Đức sẽ đàm phán với Thụy Sĩ về bãi thải hạt nhân gây tranh cãi

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chính phủ Đức ngày 12-9 cho biết, họ sẽ không gửi chất thải hạt nhân đến một kho lưu trữ của Thụy Sĩ gần biên giới với Đức và đang tìm kiếm các cuộc đàm phán về vấn đề này.
Nördlich Lägern, khu vực gần biên giới với Đức mà Thụy Sĩ muốn đặt kho chôn lấp chất thải hạt nhân

Nördlich Lägern, khu vực gần biên giới với Đức mà Thụy Sĩ muốn đặt kho chôn lấp chất thải hạt nhân

Thụy Sĩ ngày 12-9 xác nhận, họ đã lựa chọn địa điểm ở khu vực phía Bắc Zurich, gần biên giới Đức để xây dựng kho lưu trữ chất thải hạt nhân dưới lòng đất trị giá 20 tỷ franc Thụy Sĩ (20,94 tỷ USD).

Cơ quan Xử lý Chất thải Phóng xạ Quốc gia (NAGRA), đứng sau dự án lưu trữ chất thải hạt nhân của nước này trong ít nhất 200.000 năm tới, đã đề xuất dựng kho tại Nördlich Lägern, cách Zurich khoảng 20km về phía Bắc, cách biên giới Đức khoảng 2km. Kho bãi thải này dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ năm 2050.

Sau quá trình đánh giá kéo dài 14 năm, NAGRA - thành viên là các nhà điều hành nhà máy điện hạt nhân và chính phủ - cho biết, thành phần địa chất và độ ổn định của đá ở khu vực này vượt trội so với với 2 khu vực khác để có thể xây kho chứa dưới lòng đất.

Tới năm 2024, dự án sẽ xin cấp phép xây dựng, mục tiêu là lưu trữ chất thải từ 4 nhà máy điện hạt nhân hiện có của Thụy Sĩ. Quốc hội và Chính phủ Thụy Sĩ có thể sẽ quyết định phê duyệt vào năm 2029. Dự án cũng có thể được đưa ra trưng cầu dân ý theo chế độ dân chủ trực tiếp của Thụy Sĩ trước khi bắt đầu xây dựng vào năm 2034.

Việc bồi thường cho các khu vực bị ảnh hưởng, bao gồm cả ở Đức, vẫn chưa được quyết định nhưng các nhà chức trách Thụy Sĩ công bố rằng họ sẵn sàng đền bù. Người phát ngôn Bộ Môi trường Đức cho biết, một nhóm chuyên gia sẽ xem xét tính hợp lý trong quyết định của chính quyền Thụy Sĩ. Bộ Môi trường Đức đã cảnh báo rằng vị trí của kho chứa hạt nhân sẽ “gây gánh nặng cho các cộng đồng về phía Đức”. Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết, Đức sẽ phải thảo luận về quyết định này thông qua các kênh thông thường với tất cả những người có trách nhiệm trong Chính phủ Thụy Sĩ.

Năng lượng hạt nhân từ lâu đã là một vấn đề rất nhạy cảm ở Đức, khi quốc gia này dự kiến sẽ ngừng hoạt động tất cả các nhà máy điện hạt nhân vào cuối năm nay. Bộ Môi trường Đức cho biết, nước này sẽ không sử dụng cơ sở của Thụy Sĩ. Đức đã quyết định xây dựng kho lưu trữ cuối cùng cho chất thải hạt nhân của mình và không dùng chung với các đối tác châu Âu. “Chúng tôi chịu trách nhiệm về chất thải của chính mình”, một phát ngôn viên cho biết.

Các cộng đồng người Đức gần đó đã phản ứng một cách hoài nghi về việc bố trí kho rác thải hạt nhân tại Nördlich Lägern, ý tưởng lần đầu tiên được công bố từ năm 2015. Những cộng đồng gần biên giới chủ yếu lo lắng về vấn đề nguồn nước uống an toàn.

Trong khi đó, Thụy Sĩ, quốc gia cũng có kế hoạch loại bỏ hạt nhân, hiện vẫn có 4 nhà máy điện hạt nhân đang hoạt động có thể tiếp tục chạy vào những năm 2040. Rác thải của họ hiện được lưu trữ tại một cơ sở tạm thời cách thành phố biên giới Waldshut-Tiengen của Đức khoảng 15km về phía Nam. Theo dự án mới, chất thải phóng xạ từ các nhà máy điện hạt nhân, công nghiệp và nghiên cứu sẽ bị chôn vùi ở đó tại độ sâu hàng trăm mét dưới lòng đất.