Đừng để nghệ sĩ bị tổn thương

ANTD.VN - Danh sách các tác giả được Chủ tịch nước ký quyết định trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật đợt V - năm 2016 được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) công bố mới đây đã khiến dư luận xôn xao khi không có tên tuổi những nghệ sĩ có nhiều đóng góp cho nền văn học, nghệ thuật nước nhà.

Cụ thể, 7 hồ sơ nghệ sĩ dù đã qua 3 vòng xét duyệt ở cơ sở với số phiếu từ 90% trở lên nhưng đã không được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh là: nhạc sĩ Thuận Yến, nhạc sĩ - NSND Đinh Ngọc Liên, nhà thơ Thu Bồn, nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo, GS.NSND Trần Bản, nhà nhiếp ảnh Lương Nghĩa Dũng và nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Ninh Viết Giao. Trước đó, nhà thơ Xuân Quỳnh cũng suýt bị loại do thiếu Giấy chứng nhận Giải thưởng.

Ngay sau đó, gia đình các nghệ sĩ cũng đã lên tiếng cho rằng việc những nghệ sĩ có đóng góp lớn cho nên văn học, nghệ thuật nước nhà nhưng không được trao tặng giải thưởng là không công bằng và gây tổn thương nghệ sĩ. Việc lên tiếng này đúng là “cực chẳng đã” nhưng lại vô cùng cần thiết, không chỉ vì giải thưởng cho các nghệ sĩ lần này mà còn cho ý nghĩa, giá trị của chính các giải thưởng. Bởi giải thưởng là sự ghi nhận, tri ân sự đóng góp của các nghệ sĩ, nhưng nếu sự ghi nhận đó không phản ánh đúng thực tế, không công bằng thì sẽ mất đi giá trị cốt lõi nhất. 

Ngay sau những lùm xùm này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu rà soát lại quy trình xét Giải thưởng Hồ Chí Minh. Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng ngay lập tức đề nghị Ban thi đua khen thưởng Trung ương phối hợp với Bộ VH-TT&DL giải quyết các thắc mắc trên.

Theo đó, vấn đề chung được các đồng chí lãnh đạo cấp cao yêu cầu xem xét là việc Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh hiện nay chưa ghi nhận hết các trường hợp xứng đáng. Nguyên nhân là do việc quá cứng nhắc trong việc yêu cầu các nghệ sĩ phải có giải thưởng, Huy chương…

Ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng và Chủ tịch nước là một tín hiệu rất đáng mừng và thực ra không phải bây giờ mới đặt ra. Chính bởi sự khiên cưỡng, máy móc “hành chính” trong việc xét trao giải như vậy nên nhiều năm qua, mỗi lần công bố các giải thưởng, danh hiệu hầu như đều khiến dư luận “bàn ra, tán vào”, khiến không ít nghệ sĩ chạnh lòng.

Công bằng mà nói, trong các tiêu chí xét tặng thì giải thưởng, Huy chương… vẫn cần là một trong những tiêu chí quan trọng. Nhưng việc quy định quá cứng nhắc như thời gian qua đã không chỉ làm tổn thương các nghệ sĩ mà vô hình trung còn đặt một áp lực không nhỏ lên cơ quan quản lý.

Bởi hoạt động nghệ thuật là sự bền bỉ phấn đấu sáng tạo cả đời của nghệ sĩ, thước đo trung thực nhất về giá trị của người nghệ sĩ, chính là sự ghi nhận của công chúng chứ không phải chỉ “đóng khung” trong một vài danh hiệu, Huy chương, giải thưởng nào đó.

Thế nên, việc điều chỉnh quy định linh hoạt, phù hợp thực tế là rất cần thiết, bởi không nên để nghệ sĩ phải đi “xin”, đi “đòi” những thứ xứng đáng thuộc về họ.