Đừng dàn xếp thô thiển

ANTĐ - Khi chương trình Việt Nam Idol mùa thứ ba được phủ sóng toàn quốc năm 2010 với sự chiến thắng của ca sĩ Uyên Linh, dạng thức chương trình “truyền hình thực tế” chính thức lên ngôi ở Việt Nam. Từ đó đến nay, các gameshow cũ không còn đủ sức cạnh tranh với sức hấp dẫn của Cặp đôi hoàn hảo, Việt Nam Next Top Model, Giọng hát Việt và mới nhất là Gương mặt thân quen. Nhưng tại sao sự bùng nổ những chương trình này lại nhanh chóng có dấu hiệu bão hòa, và tương lai chúng sẽ đi đến đâu? 

Khán giả sẽ nhàm chán nếu thấy những “gương mặt sáng giá” xuất hiện liên tục trong các chương trình

Bản chất của truyền hình thực tế

Về lý thuyết, “truyền hình thực tế” là một thể loại truyền hình trong đó miêu tả thực những tình huống, hoàn cảnh, sự kiện thú vị và không hề được sắp đặt trước trong kịch bản. Nhân vật chính trong các chương trình này thường là những người bình thường (không phải diễn viên chuyên nghiệp) nhằm thể hiện những cảm xúc thực nhất. Yếu tố “thực” được xem là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên sức hấp dẫn của những chương trình này, chính vì thế, mỗi khi có một dấu hiệu “dàn xếp” nào đó của ban tổ chức, khán giả thường có phản ứng kịch liệt. Nhưng thật ra, không thể có chương trình hay mà thiếu sự “dàn xếp” trước. Sự “dàn xếp” này chẳng qua chỉ khác nhau ở hai yếu tố: mức độ nhiều hay ít, và cấp độ khéo hay không.  

Cấp độ khéo léo của sự dàn xếp luôn là một bài toán đau đầu. Khán giả muốn có những câu chuyện “chân thực và cảm động”, nhưng những điều chân thực đâu phải lúc nào cũng cảm động, và những điều chân thực, cảm động đâu phải dễ dàng xảy ra trước máy ghi hình. Chưa kể, về mặt tâm lý, họ lại không thích những con thiên nga đẹp trở thành những con thiên nga đẹp hơn, họ chỉ thích nhìn ngắm những con vịt xấu xí trở thành những con thiên nga xinh đẹp. Đó là lý do phần lớn những nam thanh nữ tú hát hay, được đào tạo bài bản tại các trường âm nhạc sẽ bị loại ra khỏi các cuộc thi này ngay từ đầu, nhường chỗ cho những “vịt con xấu xí” xuất hiện trước khán giả và thấy sự tiến bộ rõ rệt của họ qua mỗi cuộc chơi. Như vậy khán giả và nhà sản xuất, một bên muốn cái thật, một bên cố gắng tạo ra cái giả gần giống thật. Nếu khán giả bỏ tiền ra mua vé vào rạp xem phim, họ chấp nhận để “bị lừa” bởi những gì trên màn ảnh, nhưng khi ngồi nhà xem truyền hình thực tế, họ lại không chấp nhận điều đó. Nói cách khác, khán giả có thể chấp nhận “bị lừa”, nhưng phải ở cấp độ tinh tế hơn.

Đường dài mới biết ngựa hay

Cả sự bùng nổ lẫn bão hòa của những chương trình truyền hình thực tế ở Việt Nam đều không nằm ngoài xu hướng giải trí của truyền hình thế giới, nhưng Việt Nam lại có những yếu tố khiến sự xuống dốc này nhanh hơn. Ví như để hấp dẫn khán giả, truyền hình cần có những gương mặt mới, nhưng những gương mặt của truyền hình thực tế hiện nay đều là gương mặt quen từ thành viên Ban giám khảo tới các thí sinh dự thi. Khi Giọng hát Việt ra mùa đầu tiên, sự có mặt của bốn gương mặt hiếm khi xuất hiện trên “ghế nóng” là Trần Lập, Thu Minh, Đàm Vĩnh Hưng, Hà Hồ đã trở thành yếu tố thu hút khán giả. Nếu có ít chương trình, những chuyên gia đầu ngành sẽ tập trung tâm huyết của họ cho mỗi chương trình, nhưng với sự bùng nổ truyền hình thực tế hiện nay, chất lượng không thể theo kịp số lượng do thiếu chuyên gia. Tương tự với người chơi. Một nhà sản xuất âm nhạc trong truyền hình thực tế tại Việt Nam cho biết, có công ty mời ông sang xem định dạng mới của một chương trình truyền hình thực tế với những gương mặt sáng giá mà họ tuyển chọn kỹ càng. Nhưng vừa bật lên xem thì nhà sản xuất từ chối ngay, bởi những ứng viên sáng giá đó đã quá quen mặt trong những chương trình trước. 

Tất cả những điều này không có nghĩa là truyền hình thực tế sẽ chết yểu, nó sẽ chỉ chuyển từ dạng này sang dạng khác, và sự chuyển đổi đó phụ thuộc vào thị hiếu của khán giả. Khán giả càng dễ tính thì chất lượng của truyền hình thực tế sẽ chỉ như loạt phim hài nhảm chiếu rạp hàng Tết, và ngược lại khán giả càng khó tính và quay lưng với những chiêu trò nhàn nhạt thì nhà sản xuất sẽ phải tìm cách thay đổi. Cuộc cạnh tranh tự nhiên giữa các chương trình truyền hình thực tế sẽ tạo ra sự đào thải không thể tránh khỏi, và chỉ có những “con ngựa hay” mới đủ sức chạy đường dài.