Dùng đồng vốn của dân phải thận trọng

ANTĐ - Ngày 5-6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi). Chiều cùng ngày, Quốc hội cho ý kiến vào dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.

Góp ý vào dự án Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi), một số đại biểu cho rằng nhiều quy định trong dự thảo chưa hợp lý, cần bám sát Hiến pháp nhằm kiểm sát hoạt động tư pháp một cách có hệ thống. Điều 2 dự thảo Luật quy định hoạt động công tố bao gồm cả việc “xác định tội phạm và người phạm tội” là không phù hợp với chức năng Hiến định của Viện kiểm sát, dẫn đến chồng chéo với hoạt động điều tra. Do vậy, các đại biểu đề nghị Luật cần sửa đổi, bổ sung quy định về chức năng, nhiệm vụ của VKSND để nâng cao vai trò của VKSND trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra vụ án hình sự; bổ sung cơ chế giúp VKSND kiểm sát việc phân loại, xử lý các hành vi vi phạm, bảo đảm toàn diện, nghiêm minh, tránh oan sai song cũng không bỏ lọt tội phạm.

ĐB Phạm Hồng Phong (Hậu Giang) nhận xét, Điều 2 của Dự thảo quy định về chức năng, nhiệm vụ của VKSND là chưa phù hợp. Hiến pháp năm 2013 không quy định chức năng điều tra cho Viện kiểm sát. Do vậy, việc điều tra vụ án cần giao cho cơ quan điều tra thực hiện và cần phân định rành mạch 3 giai đoạn đó là điều tra, truy tố và xét xử, đồng thời có cơ chế kiểm soát hoạt động của các cơ quan tư pháp. 

Thảo luận về dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, các ĐBQH cho rằng, luật phải góp phần hạn chế tình trạng đầu tư bừa bãi, dàn trải, gây lãng phí, thất thoát tài sản Nhà nước, nâng cao hiệu quả sử dụng đồng vốn Nhà nước. ĐB Lê Đắc Lâm (Bình Thuận) nói: “Sử dụng đồng vốn của nhân dân phải hết sức thận trọng, không  thể chấp nhận đầu tư dàn trải, bừa bãi”.