Đưa vải thiều xuất Mỹ, Australia: Doanh nghiệp lo chi phí

ANTĐ - Vụ vải thiều 2016 tại Lục Ngạn (Bắc Giang), Thanh Hà (Hải Dương) chỉ còn vài ngày nữa sẽ bắt đầu. Trong khi nông dân trồng vải đang háo hức vì lượng xuất khẩu đi Mỹ, Australia được dự báo tăng mạnh trong năm nay thì các doanh nghiệp xuất khẩu lại đang gặp khó. 

Chi phí để vải thiều vào đường thị trường Mỹ, Australia vẫn ở mức cao

Giá kém cạnh tranh vì chi phí cao

Các cơ quan chức năng, trong đó có Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) đã mất tới 10 năm để tìm đường đưa quả vải thiều tươi Việt Nam vào Mỹ và Australia. Thị trường đã mở nhưng con đường xuất khẩu vẫn còn lắm gian nan. Năm đầu tiên doanh nghiệp Việt Nam được xuất khẩu vào thị trường Mỹ và Australia (2015), số lượng không lớn, bởi không cạnh tranh được với vải Trung Quốc và Thái Lan về giá cả.

Cụ thể, tổng giá thành vải Việt Nam cập cảng không Mỹ là 8 USD/kg, vải Trung Quốc chỉ có 2,5 - 3 USD/kg, dù vải Việt Nam được đánh giá chất lượng cao, ngon hơn nhưng giá đắt hơn nên lượng tiêu thụ rất chậm. Tương tự, tại thị trường Australia, cả vụ vải năm 2015 đã xuất khoảng 32 tấn, với 9 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu. Giá vải bán tại thị trường này dao động từ 250.000-350.000 đồng/kg.

Một trong những nguyên nhân khiến giá vải thiều Việt Nam đi Mỹ, Australia đội giá cao là do chi phí vận chuyển và chiếu xạ. Trong khi vải thiều được thu mua hoàn toàn tại các tỉnh phía Bắc như Hải Dương và Bắc Giang nhưng các doanh nghiệp phải vận chuyển vào TP.HCM để chiếu xạ dù tại Hà Nội cũng có trung tâm chiếu xạ thuộc Bộ KH-CN đặt tại đường Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy. 

Bà Đặng Thị Thanh Hải - Phó Giám đốc Chi nhánh Hà Nội, Công ty CP quốc tế                 logistic Hoàng Hà cho biết, mùa vải 2016 đã cận kề mà doanh nghiệp vẫn đang phải chạy vạy khắp nơi vì vướng quá nhiều thủ tục. Trong đó, vướng mắc lớn nhất là trung tâm chiếu xạ tại Hà Nội từ chối yêu cầu kiểm tra, giám sát an ninh, dán tem an ninh trên từng kiện vải sau chiếu xạ và yêu cầu doanh nghiệp tự liên hệ với các cơ quan chức năng để được giải quyết.

Công ty đã gõ cửa nhiều nơi và cuối cùng phải “cầu cứu” Cục Hàng không Việt Nam. Doanh nghiệp đề nghị phía cơ quan an ninh hàng không hỗ trợ cử nhân viên tới cơ sở chiếu xạ tại Hà Nội để kiểm tra, giám sát an ninh, dán tem niêm phong hàng sau chiếu xạ và vận chuyển lên Nội Bài, như quy trình đã làm tại TP.HCM.

Theo tính toán của các doanh nghiệp xuất khẩu vải, với việc chiếu xạ tại Hà Nội, doanh nghiệp xuất khẩu sẽ giảm được chi phí từ 15-16 triệu đồng/tấn, lại rút ngắn được thời gian và đặc biệt là giá chiếu xạ tại nhà máy phía Bắc chỉ có 0,3 USD/kg, giảm được hơn 50% so với phía Nam (0,7 USD/kg). 

Gánh nhiều loại chi phí

Ông Nguyễn Văn Linh - Trưởng phòng An ninh (Cục Hàng không Việt Nam) cho hay, pháp luật hiện hành cho phép việc kiểm tra, giám sát an ninh tại cơ sở nằm ngoài cảng hàng không và thực tế đã triển khai đối với sản phẩm xuất khẩu của Samsung tại Bắc Giang, Thái Nguyên… Vấn đề ở đây là doanh nghiệp phải đề nghị và ngồi lại cùng cơ quan chức năng để xây dựng quy chế làm việc.

Nhưng để ra được quy chế này không thể “ngày một, ngày hai” mà có khi mất tới cả tháng trời. Còn ông Phạm Tuấn Anh, Phó Giám đốc Cảng Hàng không Nội Bài cho rằng, việc giám sát an ninh phải thận trọng, chỉ cần một đối tượng chưa “sạch” xâm nhập là rất nguy hiểm. “Chúng tôi tạo mọi điều kiện nhưng phải tuân thủ theo đúng quy định an ninh hàng không”, Phó Giám đốc Cảng Hàng không Nội Bài nhấn mạnh.

Một khó khăn khác được Công ty Hoàng Hà nêu ra là chi phí vận tải cao. Để bảo đảm độ tươi của quả vải, doanh nghiệp ưu tiên sử dụng dịch vụ của Vietnam Airlines do có nhiều đường bay thẳng. Song chi phí xử lý đối với quả vải (hàng mau hỏng) của Vietnam Airlines cao hơn từ 30-40 cent/kg so với hàng hóa thông thường trong khi một số hãng bay khác như Thai Airways thu 10 cent/kg. Năm 2015, nhiều doanh nghiệp chấp nhận lỗ để tiếp thị quả vải ở thị trường nước ngoài vì cước vận chuyển và các loại chi phí khác chiếm hơn 2/3 giá thành quả vải.

Ngoài ra, để vận chuyển hàng từ kho chiếu xạ ra sân bay, doanh nghiệp phải sử dụng container chuyên dụng của hãng hàng không. Tại sân bay Tân Sơn Nhất, doanh nghiệp được Vietnam Airlines cho mượn container nhưng tại sân bay Nội Bài, Vietnam          Airlines lại yêu cầu đặt cọc bằng USD; yêu cầu phải có xe chuyên dụng (có thanh nâng) cùng nhân viên được cấp phép vận hành.

Trước phản hồi của doanh nghiệp, đại diện Vietnam Airlines thông tin, hãng đang xem xét giảm 30% cước vận chuyển quả vải tươi trên các đường bay thẳng của hãng tới Australia, để góp phần hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh cho quả vải thiều Việt Nam...