Đừng chăm chăm đi lễ hội vì nhìn thấy món lợi nào đó

ANTĐ - Bài viết “Khi lễ hội trở thành “cỗ máy” kiếm tiền” đăng trên An ninh Thủ đô số ra hôm qua 26-2, ngay lập tức thu hút sự quan tâm của bạn đọc. Phóng viên An ninh Thủ đô ghi lại ý kiến của một số nhà nghiên cứu văn hóa xung quanh vấn đề này. 

Hàng nghìn thanh niên lao vào giẫm đạp, đả thương nhau tại Hội phết Hiền Quan (Phú Thọ). Cả một biển người leo tường, thậm chí giẫm lên ban thờ để giành ấn tại đền Trần, Nam Định… Đáng buồn đây lại là những hình ảnh khó đỡ trong mùa lễ hội năm nay tại các địa phương. 

Đừng chăm chăm đi lễ hội vì nhìn thấy món lợi nào đó ảnh 1Nhiều người nhảy vào “cướp phết” mặc dù không hiểu ý nghĩa của hành động này

Lên án những hành vi thô bạo, phản văn hóa

- PV: Thưa nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hòa, ông có bình luận gì khi xem những hình ảnh có thể nói là “tràn ngập bạo lực” được ghi nhận tại nhiều lễ hội vừa qua?

- Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hòa: Từ những điều “mắt thấy tai nghe” khi dự lễ hội và đọc trên báo chí, tôi thấy đây là nỗi thất vọng kéo dài và ngày càng tăng lên vì hành xử thiếu văn hóa ở nơi công cộng của quá nhiều người Việt. Tôi tôn trọng khát khao muốn được may mắn, an lành của mọi người và tạm coi khát khao ấy có tính văn hóa đi, thì tôi vẫn coi thường những ai có hành vi thô bạo, phản văn hóa để cố gắng đạt tới.

Đừng chăm chăm đi lễ hội vì nhìn thấy món lợi nào đó ảnh 2

- Dường như năm nào cứ lễ hội là lại có tranh cướp, lại giẫm đạp, đả thương nhau. Tại sao lại như vậy? Lễ hội xưa có xảy ra trình trạng này không, thưa ông? 

- Không thể nói lễ hội xưa không có “tranh, cướp”. Tuy nhiên, cha ông chúng ta “tranh, cướp” khác với bây giờ. Đó chỉ là hành vi mang tính tượng trưng, “tranh, cướp” để tạo không khí đông vui, ai cũng có phần, chứ không cậy sức khỏe hơn người để giành lấy. Xưa kia cũng có cướp bánh giầy, cướp lộc trong một số lễ hội. Gọi là “cướp” nhưng mỗi người chỉ lấy chút ít mang về lấy may, còn dành để người khác.

Như thế cả làng đều được may mắn. Cướp được quả phết mang lại may mắn nhưng xét đến cùng đó là một trò chơi, nơi thi thố sức khỏe, sự khéo léo, nhanh nhẹn, khả năng phối hợp… của một người hoặc nhóm người tham dự, không phải là nơi “thượng cẳng tay, hạ cẳng chân”, chửi bới, mạt sát nhau quyết giành cho được. 

- Có một số người chỉ chăm chăm đi hội vì nhìn thấy món lợi nào đó. Họ đi hội không phải để thành tâm cúng bái, cầu sức khỏe, gia đình vui vẻ, hòa thuận mà chỉ để xin lộc, phát tài. Ông nghĩ gì về điều này? 

- Ngày còn nhỏ, mỗi khi vào đền, chùa tôi thường được nghe những cầu khấn lành sạch. Khi mùa xuân đến, mọi người cầu xin sức khỏe, gia đình hòa thuận, hạnh phúc, mùa màng tươi tốt, đất nước thanh bình… Đó là khát khao lương thiện, nhân văn. Nếu bạn đọc các bài khấn cổ sẽ thấy như vậy.

Đến thời nay, khát khao như vậy vẫn còn nhưng có lẽ mục đích, động cơ cầu khấn đã bị nhiều người biến đổi. Giả dụ tôi là người cho vay nặng lãi, kinh doanh lừa đảo… tôi đến đền, chùa để cầu khấn làm ăn khấm khá hơn tức là tôi mong muốn sẽ có nhiều người vay tiền của tôi với giá cắt cổ, lừa được nhiều “cú” hơn. Chẳng lẽ tôi lại cầu khấn để chẳng ai đến vay tôi nữa, đối tác làm ăn sẽ biết tôi lừa đảo!? Như vậy là có người mang ước mơ trục lợi đến cầu khấn ở đền, chùa. “Cụ” nào đó lại phù hộ cho người cầu khấn điều không chính đáng thì “cụ” cũng phải xem lại mình!  

Đừng quảng bá cho những điều không có thực

- Ngoài biểu hiện trục lợi, phải chăng mê tín quá đà cũng là căn nguyên làm nảy sinh những hành vi phản cảm trong lễ hội?

- Năm nọ tôi tới dự lễ khởi công chế tác một khối ngọc bích nặng mấy chục tấn thành một pho tượng Phật. Khối ngọc cao khoảng 3m, gần đỉnh dán mấy “lá bùa”, thế mà có mấy người nhảy như con choi choi cố giật lấy “lá bùa”. Nhìn họ tôi buồn cười, đó là “bùa” dành cho viên ngọc có dành cho người đâu mà cố giật lấy bằng được! Tôi đồ là nhiều người cướp phết, cướp hoa tre có khi cũng chẳng biết ý nghĩa như thế nào, thấy bảo cướp được là may nên xông bừa vào cướp, vậy thôi.

