TS Trần Công Trục, Nguyên trưởng ban biên giới Chính phủ

Đừng ảo tưởng và hy vọng Trung Quốc sẽ làm như họ nói

ANTĐ - TS Trần Công Trục sinh năm 1943 tại làng Phú Ninh, nay là phường Đồng Phú, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Sau một thời gian được cử làm biệt phái viên của Ban Biên giới Chính phủ, năm 1995, TS Trần Công Trục được đề bạt là Trưởng Ban Biên giới Chính phủ và nắm giữ cương vị ấy cho đến ngày nghỉ hưu. Nhắc đến tên ông là nhắc đến một tiến sĩ đã 30 năm gắn bó với công tác biên giới lãnh thổ quốc gia. 

Gần đây trên báo chí, người ta vẫn gọi TS Trần Công Trục là “ông Biển Đông”. Năm 2012, ông đã xuất bản cuốn sách mang tên “Dấu ấn Việt Nam trên biển Đông” dày 400 trang với nhiều chứng lý về chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Mới đây ông lại đưa ra ý tưởng thành lập bảo tàng chứng lý số biển Đông, thu hút sự quan tâm của dư luận trong và ngoài nước. Phóng viên Báo An ninh Thủ đô Cuối tuần đã có cuộc trò chuyện với ông về những diễn biến “nóng” trên biển Đông cũng như ý tưởng thành lập bảo tàng của ông.

- Trong những ngày vừa qua, dư luận trong nước và quốc tế lại “nóng” lên với việc leo thang ngày càng nghiêm trọng của Trung Quốc trên biển Đông. Cụ thể là việc tàu cá Trung Quốc đâm thẳng vào tàu cá Việt Nam. Từ đầu năm đến nay, tính riêng tỉnh Quảng Ngãi đã có 100 vụ tàu Trung Quốc cản trở việc đánh bắt của ngư dân Việt Nam trên biển Đông. Ông có bình luận gì về hành động ngang ngược của Trung Quốc?

- Tôi không có gì ngạc nhiên vì nhận định của tôi từ cuối năm ngoái đã cho rằng Trung Quốc ngày càng mạnh mẽ hơn nữa, dùng mọi thủ đoạn để tạo ra thế mạnh của mình trên thực tế để buộc các nước chấp nhận những tham vọng của họ độc chiếm biển Đông. Các tướng lĩnh Trung Quốc cũng nói là Trung Quốc tiến xuống biển Đông bằng chiến lược bắp cải tức là lấn chiếm dần theo từng lớp. Đầu tiên, Trung Quốc dùng dân sự kèm theo ngư chính và hải quân. Nếu như vấp phải sự kháng cự thì họ sẽ dùng lực lượng quân sự. Rõ ràng đấy là những hoạt động mang tính chất gây sức ép buộc các nước chấp nhận. Nếu như các nước liên quan không khéo léo xử lý thì là cái cớ họ gây sức ép. Nếu như chúng ta có phản ứng thiếu bình tĩnh sẽ là cái cớ để họ lấn tới. Mạnh hơn nữa là họ vơ vét tài nguyên trên vùng biển thuộc chủ quyền của chúng ta.

- Rõ ràng hành động của Trung Quốc đang bộc lộ rõ ý đồ, bản chất bành trướng của mình?

- Trung Quốc đang bắn một tín hiệu, một thông điệp mạnh mẽ rằng có tranh chấp thì cùng nhau khai thác. Nếu không chấp nhận thì họ đơn phương khai thác và cũng đã từng làm như vậy. Đó là một bài thâm độc. Trung Quốc đã công khai phải trở thành một siêu cường. Muốn trở thành một siêu cường thì phải là một quốc gia mạnh về biển và muốn vậy phải khống chế được biển Đông và làm chủ biển Đông. Hoa Đông còn gặp rất nhiều cản trở nên con đường tiến ra biển Đông có điều kiện thuận lợi hơn và chính vì vậy họ phải gạt bỏ những trở ngại trên con đường đó.

- Điều này hoàn toàn đi ngược lại những gì mà Trung Quốc vẫn ra rả nói trên bàn ngoại giao?

- Trên thực tế ngoại giao thì lúc nào Trung Quốc cũng nói rất thiện chí thúc đẩy quan hệ ngoại giao, muốn giữ vững hòa bình, hòa khí. Trong khi đó hạm đội Đông hải, Nam hải cùng tập trận, đổ bộ. Những bài binh bố trận, bước tiến họ đã tính sẵn và kết hợp nhuần nhuyễn và tùy theo tình hình, đối tượng họ xử lý. Chúng ta đừng ảo tưởng và hy vọng họ sẽ làm như họ nói.

- Ông có dự báo gì về những hành động tiếp theo của Trung Quốc?

- Như tôi đã nói Trung Quốc đang áp dụng “chiến lược bắp cải” - “nuốt dần từng miếng”. Khả năng họ tiếp tục đánh chiếm các đảo trong quần đảo Trường Sa, vơ vét tài nguyên, đụng chạm các lợi ích quốc gia đại sự… đã, đang và sẽ diễn ra.

Thực ra trên phương diện ngoại giao Trung Quốc nói thiện chí để mê hoặc dư luận quốc tế. Trung Quốc đang thăm dò, tạo ra sức ép, răn đe để thăm dò thái độ của các nước trong khu vực. Ví dụ chỉ riêng vấn đề biển Đông thời gian qua đã cho thấy một số nước trong khu vực có quan điểm khác nhau, cho thấy có sự chia rẽ. Vì vậy cần phải có sự đoàn kết chặt chẽ giữa các nước. 

