Đừng chối bỏ quyền tự hào dân tộc

ANTĐ - Trong phạm trù bóng đá, hát Quốc ca trước mỗi trận đấu từ lâu được mặc định như một nghi thức bắt buộc, ở tất cả các giải đấu lớn nhỏ. Ca từ, giai điệu trong bài Quốc ca mỗi nước một khác. Nhưng dù có lời, hay chỉ đơn thuần là giai điệu (như trường hợp Quốc ca Tây Ban Nha) thì tất cả đều có điểm chung là khơi dậy niềm tự  hào và lòng tự tôn dân tộc. Đó không đơn thuần là một nghi thức thiêng liêng mà còn như liều thuốc tinh thần, tiếp thêm sức mạnh và sự tự tin cho các cầu thủ trước giờ “xung trận”.

Đa số các quốc gia, việc hát Quốc ca tại các buổi lễ lớn là yêu cầu bắt buộc. Nhiều nước như Thái Lan, nghi thức này được thực hiện thường xuyên. Đều đặn lúc 8h sáng và 18h chiều mỗi ngày, loa phát thanh đặt trên khắp các tuyến đường đồng loạt phát Quốc ca. Và khi giai điệu bài hát vang lên, tất thảy mọi người, từ người bán hàng rong, cụ già đang tập thể dục cho đến lũ trẻ đang nô đùa đều tự giác tạm ngưng mọi hoạt động, nghiêm mình hướng lên lá Quốc kỳ (nếu có) hoặc chiếc loa phát thanh gần nhất và nhẩm theo lời bài hát. Theo người dân Thái Lan, hoạt động đó xóa nhòa đi khoảng cách xã hội để mọi người gần nhau hơn và quan trọng hơn, nhắc nhở mỗi người có ý thức hơn với quốc gia, hun đúc sức mạnh dân tộc.

Trong bóng đá, tinh thần thi đấu là yếu tố quyết định lớn tới thành bại. Nhiều cầu thủ Việt Nam khi nhắc về những trận thắng oanh liệt trước các đối thủ mạnh đều thừa nhận, khi hát lên giai điệu bài Tiến quân ca và đặt tay lên ngực trái – nơi có in hình lá cờ Tổ quốc, trong họ cảm giác như được tiếp thêm sức mạnh của một dân tộc anh hùng suốt mấy nghìn năm lịch sử.

Thế nhưng, không phải trong mọi trường hợp, người ta đều ý thức đúng đắn về nghi thức thiêng liêng đó. Ở không ít trận đấu, nhiều quan chức, cầu thủ, cổ động viên lại chối bỏ quyền tự hào dân tộc bằng việc không hát, thậm chí làm việc riêng khi nghi thức Quốc ca đang diễn ra. Ở góc độ nào đó, việc chối bỏ quyền tự hào dân tộc chẳng khác nào hành động tự chà đạp lên danh dự cá nhân.