Đừng để "vàng thau lẫn lộn"

ANTĐ - Những ngày gần đây, sau khi Đài Truyền hình Việt Nam thông tin về việc mua Giấy chứng nhận VietGAP một cách dễ dàng và có thể bỏ qua 70% các khâu trong quy trình đã khiến người tiêu dùng vô cùng hoang mang. 

Bởi trong rừng thực phẩm bẩn, sạch lẫn lộn như hiện nay, sản phẩm có chứng nhận VietGAP (sản phẩm được sản xuất theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt của Bộ NN&PTNT) là những sản phẩm mà họ đặt niềm tin. Vậy nhưng nếu chứng chỉ này được mua bán như cơ quan truyền thông đưa tin, thì người tiêu dùng biết tin vào đâu?

Trả lời thắc mắc của báo chí về vấn đề này, lãnh đạo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, trong quá trình giám sát, Cục chưa phát hiện hiện tượng mua bán giấy chứng nhận nào.

Cục đã thanh tra, kiểm tra theo quy định: Với 23 đơn vị cấp VietGAP được Cục chỉ định, kiểm tra ít nhất 2 lần trong 5 năm; với 1.454 cơ sở được cấp VietGAP, kiểm tra đột xuất và theo kế hoạch, nghĩa là, số đối tượng phải kiểm tra lên tới gần 1.500 đơn vị. Cục Trồng trọt cũng khẳng định qua sự việc này đã có quyết định kiểm tra tất cả 23 đơn vị được chỉ định cấp chứng nhận VietGAP.

Dù chưa có kết luận chính thức từ cơ quan chức năng, nhưng thông tin trên càng tạo tâm lý bất an, mất niềm tin của người tiêu dùng, đồng thời cũng ảnh hưởng đến các hộ nông dân, doanh nghiệp đang thực hiện quy trình sản xuất VietGAP vì tình trạng “vàng thau lẫn lộn”. Về lý thuyết, sản xuất theo quy trình VietGAP mang lại nhiều lợi ích cho cả người sản xuất lẫn người tiêu dùng, nhưng từ khi được áp dụng vẫn vấp phải không ít bất cập, rào cản khiến nó chưa thực sự hiệu quả như mong muốn.

Chẳng hạn, các sản phẩm sản xuất theo quy trình VietGAP nhưng không có kênh phân phối riêng, khi lưu thông không được cấp chứng nhận VietGAP trên sản phẩm, sản phẩm vẫn phải bán cho các thương lái như rau thông thường, trong khi để được cấp Giấy chứng nhận VietGAP lại tốn chi phí nên không nhiều người dân mặn mà.

Hơn nữa, việc cấp chứng nhận VietGAP cho các hộ nông dân chỉ là khâu chứng nhận ban đầu về quy trình sản xuất an toàn, còn người nông dân có thực hiện đúng theo quy trình đó không lại chưa được hậu kiểm thường xuyên. Chính vì công tác hậu kiểm chưa thường xuyên, nên mới xảy ra tình trạng gần 100 con lợn được phát hiện có chất tạo nạc được trà trộn vào lợn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP một cách dễ dàng ở TP.HCM thời gian gần đây.

Mong rằng qua sự việc trên, các cơ quan chức năng sớm có kết luận và công khai thông tin để người dân không hoang mang, đồng thời giúp người sản xuất yên tâm và có động lực mở rộng sản xuất theo quy trình VietGAP.