Đừng chết vì tham

ANTĐ - Chỉ trong thời gian ngắn vừa qua, trên địa bàn Hà Nội liên tiếp xảy ra nhiều vụ vỡ nợ với giá trị tài sản lên tới hàng trăm tỷ đồng. Con nợ tháo chạy khiến chủ nợ đứng ngồi không yên.

Ðây là hậu quả của việc cho vay theo kiểu tín dụng đen trước đây tập trung ở nội thành, nay lan mạnh ra các vùng nông thôn, ngoại thành với thực chất là lợi dụng tín nhiệm của người dân cũng như nắm bắt được tâm lý của người cho vay tiền là muốn thu lãi suất cao. Ðó là vụ vợ chồng ông chủ tiệm vàng Quang - Quyên  ở huyện Ðan Phượng với vỏ bọc bên ngoài là doanh nhân trẻ hào phóng đã huy động được một số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng. Danh sách các chủ nợ có cả  tổ chức, doanh nghiệp điêu đứng vì vợ chồng doanh nghiệp dởm này đang ngày một nối dài thêm sau khi sự việc vỡ lở. Cũng như vậy trong  vụ ở huyện Phú Xuyên đến thời điểm hiện tại, số tiền mà cặp vợ chồng Hùng - Cúc vay các chủ nợ đã lên đến con số không tưởng là 870 tỷ đồng và còn chưa có dấu hiệu dừng lại do các chủ nợ đang còn tiếp tục trình báo!

Những người nhận đã cho vay tiền là giới kinh doanh bất động sản, vàng bạc và chủ lò gạch, chủ tiệm cầm đồ, và cả nhiều gia đình lao động chân chất  tích cóp những đồng tiền xương máu sau bao năm làm ăn. Theo những nạn nhân này, để có tiền cho vay, họ đã phải cắm cả sổ đỏ, bán cả đất, vay nợ bạn bè để được hưởng tiền lãi chênh lệch. Ai oán hơn là có không ít người lao động nghèo khổ, như trường hợp của một bác vốn bị dị tật bẩm sinh làm nghề gánh gạch, tích cóp cả đời được vài chục triệu cũng bị dụ lừa cho vay những mong có phần trăm lãi để phụ đỡ cuộc sống, nuôi con ăn học, nay thì…

Đáng ngạc nhiên là trong số những chủ nợ này có cả những người vốn có tiếng rất giỏi trong việc làm ăn, tính toán song không hiểu vì sao vẫn “sập bẫy”. Bây giờ thì chỉ còn biết  than ngắn thở dài, chép miệng mà tự trách mình nhẹ dạ cả tin, hám lợi trước mắt để nên nỗi giờ bị “vỡ trận”. Bởi điều đơn giản là khi tổng dư nợ lên tới cả trăm tỷ đồng với lãi suất 2.000 -3.000đ/ngày/triệu thì mỗi ngày sẽ phải trả hơn 1 tỷ đồng tiền lãi. Theo đúng quy luật kinh tế thông thường, ai có thể kinh doanh gì để có lãi “khủng” như vậy?

Chính vì vậy, việc vỡ nợ gần như có thể dự báo trước. Thế nhưng, vì thấy  lãi suất cao, ham lợi, kiếm tiền nhanh, lại bị các đối tượng lừa khi tạo cho mình “vỏ bọc” doanh nghiệp làm ăn phát đạt sở hữu nhiều tài sản như xe ô tô đắt tiền, xài hàng hiệu trong quá trình giao dịch… nên nhiều người vẫn nhắm mắt cho vay, thậm chí vay mượn của những người khác để cho vay lại kiếm lời mà không tỉnh táo để nhận thấy việc cho vay lấy lãi suất cao thường là cái bẫy nhằm dụ nạn nhân. Ngay sau khi vay tiền của nạn nhân, đối tượng đã dùng số tiền đó, trả lãi suất cho họ từ tháng đầu tiên, điều này đã tạo tâm lý yên tâm, phấn khởi cho các nạn nhân. Rồi chúng còn trả các khoản tiền lãi rất sòng phẳng trong vài tháng đầu để tiếp tục lừa gạt, vay của họ những khoản tiền lớn hơn. Ðến khi vỡ nợ, hệ lụy sụp đổ dây chuyền khiến nhiều người huy động vốn mới ngã ngửa rơi vào cảnh điêu đứng, trắng tay, từ vị thế là chủ nợ bỗng chốc biến thành con nợ phải gồng mình gánh các khoản nợ. Nhiều gia đình đứng trước nguy cơ tan vỡ, vợ chồng chia tay, con cái cũng vì thế mà ly tán… Tất cả chỉ vì ham hố chút phần trăm chênh lệch cao hơn so với lãi suất trần của các ngân hàng.

Có một thực tế hiện nay là, việc cho vay tín dụng đen vẫn đang hàng ngày diễn ra. Cần vay bao nhiêu cũng có, muốn huy động một số tiền lớn đến đâu cũng không phải là việc quá khó. Trong khi sự theo dõi, quản lý và siết chặt việc cho vay theo hình thức “tín dụng đen” này vẫn còn đang bị bỏ ngỏ.

Rõ ràng loại tội phạm về kinh tế như trên đang có xu hướng gia tăng nên người dân cần nâng cao cảnh giác, cần cẩn trọng trước những lời mời gọi vay lãi suất cao, xem xét đánh giá đối tác có lượng tài sản để trả nợ hay không trước khi cho vay, mua bán vay mượn tài sản lớn cần có sự chứng kiến từ chính quyền địa phương thì những vụ vỡ nợ dây chuyền mới được ngăn chặn. Đừng có dại ham hố mà chết.