Đụng đâu, sai đó

ANTĐ - Có lẽ phải đợi đến khi Kiểm toán Nhà nước chính thức công bố kết quả kiểm toán niên độ ngân sách năm 2010, dư luận mới thấy rõ hơn thực trạng “sức khỏe” yếu kém của 268 doanh nghiệp thuộc 21 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. Những con số và những sai phạm tại hàng loạt ngân hàng và các “ông lớn” là trụ cột của nền kinh tế cho thấy những “lỗ thủng” rất lớn trong công tác quản lý tài chính.

“Dẫn đầu” sai phạm là Ngân hàng Phát triển Việt Nam đã huy động vốn vượt quá nhu cầu cho vay, dẫn đến đọng vốn và phải tăng cấp bù chênh lệch lãi suất từ ngân sách Nhà nước. Riêng năm 2010, ngân hàng này cho vay thương mại ngoài chương trình được Nhà nước cho phép, hậu quả là kinh doanh lỗ 18,1 tỷ đồng, nợ quá hạn 438 tỷ đồng. Đặc biệt, nợ xấu cho vay đầu tư phát triển là 12,05%, cho vay xuất khẩu 13,4%, chưa kể nợ xấu của chương trình tàu biển Vinashin.

“Ông lớn” thứ hai sai phạm về tài chính ngân hàng là Công ty Mua bán nợ Việt Nam bị phát hiện không thực hiện nhiệm vụ chính là mua bán nợ và đầu tư dài hạn tái cấu trúc doanh nghiệp. Hiệu quả sử dụng vốn rất thấp, cho vay không đúng chức năng nhiệm vụ, không hiệu quả, thanh khoản kém và có nguy cơ mất vốn. Kết quả kiểm toán tại 8 tổ chức tín dụng, ngân hàng, bảo hiểm và Ngân hàng Nhà nước cũng “phát hiện” Ngân hàng Nhà nước đã áp dụng lãi suất tái cấp vốn thấp hơn nhiều lãi suất huy động trên thị trường cho các ngân hàng thương mại. Hệ lụy là tạo điều kiện cho một số tổ chức tín dụng lợi dụng như một nguồn vốn giá rẻ ưu đãi, không cơ cấu lại các khoản đầu tư để trả nợ đúng hạn, làm gia tăng dư nợ của các tổ chức tín dụng. Nguồn vốn, tiền bạc của Nhà nước, của nhân dân nằm trong các ngân hàng thì như thế, kết quả kiểm toán tại 21 tập đoàn, tổng công ty còn cho thấy một thực trạng bi đát, một “bức tranh” tài chính với quá nhiều lỗ thủng đáng sợ.

Tổng nợ phải thu hồi của 21 “ông lớn” đến cuối năm 2011 là 56.656 tỷ đồng, nợ phải thu trên tổng tài sản là 9,7% và trên vốn chủ sở hữu là 36,09%. Theo đánh giá của Kiểm toán Nhà nước, tại nhiều tập đoàn, tổng công ty tỷ lệ vốn bị chiếm dụng khá cao, nợ quá hạn và khó đòi phát sinh lớn. Có tới 11/21 tập đoàn, tổng công ty hoạt động kinh doanh chủ yếu dựa trên vốn chiếm dụng, vốn vay. Trong số đó, một số đơn vị dễ rơi vào nguy cơ mất cân đối tài chính, mất an toàn, nhất là những doanh nghiệp làm ăn trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản. Đáng lo ngại, một số doanh nghiệp cho cá nhân vay vốn, trong khi phải đi vay vốn để sản xuất kinh doanh. Mặc dù tỷ lệ đầu tư tài chính so với tổng tài sản, vốn điều lệ của doanh nghiệp không lớn, song đa số các tập đoàn, tổng công ty đều vung tiền ra đầu tư ngoài ngành như tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản và quỹ đầu tư…

Nếu phải lập một bảng “tổng sắp”… thành tích của những ngân hàng tầm cỡ cũng như các tập đoàn, tổng công ty được Kiểm toán Nhà nước “sờ gáy” phát hiện ra hàng loạt sai phạm và yếu kém, có lẽ phải tới một danh sách dài đứng ngay sau Vinashin, Vinalines, Vinaconex, Vinacomin, EVN… Đụng đâu, sai đó! Không thể tính được hết đã có bao nhiêu triệu tỷ, nghìn tỷ đồng tiền của ngân sách chảy đi đâu, ai chịu trách nhiệm và xử lý như thế nào.