. Người tiêu dùng Việt Nam ngày càng ưa thích dùng hàng Việt Nam. Ở một số lĩnh vực, tỷ lệ người Việt thích hàng Việt rất cao như: dệt may hơn 80%; dây điện, bóng đèn chiếm cảm tình của hơn 90% người dân. Tỷ lệ hàng Việt trong các siêu thị cũng chiếm trên 90%, tỷ lệ nội địa hóa của các doanh nghiệp trong ngành công thương tăng 25%/năm. Bên cạnh đó, nhập siêu giảm dần trong các năm từ 2009 đến nay. 

Tuy nhiên, đó mới là mảng sáng do cuộc vận động mang lại. Ở những góc khuất, bà Thoa cho biết hiện mới chỉ có 58% người dân Việt Nam thích dùng rau quả trong nước. “Với một đất nước nông nghiệp như Việt Nam mà chỉ có 58% người dân thích sử dụng nông sản nội địa thì đây là câu hỏi lớn cho các doanh nghiệp nông nghiệp”- bà Thoa trăn trở. Bên cạnh đó, tỷ lệ hàng Việt trong các chợ truyền thống là rất khiêm tốn, trong khi hệ thống bán lẻ này chiếm tới hơn 90% mạng lưới phân phối của cả nước. Thế nên dù hàng Việt có đầy ắp trong các siêu thị thì với tỷ lệ chỉ chiếm hơn 5% mạng lưới phân phối, hàng Việt còn quá ít ỏi. Thực tế này cho thấy, hàng Việt ở nông thôn - khu vực chiếm hơn 70% dân số cả nước rất thưa vắng do chưa có các siêu thị hiện đại. Đây là tồn tại từ nhiều năm qua, nhưng chưa khắc phục được.

Trong khi đó, một khi tỷ lệ nội địa hóa trên mỗi sản phẩm còn thấp thì sức cạnh tranh của hàng Việt trên sân nhà khó bứt phá. Ông Phạm Duy Hạnh - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatextmart) cho hay: “Sự thiếu hụt nguyên liệu tốt trong nước, phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu làm giảm sức cạnh tranh của hàng Việt so với hàng Trung Quốc, Thái Lan”. Với ngành xuất khẩu chủ lực là dệt may, tỷ lệ nội địa hóa với mặt hàng sợi đến 60%, vải là 30%. Tương tự, ngành nhựa mới đảm bảo 70% nguyên liệu nhựa, ngành giấy nhập 41% giấy thành phẩm và 50% bột giấy...

Còn theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, bất kỳ quốc gia nào trong quá trình hội nhập không làm chủ được sản xuất, phụ thuộc vào nước ngoài thì sẽ thất bại. 

Dùng hàng Việt vì sức khỏe và kinh tế

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa thẳng thắn: “Không thể kêu gọi người dân yêu nước bằng cách sử dụng hàng Việt, mà hàng đó không đáp ứng được yêu cầu của người dân”. Đó là sự ép buộc và không vững bền. Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” không phải là phong trào chớp nhoáng, bùng lên rồi nhanh chóng tắt ngúm mà là quá trình nghiêm túc. 

Chỉ ra điểm yếu của hàng Việt, bà Hồ Thị Quý - Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết, thực tế khảo sát của Hội Phụ nữ ở nhiều vùng sâu, vùng xa cho thấy, doanh nghiệp đưa hàng Việt về khu vực này nhiều khi là hàng hết hạn sử dụng, hoặc gần hết hạn sử dụng. “Các doanh nghiệp phải cạnh tranh sòng phẳng để người dân mua hàng Việt vì sức khỏe và vì kinh tế”.

Theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, càng hội nhập sâu thì hàng hóa sản xuất phục vụ trong nước càng cần chất lượng cao. Kinh nghiệm từ Nhật Bản cho thấy, quốc gia này sản xuất hàng phục vụ tiêu dùng trong nước có tiêu chuẩn cao hơn hàng xuất khẩu. “Nâng cao chất lượng sản phẩm cần thời gian, nhưng cải thiện chất lượng dịch vụ nằm trong tầm tay của doanh nghiệp, có thể thực hiện được ngay. Tăng chất lượng dịch vụ là tăng giá trị gia tăng vào sản phẩm và doanh nghiệp không nhất thiết phải thực hiện khuyến mãi. Ví dụ điển hình là sản phẩm máy móc cơ khí nông nghiệp, dù giá máy nội cao hơn 20% so với máy nhập nhưng nếu hỏng, người dân còn biết nơi để mang đến sửa chữa, bảo hành nên bán vẫn chạy” - Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh.