Đừng để nông sản Việt mất lợi thế

ANTĐ - Sau 7 năm gia nhập WTO, nông nghiệp Việt Nam lại đang phải đối mặt với những thách thức nhiều hơn cơ hội. Trong khi đó, xu thế hội nhập, mở cửa ngày càng rõ rệt, nông sản Việt Nam đã và đang thua ngay trên sân nhà.  

Thu hoạch cà phê xuất khẩu tại Tây Nguyên

Thách thức sau hội nhập

Ông Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách, chiến lược phát triển NNNT nhận định, tăng trưởng nông nghiệp vẫn chủ yếu dựa vào việc khai thác tài nguyên thiên nhiên (tăng diện tích đất, thâm dụng nước tưới để tăng vụ…). Sau một thời gian dài khởi sắc, tăng trưởng nông nghiệp đã bắt đầu chững trong thời gian gần đây, giảm từ 4,5% giai đoạn năm 1995 - 2000 còn 3,8% giai đoạn 2000 - 2005; rồi 3,4% giai đoạn 2006 - 2011 và chỉ còn 2,7% trong năm 2012. 

Sản xuất nông nghiệp Việt Nam đang xuất hiện những khó khăn ngày càng trầm trọng do nhiều thách thức mới xuất hiện: Khả năng tái sản xuất mở rộng của nông dân giảm sút; rủi ro trong sản xuất nông nghiệp tăng; ô nhiễm và nguy cơ gây suy thoái môi trường; các nước trong khu vực đầu tư phát triển nông nghiệp, tăng khả năng cạnh tranh;…

Trong bối cảnh đó, nông nghiệp Việt Nam lại phải cạnh tranh với nguồn nông, thủy sản dồi dào từ nước ngoài tràn vào. Từ rau, củ quả đến thực phẩm tươi sống như thịt bò, thịt gà, thủy hải sản. Đáng nói, phát triển bấy lâu với một số mặt hàng nông sản có tiếng như cà phê, gạo, tôm, cá tra… nhưng không có sự gắn kết, hình thành vùng chuyên canh, vẫn là cảnh “tranh mua, tranh bán”. Cũng bởi vậy, thị trường nông sản cũng như nông dân Việt Nam luôn rơi vào thế bị động.

Nông sản ngoại sẽ tràn ngập thị trường

Việc thương lái nước ngoài vào tận nương rẫy để thu gom trực tiếp cà phê từ bà con, rồi vào từng ghe tàu, bến cảng để vơ vét hải sản khiến các doanh nghiệp cà phê, thủy sản lại có đơn kêu cứu. Các bộ, ngành, hiệp hội lại phải vào cuộc xử lý, rồi quy định thương lái nước ngoài không được trực tiếp thu mua nông sản từ nông dân. Tuy nhiên, kể từ khi quy định ra đời, vẫn khó dẹp bỏ được tình trạng thương lái nước ngoài “núp bóng”, lén lút thu mua nông sản. Về góc độ kinh tế, hành động của các thương lái nước ngoài chỉ mang tính thời điểm, lúc khan hiếm thì đẩy giá cao, khi thì ép giá khiến nông dân thua lỗ. Dưới góc độ nông dân, các doanh nghiệp trong nước, từ sản xuất lớn đến sản xuất nhỏ, từ nông sản đến thủy sản thực sự chưa có sự gắn kết với nông dân. Không có hợp đồng bao tiêu sản phẩm, “đặt hàng”, cũng cảnh “tranh mua tranh bán”, cũng ép giá khi nguyên liệu dồi dào. Và, lẽ dĩ nhiên, với nông dân, nơi nào giá cao sẽ bán nguyên liệu, ai thu mua giá lời sẽ bán, không phân biệt thương lái nội ngoại. Song, cũng bởi thực trạng này mà nông dân Việt Nam liên tục nếm “trái đắng” từ các thương lái nước ngoài.

Ông Đặng Kim Sơn nhận định, hàng loạt mặt hàng nông sản sức cạnh tranh cao của các nước khác sẽ tràn vào thị trường Việt Nam. Ví dụ, bông, dầu ăn, thức ăn gia súc... ngay cả các ngành Việt Nam có chút lợi thế cũng có khả năng bị lấn chiếm thị trường. Nếu chúng ta không có những giải pháp thật căn cơ ngay từ bây giờ thì nông dân sẽ là người chịu nhiều rủi ro nhất.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển cho rằng, khi tham gia vào Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), thuế xuất của thịt lợn sẽ về 0%, lượng nhập khẩu mặt hàng này có thể sẽ tràn rất mạnh vào Việt Nam thông qua hệ thống siêu thị, tạo ra áp lực cạnh tranh lớn với ngành chăn nuôi. Ngày từ bây giờ, chúng ta phải tổ chức lại sản xuất để đưa khoa học công nghệ vào nông nghiệp, tạo ra các bước đột phá trong nông nghiệp.