Đừng để nợ công thành gánh nặng cho thế hệ sau

ANTĐ - Đồng hồ nợ công toàn cầu (Global Debt Clock) trên trang The Economist.com, báo chỉ số nợ công của Việt Nam hiện đang chiếm 49,2% GDP toàn quốc. Theo đó, với tổng mức nợ công hiện là 72,523 tỉ USD, tính theo số liệu dân số Việt Nam mà Global Debt Clock sử dụng là 89.740.893 người, mỗi người dân đang “gánh” 808,1 USD nợ công.
Số nợ này cao hay thấp? So với các cường quốc, số nợ này là rất thấp. Còn so với các nước trong khu vực, Việt Nam có mức nợ công tính theo đầu người cũng không cao. Con số này ở Indonesia là 917,69 USD/người, ở Philippines là 1.213,74 USD/người, ở Thái Lan là 2.640,8 USD/người trong khi ở Malaysia, con số này lên tới 5.936,87 USD/người.
Thật ra nợ công không phải là xấu. Trong quá trình phát triển kinh tế, không quốc gia nào không phải vay nợ, nhất là với nước ta, xuất phát điểm thấp về nhiều mặt, đặc biệt là hạ tầng kỹ thuật. Các con số thống kê một số nước trên cũng cho thấy, quốc gia càng giàu thì nợ lại càng cao. So với Việt Nam, hiện nợ công của một số nền kinh tế khác cao hơn nếu tính theo tỉ lệ bình quân dân số như: Mỹ 38.087 USD/người dân; Trung Quốc 1.045 USD/người dân; Thái Lan 2.738 USD/người dân; Malaysia 6.148,4 USD/người dân; Nga 1.224 USD/người dân…
Vì vậy, vấn đề không phải là nợ bao nhiêu mà quan trọng hơn, đó là vay để làm gì và trả như thế nào? Một chuyên gia kinh tế cũng đã nói rằng bản thân nợ công không “xấu”, nếu Việt Nam vay nợ để đầu tư vào hạ tầng cơ sở, tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế, hưởng thụ của cải ấy. Quan niệm của quốc tế cũng chỉ ra, nợ công dưới 60-65% GDP và được sử dụng hiệu quả thì nợ công ấy không đáng ngại. Nhưng nếu nợ công lên xấp xỉ 100% hoặc cao hơn 100% GDP, thì sẽ rủi ro cao, nợ từ tốt sẽ thành xấu, thành tai họa. Điều này đòi hỏi Việt Nam cần có sự giám sát, kiểm tra xem nợ công có đang được sử dụng hiệu quả hay không, nhất là thời gian tới sẽ khó khăn hơn, khi Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình và chúng ta phải đi vay với mức kém ưu đãi hơn nhiều, phải chịu chi phí nhiều hơn. 
Theo Bộ Tài chính, trong những năm tới, do nhu cầu đầu tư phát triển, trong đó có đầu tư cho cơ sở hạ tầng tiếp tục tăng lên, nợ công dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng, nhưng mức tăng này đã được dự báo và được cụ thể hóa trong Nghị quyết số 10/2011/QH13 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015, theo đó dư nợ công tới năm 2015 không quá 65% GDP. Được biết, 60% nợ công của ta là vay nước ngoài, tuy lãi suất thấp nhưng vẫn phải trả nợ, theo tính toán, khoản nợ phải trả mỗi năm hiện khoảng 5 tỉ USD (hơn 100.000 tỉ đồng). 
Thực tế, ngân sách của chúng ta luôn trong trạng thái bội chi; kim ngạch xuất -nhập khẩu năm 2012 và 3 tháng đầu năm 2013 tuy xuất siêu nhưng lại là của doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài nên nguồn để trả nợ cũng không dễ dàng. Thế nên nếu vay nợ về mà làm ăn không căn cơ, chi tiêu lãng phí, đầu tư không hiệu quả, thậm chí để tham nhũng, thất thoát như những Vinashin, Vinalines thì đại nguy cho nền kinh tế. Vấn đề đặt ra là sử dụng đồng tiền đó thế nào để mang lại lợi ích cho xã hội hôm nay và mai sau chứ không phải là gánh nặng cho thế hệ sau.

Tin cùng chuyên mục