Đừng để ký ức của trẻ chỉ gói gọn trong chiếc điện thoại

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Đối với nhiều đứa trẻ, việc trải nghiệm, giải trí, học tập, ngay cả những hoạt động ăn uống của chúng bây giờ đều liên quan đến smartphone. Nhiều bậc phụ huynh sẵn sàng đưa điện thoại cho con cái sử dụng mọi lúc để chúng ngồi yên trong phòng, không quấy phá. Dần dần chiếc điện thoại đã trở thành người bạn thân nhất của đứa trẻ, để rồi những kỉ niệm của chúng khi lớn lên chỉ nằm trong chiếc điện thoại.

Trẻ nhỏ, được khám phá và tìm hiểu điện thoại là một niềm vui vô tư, hồn nhiên. Mỗi khi đi học về, đứa trẻ nào cũng vui sướng khi được xem điện thoại, ipad mỗi khi ăn uống, giải trí sau một ngày dài. Theo năm tháng, việc sử dụng thiết bị điện tử đã tạo thành thói quen khó bỏ của những đứa trẻ.

(Khi cuộc sống của trẻ gắn liền với công nghệ. Ảnh minh họa: Nguồn Sasint)

(Khi cuộc sống của trẻ gắn liền với công nghệ. Ảnh minh họa: Nguồn Sasint)

Với những gia đình nông thôn, việc có nhiều thiết bị công nghệ để trẻ nhỏ tiếp cận là không nhiều. Trẻ nhỏ ít được dùng thì lại càng ham muốn. Thậm chí chúng sẽ tìm bạn bè có đồ công nghệ để dùng chung hoặc ra quán net để thỏa mãn sự hiếu kì và thích thú. Càng ngày càng mê đắm là một thực trạng hiện nay.

Nhiều gia đình có điều kiện, đồ đạc công nghệ có ở khắp mọi nơi trong nhà. Trẻ nhỏ có thể tùy thời gian sử dụng, tùy thời gian khám phá, tha hồ vui chơi giải trí một mình một góc. Nhưng chẳng ai biết chúng đang làm gì trên điện thoại. Ngay cả bên ngoài, với các bạn đồng lứa việc bạn bè của trẻ sở hữu riêng cho mình một chiếc smartphone càng làm trẻ muốn có và sở hữu nó. Khi đã có thì hình ảnh một đám trẻ chơi với nhau qua điện thoại, có thể thấy ở nhiều nơi trong thành thị.

Những đứa trẻ cũng sẽ lớn và những kinh nghiệm hay kỹ năng mà chúng học được từ bé lại là rất ít. Vì suốt quãng thời gian còn ấu thơ, chúng đã đắm chìm trong điện thoại quá nhiều, để rồi tạo nên một tư duy và lối suy nghĩ lười biếng.

Có thể, nhiều đứa trẻ đều lớn lên trong cùng một thành phố, nhưng khác nhau cơ bản từ cách nhìn, cách tiếp xúc với công nghệ. Chính những điều khác nhau đó đã tạo nên ký ức ấu thơ của mỗi đứa trẻ, chúng như những tờ giấy trắng, tự viết lên cuộc đời mình.

Khi Youtube được xem là "mỏ vàng", nhiều người đã bất chấp làm nhiều video mang tính độc hại, vô bổ, nhảm nhí để câu view, kiếm nhiều tiền. "Thử thách 24 giờ làm chó", "Đốt nhà ông ngoại", "Thử thách nhịn ăn trong 24h"... chính là những dòng tiêu đề xuất hiện trên Youtube của các "Youtuber rởm".

"Youtuber rởm" chính là những người có "cái đầu rỗng" với mong muốn chạm tới danh tiếng mà bất chấp các chiêu trò câu view. Họ muốn khẳng định bản thân qua những video bị biến chất nặng nề so với chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực xã hội.

Từ khóa " Elsa Spiderman " đang là từ khóa “hot” nhất, được tìm kiếm trên YouTube bởi nó đang được hàng trăm triệu đứa trẻ theo dõi và tìm kiếm mỗi ngày.

Thoạt nhìn qua, chúng chỉ là những clip vui nhộn do người lớn đóng giả các nhân vật hoạt hình đình đám gây cười cho lũ trẻ. Nhưng khi chúng ta bỏ ra 10-15 phút theo dõi sẽ thấy chúng đều là những clip nhảm nhí, nội dung và ngôn từ dành cho người lớn, không logic, không một cốt truyện, càng không mang tính giáo dục cho con trẻ.

Ảnh minh họa: Nguồn Youtube

Ảnh minh họa: Nguồn Youtube

Nếu trẻ dùng điện thoại để học tập, nâng cao vốn kiến thức sống của mình thì điều đó càng được khuyến khích. Tuy nhiên, thực tế thì hoàn toàn khác. Những đứa trẻ (đặc biệt vào tuổi đi học, thanh thiếu niên) sử dụng điện thoại chủ yếu để chơi game, trò chuyện với bạn bè và xem những kênh giải trí.

Khi sử dụng các thiết bị điện từ, trẻ thường để rất sát mắt để nhìn cho rõ, đôi khi quá tập trung, không để ý đến xung quanh. Điều này dẫn đến hiện tượng mắt thường xuyên phải tập trung nhìn gần trong thời gian dài, thể thủy tinh phồng lên, độ cong của giác mạc tăng, khiến lực khúc xạ của mắt tăng lên, gây nên tật cận thị. Một số trẻ có tật cận, viễn, loạn thị bẩm sinh lại được tiếp xúc thiết bị điện tử sớm khiến độ khúc xạ thay đổi nhanh. Do vậy, khi cha mẹ đưa đi khám thì đã bị mắc tật khúc xạ với số độ kính tương đối cao.

Thời gian “offline” của những đứa trẻ đến từ chính thái độ của cha mẹ. Sức ảnh hưởng của bậc làm cha mẹ trong việc kiểm soát con mình tùy vào môi trường nơi gia đình họ đang sinh sống. Bạn không thể kiểm soát trẻ khi bạn đi làm online cả ngày và bạn càng không biết được chúng xem những gì trên mạng.