Chuyện rải tiền lẻ ở các nơi thờ cúng cũng vậy. Nếu cúng bằng tiền có ý nghĩa thì tại sao các cụ nghĩ ra vàng mã, sản xuất vàng mã làm gì? Nhiều người trong chúng ta đang mê muội, mà sự mê muội này có nhiều lý do, như tham lam trục lợi, thiếu tri thức để lý giải điều mình muốn làm… Thêm nữa, cần nhắc tới tâm trạng bất an và có lẽ cũng nên thông cảm. 

- Có người nói biến tướng trong lễ hội là do thiếu đi quy chuẩn trong tổ chức, thực hành lễ hội, ông nghĩ sao? 

- Ngày xưa lễ hội của mỗi làng có quy chiếu rất quan trọng là hương ước, là lệ làng. Lễ hội ở làng được tổ chức như thế nào, ai đi trước ai đi sau, ai mặc quần áo gì, sau nghi thức này đến nghi thức nào, mọi người được làm gì, không được làm gì… đều được quy định rất chặt chẽ. Tuy nhiên, từ mấy chục năm trước, hầu như hương ước, lệ làng đã biến mất và sau một thời gian quá dài lễ hội ít được quan tâm, nay lại được phục dựng, liệu có gì bảo đảm xưa kia cũng diễn ra như thế?  

- Trước những nhức nhối xảy ra trong lễ hội thì yêu cầu đặt ra vẫn là quản lý lễ hội như thế nào. Lễ hội sinh ra từ làng, từ địa phương nên việc đưa ra văn bản mang tính mệnh lệnh là rất khó, có phải như vậy không, thưa ông?

- Tôi nghĩ chúng ta có thể quản lý các lễ hội nếu thực sự kiên quyết, như việc dừng hội chọi trâu ở Phúc Thọ, hay “xử kín ông Ỉn” ở Ném Thượng chẳng hạn. Chỉ có điều, các cơ quan quản lý văn hóa và chính quyền địa phương cần có lý lẽ để thuyết phục cộng đồng rằng, thực hành lễ hội như vậy là không phù hợp. Không thể nửa vời, cũng không thể vì việc kinh doanh, kiếm lời từ lễ hội mà biến lễ hội thành tụ điểm thiếu văn hóa. Tôi nghĩ, có lẽ nên trả lễ hội về cho địa phương.

Khi người địa phương tự hào về tài sản lễ hội thì bà con sẽ có trách nhiệm với lễ hội của mình. Ở đây, cũng nên chú ý tới vai trò của báo chí, đừng quảng bá quá nhiều những thứ có thể gây ấn tượng “mang lại lợi lộc” như ấn, hoa tre… và gán cho chúng ý nghĩa thiêng liêng ảo, không có thực. 

- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái: Cần trang bị kiến thức cho người đi trẩy hội

Lễ hội đang biến tướng với nhiều biểu hiện phản cảm như cướp giật, tranh giành, đánh nhau. Người đi lễ thì theo tâm lý đám đông mà không được trang bị kiến thức về lễ hội. Những biểu hiện này báo hiệu sự xuống cấp của văn hóa.

Trước thực trạng này, tôi cho rằng giải pháp lâu dài cần thực hiện chính là việc nâng cao dân trí, trang bị kiến thức cho người đi trẩy hội, để họ có thái độ ứng xử đúng với lễ hội. Người Việt Nam phần lớn vẫn chưa thoát được suy nghĩ và cách nhìn nhận của người nông dân lao động thủ công. Vì thế, quá trình đi lên này sẽ trải qua một số biến thái của đời sống xã hội và lễ hội chính là một trong những biến thái ấy.

Tôi đặt nặng yếu tố con người và trình độ dân trí trong việc giải quyết các thực trạng của lễ hội. Kế đến, vai trò của các cơ quan quản lý và giới truyền thông trong việc đưa ra các biện pháp mạnh tay và tuyên truyền ý thức tham gia lễ hội đến với người dân. 

TS Khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu: Nên chấm dứt tình trạng lễ hội tràn lan...

Với tình trạng lễ hội dồn dập và biến tướng như hiện nay, theo tôi trách nhiệm đầu tiên phải thuộc về cơ quan quản lý văn hóa chứ không thể đổ tại cộng đồng hay nơi tổ chức. Sau rất nhiều năm, dư luận xã hội và các nhà nghiên cứu văn hóa lên tiếng về thực trạng lễ hội đi quá xa ý nghĩa ban đầu, thậm chí gây ra nhiều tiêu cực nhưng cơ quan quản lý văn hóa vẫn chưa có biện pháp tích cực nào để giải quyết dứt điểm.

Trong khi đó, chính quyền địa phương nơi diễn ra lễ hội cũng không chịu thay đổi mục tiêu của lễ hội khiến ở nhiều nơi lễ hội vẫn mang nặng tính thực dụng. Tôi cũng thấy nếu cứ duy trì văn hóa truyền thống theo kiểu “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” thế này thì không ổn, nhất là ở các thành phố, đô thị có hàng nghìn lễ hội rải rác suốt tháng Giêng.

Đành rằng lễ hội để bảo tồn và giữ gìn nét văn hóa truyền thống nhưng không có nghĩa là lễ hội nào cũng tổ chức rầm rộ. Thêm nữa, tâm lý đám đông kiểu như người khác có “lộc” thì mình cũng phải có, làm “căn bệnh” lễ hội ngày càng nặng. Đã đến lúc phải chấn chỉnh lại từ gốc việc tổ chức các lễ hội bằng việc các nhà quản lý văn hóa và những người nghiên cứu bảo tồn lễ hội ngồi lại với nhau, phân tích lễ hội nào nên bảo tồn và bảo tồn thế nào, lễ hội nào nên bỏ để chấm dứt tình trạng lễ hội tràn lan như hiện nay.