Đưa nông sản tươi “lên sàn”: Chất lượng tốt, mẫu mã phải đẹp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Nhiều loại nông sản đặc sản của địa phương đang được đưa lên bán trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) lớn tại Việt Nam, song nhiều người mua vẫn có tư tưởng “thăm dò” khi mua qua kênh này.
Nông sản tươi "lên sàn" có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp

Nông sản tươi "lên sàn" có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp

Đưa “lên sàn”, tránh “giải cứu”

Từ ngày 24/5/2021 đến ngày 27/5/2021, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với sàn TMTĐ Sendo.vn tổ chức bán vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) qua sàn này.

Dự kiến lượng vải thiều tiêu thụ trong thời gian 4 ngày sẽ là 12 tấn. Sản phẩm vải thiều Thanh Hà sẽ được bán qua sàn cho khách hàng tại Hà Nội và TP HCM.

Từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 và nhằm hỗ trợ nông dân, nhiều loại nông sản theo mùa của các địa phương như: Hải Dương, Sóc Trăng, Bắc Giang… được các sàn TMĐT “ra tay” tiêu thụ giúp. Hàng trăm nghìn tấn nông sản tươi đã được tiêu thụ qua kênh này.

Mới đây, UBND tỉnh Bắc Giang đã đề nghị Bộ Công Thương hỗ trợ tiêu thụ vải thiều Bắc Giang qua các sàn TMĐT, nhằm đưa quả vải đến với đông đảo người dân cả nước hơn, đồng thời tránh cho quả vải thiều rơi vào tình trạng “giải cứu” khi Bắc Giang đang là địa phương có số ca mắc Covid-19 lớn nhất cả nước khiến quả vải có thể gặp khó khăn khi tiêu thụ.

Không chỉ vải thiều, gần đây, nhiều loại nông sản tươi khác của Việt Nam, đặc biệt là rau quả được bán qua sàn TMĐT như: bí xanh Bắc Kạn; hành tím Sóc Trăng, bưởi hồng da xanh Bến Tre…

Đáng chú ý, hồi tháng 3-2019, khi tỉnh Hải Dương đang trong thời kỳ bị cách ly do dịch Covid-19, một số sàn TMĐT như: Sendo.vn, Voso.vn, Postmart… đã hỗ trợ nông dân Hải Dương tiêu thụ hàng nghìn tấn su hào, bắp cải, cà rốt, cà chua, súp lơ…

Bà Vũ Thị Minh Tú- Giám đốc Đối ngoại Lazada Việt Nam cho biết, việc đưa nông sản lên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) đã phần nào hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm này hiệu quả hơn, đồng thời đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số trong nền kinh tế.

Từ chiến dịch đưa sản phẩm tươi sống lên sàn, thông qua hỗ trợ về mặt công nghệ của các sàn TMĐT, không ít doanh nghiệp kinh doanh nông sản, thực phẩm tươi sống đã tiếp cận được khách hàng dễ dàng hơn, từ đó tăng doanh số.

Hàng chất lượng nhưng mẫu mã phải hấp dẫn

Đưa nông sản “lên sàn” rõ ràng đã trở thành một xu thế tất yếu của thời đại 4.0, đưa công nghệ vào sản xuất nông nghiệp và phân phối.

Tuy nhiên, một chuyên gia thị trường nêu ý kiến: “Nông sản tươi lên sàn dù tiêu thụ được nhiều và nhanh nhưng tôi chưa cảm thấy có tính bền vững. Sau thời gian hỗ trợ bán ngắn ngủi, nhiều sản phẩm “lặn mất tăm”, chưa kể bao gói sản phẩm quá mờ nhạt, nông sản tươi nhưng hình ảnh giới thiệu không phù hợp, có shop bán chỉ chụp cái thùng cartton đóng gói, cái đó chỉ cho thấy đóng gói cẩn thận, vận chuyển dễ, không thấy sản phẩm có tươi, ngon, kích cỡ thế nào”.

Là một người mua, chị Hồng Thu (Phú Lương- Hà Đông) cho biết: “Cứ có thông tin nông sản tươi các địa phương bán là tôi vào các sàn xem thông tin, so sánh giá và chọn mua, vì vừa hỗ trợ nông dân tiêu thụ, vừa được hưởng khuyến mại của sàn (thường là phí vận chuyển). Nhưng tôi thấy, ngoại trừ vải thiều Thanh Hà được giới thiệu bằng hình ảnh đẹp, sinh động, bắt mắt thì các mặt hàng khác lại sử dụng ảnh mô tả thiếu sinh động, hoặc chỉnh sửa quá nhiều làm mất tính chân thực”.

Cũng theo người mua này, thông tin về nông sản, đặc sản Việt trên các sàn TMĐT hiện nay khá đầy đủ, rõ ràng, người mua có thể yên tâm về xuất xứ, chất lượng.

Hiện nay, để hỗ trợ tiêu thụ đặc sản của Việt Nam, hầu hết các sàn TMĐT trên đều có gian hàng đặc sản Việt, sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm)… song nông sản tươi sống gần như bị chìm nghỉm giữa vô số mặt hàng đặc sản chế biến sẵn. Chưa kể, mua hàng online, ngoại trừ xuất xứ rõ ràng, hình ảnh phải đẹp để gây ấn tượng ngay với người mua.

Theo ông Đào Hà Trung - Chủ tịch Hội Công nghệ cao TP HCM, đồng sáng lập kiêm Chủ tịch Te-food International, bên cạnh mẫu mã đẹp, doanh nghiệp muốn bán được hàng cần quan tâm đến truy xuất nguồn gốc, giúp minh bạch xuất xứ sản phẩm, tạo niềm tin cho người tiêu dùng và giúp doanh nghiệp thu thập được tài sản số của mình nhằm phục vụ cho việc chứng minh, đáp ứng sản xuất xanh, sạch - đòi hỏi của không ít thị trường nhập khẩu hiện nay và trong tương lai.