Đức tìm kiếm giải pháp cho cuộc chiến chống khủng bố ở Tây Phi

ANTD.VN - Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock đang có chuyến thăm Tây Phi khi Berlin chuẩn bị quyết định có gia hạn sứ mệnh của quân đội nước này tại Mali hay không. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Pháp đã tuyên bố sẽ chấm dứt các hoạt động quân sự ở Barkhane và Takuba của Mali.

Ngoại trưởng Đức thăm binh sĩ nước này đang đóng quân tại Mali

Lưỡng lự về việc rút quân

Sau chuyến thăm Mali ngày 12-4, chặng dừng chân thứ hai của Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock là Niger vào ngày 13-4. Chuyến đi diễn ra trong bối cảnh cả hai quốc gia này đều phải đối mặt với khủng hoảng bất ổn và hoạt động khủng bố.

Trong chương trình nghị sự, Ngoại trưởng Đức gặp lãnh đạo chính phủ hai nước tại Thủ đô Bamako và Niamey, cũng như thăm binh sĩ thuộc Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc MINUSMA và Phái bộ huấn luyện của Liên minh châu Âu tại Mali (EUTM). Khoảng 300 binh sĩ Đức tham gia EUTM ở Mali. Ngoài ra, khoảng 1.000 binh sĩ đang đóng quân tại nước này theo chương trình MINUSMA. Cả hai nhiệm vụ sẽ hết hạn trong những tuần tới nếu Hạ viện Đức không quyết định gia hạn.

Trong những tháng gần đây, quan hệ giữa chính quyền quân sự ở Mali, lực lượng nắm quyền trong cuộc đảo chính vào năm 2020 và Liên minh châu Âu đã xấu đi đáng kể, phần lớn là do các cuộc bầu cử liên tục bị trì hoãn và sự hợp tác của nhà cầm quyền Mali với lính đánh thuê và cố vấn quân sự người Nga. Ngoại trưởng Baerbock cho biết: “Chính phủ ở Bamako đã làm mất lòng tin của quốc tế trong những tháng gần đây, đặc biệt là do trì hoãn quá trình chuyển đổi dân chủ và tăng cường hợp tác quân sự với Matxcơva. Nói một cách đơn giản, theo quan điểm của tôi nếu tiếp tục triển khai quân sẽ là một sai lầm”.

Vào giữa tháng 3-2022, Pháp đã tuyên bố rút quân khỏi Mali, chấm dứt các hoạt động chống khủng bố ở Barkhane và Takuba. Tại Đức, các cuộc tranh luận gay gắt tiếp tục diễn ra liên quan đến việc liệu có hợp lý khi tiếp tục sứ mệnh giữ gìn hòa bình của Đức ở Mali từ năm 2013 hay không. “Chắc chắn là rất cần thảo luận về việc chúng tôi muốn ở lại Mali trong bao lâu, liệu các thiết bị quân sự có hoạt động hay không và khả năng cải thiện tình hình đến đâu”, ông Ulf Laaken, chuyên gia về khu vực Tây Phi Sahel tại văn phòng của Tổ chức Konrad Adenauer ở Bamako, cho biết. “Nhưng tôi sẽ cảnh báo không nên đột ngột rút lui như đã làm ở Afghanistan. Việc rút quân sẽ chỉ khiến tình hình an ninh ở Mali trở nên tồi tệ hơn”.

Không muốn để mất khu vực chiến lược

Bất chấp những lo ngại như vậy, Liên minh châu Âu đã tạm dừng các hoạt động của EUTM từ ngày 11-4. Sau cuộc họp của các Ngoại trưởng EU tại Brussels, Đại diện cấp cao của EU Josep Borrell cho biết, lý do là chính quyền Mali không có sự đảm bảo an ninh nào khi chiến dịch chống khủng bố của phương Tây diễn ra cùng lúc với tập đoàn lính đánh thuê Wagner của Nga. Nhưng không chỉ có các nhóm khủng bố đe dọa làm mất ổn định khu vực. Cuộc xung đột ở Ukraine, cách đó hơn 4.500 km, cũng có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng ở Tây Phi. Nguyên nhân là do nguồn cung bột mì từ Ukraine cho khu vực này sắp ngừng hoạt động. Vùng đất vốn đã phải vật lộn với khủng bố lại thêm gánh nặng của khủng hoảng khí hậu và thiếu lương thực.

Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo đối với cuộc chiến chống khủng bố quốc tế ở Sahel? Người châu Âu không muốn rút hoàn toàn khỏi khu vực chiến lược. Pháp đã nói rằng, trung tâm của các hoạt động quân sự trong tương lai ở Sahel sẽ được chuyển đến nước láng giềng Niger, trực tiếp nhắm vào khu vực biên giới với Burkina Faso. Trong khi đó, có nhiều ý kiến gợi ý chuyển các binh sĩ Đức đóng tại Mali đến Niger. Quân đội Đức đã có một trung tâm hậu cần ở quốc gia đó. Khả năng chuyển giao binh sĩ Đức cho Niger nhiều khả năng sẽ là chủ đề chính trong cuộc hội đàm của Ngoại trưởng Đức với Tổng thống Niger Mohamed Bazoum.

Nhận định về vai trò của quân đội châu Âu tại Tây Phi, cây viết người Nigeria Seidick Abba nói: “Trong cuộc chiến chống khủng bố, điều quân đội nước ngoài đến một quốc gia hoặc đưa trực thăng tấn công là chưa đủ. Trên hết, phải đi vào gốc rễ của vấn đề và làm khô cạn nơi sinh sản của khủng bố”. Ông Abba nhấn mạnh rằng, người dân Nigeria đang có phần thất vọng vì sự hiện diện quân sự quốc tế rõ ràng không giúp cải thiện an ninh. “Cuộc chiến không thể chỉ có quân đội chiến đấu. Ngoài ra còn cần đầu tư vào việc cải thiện điều kiện sống và triển vọng của người dân, ví dụ như đào tạo nghề cho thanh niên. Một quốc gia như Đức có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc đào tạo như vậy”, ông Abba nhấn mạnh.