Dưa ngọt nhưng không bùi...

ANTĐ - Hôm qua tôi đã tới 1 điểm bán dưa thiện nguyện được tổ chức giúp bà con miền Trung tiêu thụ dưa hấu đang trong mùa cao điểm, khi mà những xe dưa chở lên biên giới cứ phải nằm vạ vật, không biết bao giờ được thông quan sang bên kia. 

Tôi đã mua 2 quả dưa, khoảng 7kg với giá 60 nghìn đồng, tính ra cỡ gần 9 nghìn đồng/kg. Mua theo kiểu bán quả, không bán cân. Bạn tôi cũng mua 3 quả dưa ủng hộ. Rất nhiều người cũng mua với mục đích ủng hộ bà con. 

Tinh thần đó thật đáng trân trọng, người Việt vẫn có câu lá lành đùm lá rách.

Nhưng việc bán hàng, tiêu thụ sản phẩm của người nông dân cũng như của bất cứ doanh nghiệp nào không thể trông chờ vào lòng từ thiện dài lâu, nhất là khi chúng ta luôn mong mỏi nền kinh tế được vận hành theo cơ chế thị trường đúng nghĩa, vươn lên bằng chính nội lực của sản phẩm và giá cả, chứ không phải bằng lòng từ thiện. 

Dưa ngọt nhưng không bùi...  ảnh 1

Một điểm bán dưa thiện nguyện được tổ chức giúp bà con miền Trung

Sau khi mua dưa thiện nguyện, tôi đã ra chợ Long Biên, ở đây dưa hắc mỹ nhân bán xỉ cho người lơ ngơ như tôi là 17.000 đồng/kg, loại 1, vỏ mỏng, cát mịn và ngọt. Các loại khác bé hơn khoảng 13.000 đồng-15.000 đồng/kg. Thậm chí có những quả dưa ủng 1 phần được cắt bớt, chờ bán cho các quán sinh tố cũng được hô giá 15.000 đồng/kg (chắc họ nhìn thấy "gà" lớ ngớ). 

Dĩ nhiên thì trái dưa mua thiện nguyện kia vẫn rẻ hơn, và tôi là người tiêu dùng, lại là tay hòm chìa khóa, lo việc nội trợ cũng muốn giảm chi tiêu được chừng nào hay chừng đó. 

Quả dưa khi bổ ra có ngọt nhưng cùi khá dầy và đôi chỗ có hiện tượng như bắt đầu mềm chứ không phải cát mịn và đều mặt như khi chị em đi chợ nhất quyết chọn mua cho bõ đồng tiền bát gạo. 

Chị em ở cơ quan ăn có nhận xét như kiểu dưa non, còn anh em - những người đa phần chả mấy khi phải đi chợ hàng ngày thì bảo thế cũng được. 

Tôi với tư cách là người lo nội trợ, người chi tiêu hàng ngày của gia đình chắc chắn tôi sẽ mua dưa, nhưng không phải bữa nào cũng dưa, cả tháng là dưa chỉ vì đang vào mùa, dưa rẻ. Dù có thể dưa có thể ăn miếng, xay sinh tố, thậm chí bôi bôi, trát trát lên mặt, lên người cho mềm da, trắng đẹp.... như internet dạy khiến tốc độ tiêu thụ dưa có thể bình quân 1 trái cỡ 2kg/gia đình/ngày. 

Là nước nhiệt đới Việt Nam có rất nhiều hoa quả. mùa này còn chuối, xoài và nhiều thứ khác nữa. Gia đình nào cũng có nhu cầu đổi món. Nếu bà con nào, doanh nghiệp nào làm ra sản phẩm cũng chờ sự thiện nguyện của người mua để bán hàng chắc là khó sống lắm. 

Chưa kể một thực tế là ngoài thị trường còn có giống dưa mặt trời không hạt, dù có giá đắt hơn tương đối thì vẫn có nhiều người thích, đặc biệt là các ông không thích nhằn hạt dưa trông bất lịch sự hay trẻ nhỏ có thể bị hóc nếu mẹ lọc hạt không cẩn thận. 

Những dịp được đi nước ngoài, tôi đã không ngại ngần mang hoa quả từ bên đó về, có lê, có táo, có hồng và cả xoài Thái Lan. Không tính thuế, tính công vận chuyển thì chỉ đơn giản như xoài Thái Lan cũng có giá rẻ hơn xoài bán tại Hà Nội mà chắc chắn ngon hơn loại "xoài Thái Lan ăn sần sần như củ khoai lang mua ở Hà Nội". Chưa kể có vẻ yên tâm hơn hẳn về việc bảo quản và không lo kiểu bị phun thuốc chống hư hỏng như nhiều hoa quả khác ở nhà. 

Ở chợ Đà Lạt, có bà bán bơ giá đắt hơn hẳn những hàng ngồi ngoài đường, thậm chí đắt gấp đôi. Nhưng quả bơ đó ăn vào cũng khác. 

Dưa ngọt nhưng không bùi...  ảnh 2

Chỉ có người mua nhầm chứ người bán không bao giờ nhầm. 

Là người tiêu dùng tôi mong muốn mua được hàng đảm bảo chất lượng, có giá hợp lý và vệ sinh thực phẩm được đảm bảo. Có như thế tôi sẽ mua lâu dài, những người tiêu dùng khác cũng mua lâu dài và mới bền lâu, phát triển được. 

Chứ không phải ăn dưa, hành tím, vải, nhãn hay bất cứ loại sản phẩm gì được mua theo kiểu làm từ thiện, để rồi không phải lúc nào về cũng dùng hết, lại bỏ phí vì chất lượng không thực sự tốt như mình nghĩ, để rồi ăn xong lại phải tặc lưỡi "thôi thì ủng hộ bà con". Như thế lãng phí hơn nhiều. 

Dĩ nhiên để làm được điều đó, mỗi người phải 1 việc. Người có kiến thức, kinh nghiệm có thể hướng dẫn bà con để làm lâu dài, tổ chức mạng lưới tiêu thụ tốt để chúng ta phát triển đất nước chúng ta trước tiên, người Việt Nam được dùng hàng tốt trước tiên. 

90 triệu dân là rất nhiều và rất lớn, sao nước ngoài vào, họ tìm ra cách để dân mình mua hàng của họ mà mình là người Việt Nam, hiểu mình thế lại không biết tìm ra cách để bán được hàng tốt.

Ngoài ra cộng đồng phải lên án thói ăn dày, làm ẩu và không đúng tiêu chuẩn vệ sinh thực phẩm một cách quyết liệt. Có như thế, xã hội mới tốt lên được, bà con bán được hàng tốt, người tiêu dùng yên tâm mua hàng, mọi chuyện cùng tốt lên.