Đức quốc hữu hóa tập đoàn khí đốt hàng đầu Uniper

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Chính phủ Đức sẽ trở thành cổ đông lớn nhất nhằm duy trì hoạt động của Tập đoàn khí đốt Uniper. Là nhà nhập khẩu khí đốt lớn nhất của Đức, công ty này rơi vào cảnh thua lỗ, cạn kiệt dự trữ tiền mặt sau khi bị Nga cắt nguồn cung.
Đức quyết định “giải cứu” Uniper - doanh nghiệp dầu khí hàng đầu do đứt đoạn nguồn cung từ Nga

Đức quyết định “giải cứu” Uniper - doanh nghiệp dầu khí hàng đầu do đứt đoạn nguồn cung từ Nga

Chính phủ Đức sẽ mua lại 99% cổ phần của Uniper trong bối cảnh nguồn cung cấp khí đốt của Nga bị đóng băng khiến công ty này đứng trên bờ phá sản. Hôm 21-9, Công ty năng lượng quốc doanh Phần Lan Fortum (cựu cổ đông lớn của Uniper) thông báo, họ đã ký một thỏa thuận về nguyên tắc liên quan đến việc Chính phủ Đức mua lại cổ phần Uniper. Bộ Kinh tế Đức xác nhận rằng, chính phủ đang nắm giữ tổng cộng 99% cổ phần của Uniper, tạo ra “cơ cấu sở hữu rõ ràng để đảm bảo cho sự tồn tại của Uniper và do đó cung cấp năng lượng cho các công ty, tiện ích thành phố và người tiêu dùng”. Việc mua cổ phần này sẽ được hoàn thành sau khi đáp ứng các yêu cầu theo quy định, cùng với sự chấp thuận tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông của Uniper và sự chấp thuận của Ủy ban châu Âu.

Trước thách thức về nguồn cung khí đốt trong mùa đông tới, Đức đang làm tất cả những gì có thể để tiết kiệm khí đốt tự nhiên. Ước tính các kho chứa hiện đã đầy 90%. Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck bày tỏ sự lạc quan rằng, đất nước sẽ vượt qua được giai đoạn thiếu năng lượng sắp tới. “Nhìn chung, chúng tôi đã đối phó khá tốt với tình hình. Nhưng đối với Uniper, tình hình ngày càng trở nên kịch tính và tồi tệ hơn đáng kể” - ông nói với các phóng viên tại Berlin hôm 21-9. Bộ trưởng Habeck nhấn mạnh, Nhà nước sẽ làm mọi thứ cần thiết để giữ cho các công ty luôn ổn định trên thị trường và việc quốc hữu hóa Uniper sẽ được hoàn thành trong khoảng 3 tháng. Việc rót vốn trị giá 8 tỷ euro như kế hoạch được công bố vào tháng 7 đang được thực hiện. Thương vụ này nâng tổng số tiền được “bơm” vào 3 nhà nhập khẩu khí đốt Nga lớn nhất của Đức gồm: Uniper, Sefe (đơn vị cũ của Gazprom) và VNG (thuộc tập đoàn EnBW) lên ít nhất 40 tỷ euro trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng leo thang. Điều này cho thấy nền kinh tế hàng đầu châu Âu phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu của Nga như thế nào. Tuần trước, Đức cũng nắm quyền kiểm soát một nhà máy lọc dầu do Nga sở hữu, cung cấp 90% nhiên liệu cho Thủ đô Berlin.

Uniper là nhà nhập khẩu khí đốt tự nhiên lớn nhất của Đức, đóng vai trò trung gian giữa các nhà cung cấp Nga và người tiêu dùng Đức. Tuy nhiên, sau khi Nga mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” vào Ukraine và cắt nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu theo lệnh trừng phạt của phương Tây, Uniper đã buộc phải mua khí đốt ở nơi khác với giá cao hơn, đồng thời gánh chịu chi phí đó chứ không thể chuyển giá trực tiếp cho người tiêu dùng. Tập đoàn cũng là một trong những doanh nghiệp tham gia xây dựng đường ống Nord Stream 2. Đường ống này sau khi hoàn thành việc xây dựng đã bị đóng băng vô thời hạn như một phần của gói trừng phạt Nga do liên quan đến tình hình Ukraine. Nhưng diễn biến đối với Uniper trở nên phức tạp hơn vào đầu tháng 9 này. Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga cho biết, nguồn cung cấp khí đốt tới Tây Âu thông qua đường ống Nord Stream 1 đã hoàn toàn ngừng hoạt động do các vấn đề về thiết bị. Họ cũng không đưa ra khung thời gian đường ống sẽ hoạt động trở lại. Bởi thế, nhà nhập khẩu năng lượng vốn đã lao đao lại phải dốc hết nguồn dự trữ tiền mặt tìm nguồn cung ứng khí đốt trên thị trường giao ngay đắt đỏ.

Từ đầu tháng 10 tới, Berlin sẽ áp mức thuế mới về khí đốt đối với người tiêu dùng để giúp các nhà nhập khẩu bù lỗ, có thêm chi phí thay thế khí đốt của Nga.