Đua nhau phô diễn sức mạnh

ANTĐ - Không chỉ tuyên bố, các nước lớn đang dùng sức mạnh quân sự để khẳng định chủ quyền tại khu vực Bắc Cực có vị trí chiến lược quan trọng và giàu tài nguyên.

Quân Nga nhảy dù xuống đảo Kotelnyi trong cuộc tập trận

Quân đội Nga vừa tiến hành chiến dịch đổ bộ đường không với sự tham gia của 350 binh sĩ cùng trang thiết bị quân sự xuống đảo Kotelnyi của Nga nằm gần Bắc Cực. Đây là cuộc tập trận quy mô lớn đầu tiên của quân đội Nga trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt tại Bắc Cực.

Theo mô tả, cuộc tập trận diễn ra trong điều kiện gió mạnh và nhiệt độ âm 30 độ C. Ngay sau khi đặt chân xuống đất, đơn vị đổ bộ đã nhanh chóng đánh chiếm một sân bay cũ trên đảo chỉ trong khoảng 1 giờ để sân bay này sẵn sàng tiếp nhận các máy bay chở người và trang thiết bị hạng nặng. 

Cuộc tập trận với sự hiện diện đông đảo các chỉ huy quân đội Nga đã chứa đựng thông điệp: Quân đội Nga sẵn sàng bảo vệ lợi ích của mình ở Bắc Cực. Động thái quân sự này của Nga được cho là nhằm thực hiện chỉ thị của Tổng thống Vladimir Putin yêu cầu quân đội tăng cường hiện diện ở Bắc Cực sau khi Canada tỏ ý muốn tuyên bố chủ quyền đối với khu vực này cũng như các vùng biển xung quanh.

Tổng thống Putin nhấn mạnh, tăng cường lực lượng ở Bắc Cực là một trong những ưu tiên hàng đầu của quân đội Nga, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của căn cứ thời Liên Xô cũ trên quần đảo New Siberia, nơi quân đội Nga đã bắt đầu tổng kiểm tra trong năm nay. Ông Putin cho biết thêm Nga sẽ khôi phục một số căn cứ không quân ở Bắc Cực bị lãng quên từ sau khi Liên Xô cũ tan rã năm 1991.

Cuộc phô diễn sức mạnh quân sự của Nga diễn ra trong bối cảnh các quốc gia thuộc Hội đồng Bắc Cực gồm Canada, Mỹ, Nga, Đan Mạch, Phần Lan, Ailen, Na Uy và Thụy Điển cùng các cường quốc khác đua nhau tuyến bố khẳng định chủ quyền khu vực băng giá này. Những đòi hỏi chủ quyền được đưa ra khi băng ở Bắc Cực đang tan nhanh hơn dự kiến, mở ra các tuyến hàng hải mới cũng như cơ hội để khai phá trữ lượng tài nguyên thiên nhiên khổng lồ gồm dầu mỏ, khí đốt, vàng, kim cương, kẽm và sắt…

Bên cạnh việc Canada tuyên bố chủ quyền và tiến hành các cuộc tập trận ở Bắc Cực, nhiều nước khác cũng có những hành động tương tự. Ngay sau khi chính quyền Tổng thống Barack Obama lần đầu tiên công bố chiến lược Bắc Cực, hải quân nước này đã lên kế hoạch tăng cường hiện diện tại đây mà trước mắt là cuộc tập trận tàu ngầm trong tháng 3 này, tiếp đó thúc đẩy việc huấn luyện binh sĩ tác chiến trong điều kiện Bắc Cực.

Tuy nhiên, tăng cường hiện diện quân sự mạnh mẽ và đáng kể nhất cho tới nay vẫn là Nga. Hiện Hạm đội phương Bắc của Nga đang được cơ cấu lại để có thể thành lập “Hạm đội phương Bắc - Liên minh Chỉ huy Chiến lược” trước cuối năm 2014. Cơ cấu mới này sẽ bao gồm Hạm đội phương Bắc, các lữ đoàn Bắc Cực, các đơn vị của lực lượng không quân, phòng không và các cơ quan kiểm soát nhằm bảo vệ an ninh và lợi ích chiến lược của Nga tại biên giới phía Bắc cũng như Bắc Cực.

Khí hậu trái đất nóng lên không chỉ khiến băng Bắc Cực tan nhanh hơn mà còn đang làm nóng cuộc tranh chấp chủ quyền, lợi ích tại đây.