Vạch mặt nhà ngoại cảm (4):

Dùng ADN lật tẩy trò lừa đảo ngoại cảm - tìm mộ

ANTĐ - Việc thân nhân liệt sĩ không ngại gian khó đi tìm mộ người thân, thậm chí tin mù quáng vào các nhà ngoại cảm, cũng chỉ vì tâm nguyện đoàn tụ với gia đình chứ không nhằm mục đích được hưởng chế độ của nhà nước. Nguyện vọng này vô cùng chính đáng, nhưng chính vì nắm được tâm lý đó, nên các gia đình đã bị các đối tượng lừa đảo.

Trước thực trạng trên, ngày 12-2-2012, Ban Chỉ đạo Đề án Xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin (Bộ LĐ-TB&XH) đã có văn bản nêu rõ, các bộ, ngành đã thống nhất giám định ADN là phương pháp chủ yếu xác định danh tính liệt sĩ (còn lại xác nhận theo di vật, bằng chứng của đồng đội…). Theo đó, trong giai đoạn 2012-2015, sẽ xác định danh tính cho 25.000 hài cốt liệt sĩ (khoảng 15.000 hài cốt liệt sĩ được xác định bằng giám định gen). Giai đoạn 2015-2020, tập trung xác định danh tính cho khoảng 63.000 hài cốt liệt sĩ (50.000 hài cốt được xác định bằng giám định gen). Cũng theo Ban Chỉ đạo, các bộ cũng thống nhất, không coi ngoại cảm là một phương pháp xác định danh tính hài cốt liệt sĩ, vì độ phức tạp rất lớn, chưa có cơ sở pháp lý.

Xung quanh vấn đề này, ông Đào Ngọc Lợi, Phó Cục trưởng Cục Người có công - Bộ LĐ-TB&XH cho biết, năm 2011, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã giao Cục Người có công thực hiện thí điểm việc xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin qua giám định ADN. Cục Người có công đã phối hợp với 3 Trung tâm giám định là: Viện pháp y Quân đội; Viện Công nghệ sinh học, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Viện Kỹ thuật hóa sinh và tài liệu nghiệp vụ, thuộc Bộ Công an.

Xét nghiệm ADN là phương pháp chính xác và khoa học nhất


Từ năm 2011 đến nay đã nhận và gửi đi giám định hơn 1.000 trường hợp hài cốt liệt sĩ và thân nhân do các địa phương và thân nhân liệt sĩ trực tiếp gửi đến, có hơn 400 trường hợp đã xác định được chính xác tên liệt sĩ. Qua kết quả giám định những mẫu hài cốt liệt sĩ và thân nhân, chúng tôi thấy việc giám định ADN xác định hài cốt liệt sĩ là phương pháp chủ yếu để xác định danh tính liệt sĩ, vì đây là một phương pháp khoa học được sử dụng rộng khắp trên thế giới.

Việc lấy mẫu hài cốt liệt sĩ và thân nhân được Cục Người có công và các cơ quan giám định hướng dẫn cụ thể cho các địa phương và thân nhân có nguyện vọng. Đây cũng là một hành lang pháp lý để tránh tình trạng đào bới, khai quật mộ trái phép.  

Ông Lợi cho biết thêm, hiện nay trước nguyện vọng của đông đảo người dân mong muốn tìm mộ liệt sĩ và xác định danh tính liệt sĩ cho gia đình mình. Chính phủ đã phê duyệt 2 đề án là: Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo - Bộ Quốc phòng là cơ quan thường trực; Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin - Bộ LĐ-TB&XH là cơ quan thường trực. Việc triển khai 2 Đề án này sẽ đáp ứng nguyện vọng của nhiều thân nhân liệt sĩ còn chưa biết thông tin về liệt sĩ.

Cũng theo ông Lợi, Cục Người có công – Bộ LĐ-TB&XH vừa trao cho chương trình “Trở về từ ký ức” gần 200 hồ sơ kèm di vật của gần 200 người lính, hi sinh trong chiến tranh, một số mất vì ốm đau, bệnh tật được đưa vào các bệnh viện, một số mất vì chiến đấu. Đây là cơ sở để những gia đình có thể tìm lại người thân của mình. 

Ông Lợi cũng nhấn mạnh rằng: “Các thân nhân liệt sĩ không nên sốt ruột, nên tin theo hồ sơ giấy tờ và các minh chứng khoa học để tránh tốn công vô ích”.

...Chiến tranh đã qua đi, dù nhiều liệt sỹ còn chưa tìm thấy mộ, nhưng dù ở đâu trên khắp các nẻo đường của Tổ quốc thì họ đều xứng đáng không chỉ là người con trong mỗi gia đình, mà là người con của cả dân tộc, được cả dân tộc hướng tới với lòng biết ơn vô hạn! Nhu cầu tìm lại hài cốt người thân là chính đáng. Nhưng sự sốt ruột, lòng tin mù quáng của nhiều người khiến cho tình trạng lừa đảo áp vong, ngoại cảm tìm mộ thêm nở rộ. Thực tế thì, nếu không có minh chứng khoa học, chẳng ai có thể khẳng định đó là mộ của người thân nếu dưới mộ kia chỉ là đất mà thôi!