- Theo ông chúng ta nên làm gì trong bối cảnh hiện nay?

- Các bạn nên gặp các nhà chính trị mới có câu trả lời thỏa đáng nhất. Tôi nghĩ họ cũng rất quan tâm, suy nghĩ và chúng ta cũng đang làm những việc cần thiết để bảo vệ chủ quyền. Chúng ta đã tăng cường khả năng phòng thủ, các lực lượng như cảnh sát biển, điếu ngư, hải quan, động viên người dân bám biển, quan tâm hơn nữa công tác tuyên truyền biển đảo, đấu tranh trên phương diện ngoại giao… Nhưng chừng đó là chưa đủ để ngăn được bước tiến của Trung Quốc vì thế dư luận còn rất nhiều lo lắng. Tôi nghĩ trong tình hình hiện nay chúng ta phải phát huy những lợi thế, thế mạnh của mình như sức mạnh pháp lý để thế giới hiểu rõ chân lý của mình. Muốn người ta ủng hộ mình thì phải để người ta hiểu rõ đúng sai. Philippines đã kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế. Đấy cũng là cách mà tôi nghĩ Việt Nam cũng cần phải tính đến bởi vì chí ít khi ta làm được điều đó ta nói được với thế giới là ta đúng và thế giới sẽ ủng hộ chúng ta. Nhất là trong khi Trung Quốc là một nước lớn, nhiều nước có những lợi ích khi ủng hộ Trung Quốc. Vì vậy mình phải có tác động nào đó. Để có bằng chứng về những vi phạm của Trung Quốc đối với chủ quyền trên biển, chúng ta phải có điều tra, bắt quả tang để xử lý. Để làm điều này phải có lực lượng trên biển. Trung Quốc làm rất bài bản, có sự chuẩn bị. Còn chúng ta thì đang bị lấn lướt một cách phi lý.

- Việt Nam có những chứng cứ pháp lý khẳng định Hoàng Sa - Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, bằng chứng là trong thời gian qua chúng ta đã tìm thấy nhiều bản đồ cổ chứng minh điều đó?

- Công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa cũng như những tranh chấp trên biển Đông hiện nay diễn ra hết sức phức tạp, lâu dài và trên nhiều phương diện nhưng trước hết theo quan điểm của tôi để cuộc đấu tranh có hiệu quả, nhắm đúng mục tiêu, ngăn chặn được bước tiến và giữ cho tình hình khu vực ổn định, hòa bình thì điều quan trọng hơn hết là căn cứ vào những tư liệu, chứng cứ chứ không thể duy ý chí nghĩ là mình đúng và bắt người khác phải theo. Lý do thứ hai là rõ ràng qua thời gian nghiên cứu, xem xét làm việc trực tiếp tôi thấy hồ sơ pháp lý của mình chứng minh cho quan điểm Nhà nước Việt Nam có chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa chúng ta có rất nhiều, nhưng chưa được thống kê, tập hợp, phân loại một cách bài bản khoa học. Chúng ta đã làm được khá nhiều việc, cuộc đấu tranh đã đi vào chiều sâu tuy nhiên để có thể đem những vấn đề ra trọng tài quốc tế thì hồ sơ của chúng ta cần bài bản và chặt chẽ.  Hiện nay, từng người dân, học giả, nhà nghiên cứu, trong nước và thế giới đều rất quan tâm và muốn đóng góp những chứng cứ pháp lý về chủ quyền biển đảo cho Việt Nam. Nhưng chúng ta cũng chưa có một nhạc trưởng nào đứng lên thu thập tài liệu, thống kê, phân loại… Đây là vấn đề cấp bách, cần triển khai. Nhà nước cần có sự đầu tư thỏa đáng, tôn trọng, có đánh giá, đưa ra những đề xuất cụ thể.

- Chính vì thế mà ông có ý tưởng xây dựng bảo tàng chứng lý số về biển Đông?

- Đúng vậy, từ trước đến nay sự tập hợp các hồ sơ, chứng cứ chủ yếu đều dựa vào sự tự giác, quan tâm, lòng yêu nước… Vì vậy tôi muốn đưa ra bảo tàng chứng lý số biển Đông để tập hợp, sưu tầm, nghiên cứu, tổng hợp, phân loại, đánh giá để tạo lập những hồ sơ pháp lý, có thể phục vụ cho những công tác nghiên cứu…

- Ý tưởng đã xây dựng được đến đâu rồi thưa ông?

- Mới là ý tưởng, đưa lên trang mạng của Bộ Thông tin và Truyền thông. Nhiều học giả, nghiên cứu hoan nghênh nhưng cơ quan quản lý chưa có ý kiến thì làm sao thành hiện thực được. Muốn làm phải có tiền, có người, có quyền hạn nhất định. Nếu như sự quan tâm đó đến được nhà quản lý, lãnh đạo thì ý tưởng mới thành hiện thực.

- Chân thành cảm ơn ông, tôi tin những người dân Việt Nam, và cả những bạn bè trên thế giới yêu chuộng hòa bình, đứng về phía chính nghĩa sẽ ủng hộ ý tưởng của ông!