Ngành nội dung số và internet Việt Nam:

Đừng để “chết yểu” vì… cơ chế

ANTĐ - Ông Lê Hồng Minh, Tổng giám đốc VinaGame (VNG) từng than thở rằng “Doanh nghiệp Việt đang thua ngay trên sân nhà” bởi chính sách quản lý và hỗ trợ doanh nghiệp trong nước còn quá bất cập và thiếu công bằng so với doanh nghiệp nước ngoài. Câu chuyện của VNG hay các doanh nghiệp Nội dung số Việt đang tiềm ẩn mối đe dọa thực sự tới tương lai ngành công nghiệp non trẻ này tại Việt Nam    

Các doanh nghiệp Nội dung số trong nước rất cần một chính sách hỗ trợ phát triển


Cạnh tranh gay gắt

Theo thống kê của Zenith Optimedia, doanh thu quảng cáo trực tuyến toàn cầu năm 2011 ước tính đạt trên 72 tỷ USD, vượt 12,5% so với năm 2010 (khoảng 64 tỷ USD), trong đó 5 công ty quảng cáo lớn nhất thu về 64% (khoảng 40 tỷ USD) là Google, Yahoo, Microsoft, Facebook, AOL. 

Tại Việt Nam, theo thống kê của Công ty Nghiên cứu thị trường Cimigo, năm 2010, tổng doanh thu quảng cáo trực tuyến đạt khoảng 500 tỷ đồng (25 triệu USD), tăng trưởng gần 80% so với doanh thu năm 2009 (278 tỷ đồng). Mỗi năm các doanh nghiệp lớn như Google, Yahoo, Facebook, thu được từ quảng cáo tại Việt Nam 40 triệu USD, chiếm tới 60% thị phần quảng cáo online. Trong khi đó tổng doanh thu của tất cả các doanh nghiệp Việt Nam chỉ khoảng 20 triệu USD, chiếm 40% thị trường còn lại.

Qua các con số thống kê trên có thể cho thấy các tập đoàn lớn như Google, Yahoo, Microsoft, Facebook, AOL đang gần như độc chiếm thị phần quảng cáo toàn cầu, trong khi tại thị trường Việt Nam thì đang diễn ra cuộc cạnh tranh gay gắt, so kè giữa các công ty trong nước và nước ngoài. Với xu hướng người sử dụng các công cụ online ngày càng nhiều, chiếm 31% dân số Việt Nam (khoảng 26,8 triệu người) và trong đó có tới 50% dân số tại các thành phố lớn theo nghiên cứu năm 2010 của Cimigo thì công cụ quảng cáo online được dự đoán sẽ còn phát triển mạnh hơn nữa trong những năm tới. 

Với đối tượng người trẻ

online hiện đang chiếm 94% (từ độ tuổi 15 – 24) và 70% là đối tượng có thu nhập từ khá tới cao thì quảng cáo online lại càng phát huy sức mạnh tận dụng mảng đối tượng khách hàng giàu tiềm năng tài chính này.

Sự cạnh tranh là động lực của phát triển, tuy nhiên ở một mặt khác cạnh tranh cũng là con đường khắc nghiệt đặc biệt đối với những doanh nghiệp còn nhỏ và yếu về tiềm lực tài chính, kinh nghiệm như các công ty Việt Nam. Trong cuộc cạnh tranh này dường như phần ưu thế đang dần nghiêng về các doanh nghiệp nước ngoài do tiềm lực kinh tế khổng lồ, kèm thêm những lợi ích quý giá mà họ “vô tình” được hưởng bởi chính sách quản lý chưa theo kịp sự phát triển của ngành.

Nội dung số Việt sẽ nối gót ngành điện tử?

Theo ông Lê Hồng Minh, Tổng giám đốc VNG, một doanh nghiệp nội dung số lớn của TP.HCM thì “Doanh nghiệp nội dung số Việt Nam giống như chưa đá bóng mà đã bị phạt thẻ vàng, thẻ đỏ ngay trên sân nhà”. Ở một tương lai gần, ông Minh dự đoán ngành Nội dung số và Internet tại Việt Nam rồi cũng sẽ giống ngành Điện tử trước đây, sẽ chết vì không doanh nghiệp trong nước nào dám đầu tư vào ngành quá nhiều rủi ro.    

Cùng quan điểm với VNG, ông Bùi Văn Kiên, Phó tổng giám đốc tập đoàn Tinh Vân thì cho rằng sự “ra đi” của công cụ tìm kiếm nội địa VinaSeek chính là minh chứng rõ ràng nhất cho việc doanh nghiệp Việt đang ngày càng bị thu hẹp thị phần và mảng thị trường hoạt động dưới sự bành trướng quá nhanh của các công cụ tìm kiếm nước ngoài như Google hay Bing của Yahoo.  Vào năm 2000, VinaSeek từng có vị trí số 1 tại mảng thị trường tìm kiếm ở Việt Nam. Tuy nhiên tới năm 2011, đã không còn bất cứ sản phẩm “made in Việt Nam” nào xuất hiện trên bảng xếp hạng công cụ tìm kiếm, thay vào đó là 3 công cụ hoàn toàn từ nước ngoài là Google, Bing và Yahoo. 

Cũng như Tinh Vân, VNG trước đây đã khá đình đám với các sản phẩm như Zing Chat, Zing Search hay Zing Mail. Tuy nhiên 3 sản phẩm này đã sớm “ngã gục” trước khổng lồ Google hay Yahoo do nguồn lực tài chính eo hẹp và tư tưởng “sùng ngoại” đã quá ăn sâu vào tâm lý người tiêu dùng Việt Nam. Bên cạnh đó thì dường như các sản phẩm nội hay bị các cơ quan truyền thông “soi xét” kỹ lưỡng và vẫn chưa nhận được cái nhìn khách quan và thiện cảm. 

Trong khi các doanh nghiệp nội địa phải tuân thủ vô vàn “cửa ải” quy định, từ việc xin giấy phép, kiểm soát nội dung thông tin, đóng thuế thì doanh nghiệp nước ngoài chẳng mất đồng thuế nào mặc dù họ thu tiền người dùng Việt Nam qua 3 nhà cung cấp dịch vụ. Chỉ cần sai sót về thông tin là doanh nghiệp trong nước có nguy cơ bị rút giấy phép hoạt động, kéo theo hàng nghìn nhân viên chất lượng cao mất việc làm. Ngay trong dự thảo nghị định mới về quản lý Internet, có tới hơn 30 trang quy định quản lý đối với các tổ chức, doanh nghiệp trong nước, nhưng phần quản lý đối với doanh nghiệp nước ngoài chỉ có… 1 trang.

Để tự cứu lấy mình trước khi “hụt hơi” trên mảng thị trường nội dung số nội địa, nhiều doanh nghiệp trong nước đã phải tìm hướng đi mới như xây dựng nền tảng, cơ sở hạ tầng để các doanh nghiệp nội dung số khác nhỏ hơn hợp tác kinh doanh hay tìm kiếm thị trường nước ngoài nhằm tìm kiếm lợi nhuận và hy vọng giữ được ngành sản xuất nội địa không bị “lãng quên” và tụt hậu so với sự phát triển chung của thế giới. Tuy nhiên sự quan tâm sát sao hơn của các cơ quan quản lý nhà nước nhằm có một chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển vẫn là điều rất quan trọng.