Đức kêu gọi dự trữ thức ăn, nước uống vì sợ IS tấn công

ANTD.VN - Nước Đức đang đặt trong tình trạng báo động khủng bố rất cao sau hàng loạt các cuộc tấn công trong năm nay. Do đó, chính phủ nước này đã yêu cầu toàn bộ người dân dự trữ nguồn nước, thức ăn và các nhu yếu phẩm cần thiết vì lo sợ IS sẽ tiến hành các cuộc tấn công thảm khốc khác. 

Đây là tình trạng báo động cao nhất ở Đức kẻ từ sau Chiến tranh Lạnh.

Một phát ngôn viên của Bộ Nội vụ Đức cho biết, kế hoạch này sẽ được thảo luận trong cuộc họp với Thủ tướng Đức, Chancellor Angela Merkel hôm 23-8 tới đây, trước khi được trình bày với các bộ trưởng vào chiều hôm đó. Tuy nhiên, ông từ chối đưa ra bình luận thêm về vấn đề này.

Đức kêu gọi dự trữ thức ăn, nước uống vì sợ IS tấn công ảnh 1

Nước Đức đang được đặt trong tình trạng báo động cao nhất từ sau Chiến tranh Lạnh

Theo kế hoạch, người dân Đức đang được kêu gọi dự trữ nước uống đủ trong 5 ngày, thức ăn và một số nhu yếu phẩm cần thiết. Đây được xem là một biện pháp phòng ngừa tai họa từ chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo.

Hôm 21-8, tờ báo Frankfurther Allgemeine Sonntagszeitung của Đức đưa tin, mọi người nên chuẩn bị một cách thích hợp để đối phó với các cuộc tấn công thảm khốc, có thể đe dọa sự tồn tại của chính mình. Bởi vì trong tương lai, Tổ chức Hồi giáo cực đoan sẽ ngày càng lớn mạnh và hung hãn.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức cũng khẳng định rằng hiện chính phủ Đức cũng đang phối hợp hội chữ thập đỏ, lực lượng an ninh kết hợp chặt chẽ với cảnh sát để chuẩn bị đối phó với cuộc tấn công khủng bố quy mô lớn.

Vị bộ trưởng này tiếp tục nhấn mạnh rằng nhu cầu dự trữ thức ăn, nước uống của người dân Đức là tối cần thiết, bởi rõ ràng, nếu một cuộc tấn công khủng bố xảy ra, nó sẽ làm tổn hại đến cơ sở hạ tầng như hỏng đường điện, nước hoặc là tắc nghẽn giao thông, bị cô lập trong thời gian một tuần hoặc lâu hơn.

Theo Frankfurther Allgemeine Sonntagszeitung, các cuộc tấn công khủng bố gần đây có thể liên quan tới chính sách mở cửa nhập cư của thủ tướng Angela Merkel đối với người tị nạn từ Trung Đông. Chính sách này đã khiến mức độ yêu thích của người dân Đức với bà Merkel giảm xuống thấp nhất trong lịch sử với 65% phiếu bầu bất mãn với quyết định của bà.

Chỉ tính riêng trong năm 2015, Đức đã đón hơn 1 triệu người tị nạn, chủ yếu là những người chạy trốn khỏi vùng chiến sự Syria. Theo đó, số lượng các cuộc tấn công khủng bố cũng tăng lên tại các nước châu Âu.

Mặc dù chưa có nghiên cứu nào chỉ ra sự liên kết của việc di cư với số lượng các cuộc tấn công xảy ra ở châu Âu, nhưng công chúng có thể thấy sự bành trướng của Tổ chức nhà nước Hồi giáo IS tại châu Âu với các hành vi khủng bố và các cuộc tấn công đẫm máu khiến hàng trăm người thiệt mạng.