Đưa mỹ phẩm vào danh mục hàng hóa kinh doanh có điều kiện để ngăn hàng giả

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Tổng cục quản lý thị trường (QLTT- Bộ Công Thương) đề xuất đưa mỹ phẩm vào danh mục hàng hóa kinh doanh có điều kiện để ngăn chặn mỹ phẩm giả “lộng hành”.
Lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện cơ sở kinh doanh mỹ phẩm giả

Lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện cơ sở kinh doanh mỹ phẩm giả

Theo Tổng cục QLTT, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại đối với mặt hàng mỹ phẩm vẫn đang diễn ra rất phức tạp tại các địa phương trên cả nước.

Điển hình như vụ việc lực lượng QLTT Hà Nội phối hợp với Tổ công tác về TMĐT, Tổng cục QLTT kiểm tra sở kinh doanh tại địa chỉ ngõ 56 đường Cầu Vồng, phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm do ông Trần Đức Trường làm chủ hồi tháng 3-2021.

Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở kinh doanh của ông Trần Đức Trường đang chứa gần 50.000 sản phẩm dầu gội đầu, sáp vuốt tóc, keo xịt tóc, dưỡng tóc các loại dành cho nam giới và tem nhãn. Ông Trần Đức Trường khai nhận số hàng hóa tại hiện trường được ông mua trôi nổi không có tem nhãn thông qua mạng xã hội Facebook. Sau đó, số hàng này cũng được rao bán qua Facebook và hotline.

Cũng tại Hà Nội, tháng 6-2021, lực lượng chức năng đã kiểm tra 1cơ sở sản xuất ở xã Hồng Dương, huyện Thanh Oai, Hà Nội, phát hiện nhiều sản phẩm mỹ phẩm, nước hoa được pha chế thủ công bằng rất nhiều loại hoá chất trôi nổi đựng trong các xô, chậu.

Thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện số lượng lớn vỏ hộp, tem nhãn thể hiện nguồn gốc xuất xứ sản phẩm ở Hàn Quốc, Pháp... giả các nhãn hiệu nổi tiếng như: Coco Chanel; Collagen X12 Olive, Pink Lady Shower...

Bà Chu Thị Thu Hương- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT cho hay, mặc dù lực lượng chức năng trên cả nước phát hiện, ngăn chặn nhiều vụ việc liên quan đến mỹ phẩm giả, kém chất lượng nhưng mỹ phẩm vi phạm vẫn tràn lan. Đặc biệt, mỹ phẩm giả, kém chất lượng bán qua TMĐT và tại các cơ sở làm đẹp (spa) gây khó khăn cho lực lượng chức năng.

Bên cạnh đó, hiện một số loại mỹ phẩm giả mạo nhãn hiện nhưng do không có mẫu thật, không có đại diện sở hữu nên lực lượng chức năng không thể xử lý.

Để ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng này, “thời gian tới, lực lượng QLTT sẽ tăng cường công tá tuyên truyền, hướng dẫn người sản xuất kinh doanh có trách nhiệm đưa sản phẩm mỹ phẩm đảm bảo chất lượng ra lưu thông trên thị trường và để người tiêu dùng biết lựa chọn những sản phẩm có chất lượng; Tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước trong quản lý mỹ phẩm.

Tổng cục QLTT cũng đề nghị đưa mặt hàng mỹ phẩm là hàng hóa kinh doanh có điều kiện, tất cả hàng hóa mỹ phẩm đưa ra lưu thông trên thị trường phải bắt buộc ghi số công bố mỹ phẩm trên nhãn hàng hóa”- bà Chu Thị Thu Hương nói.

Theo Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tùy theo giá trị hàng hóa vi phạm mà mức xử phạt đối với cá nhân buôn bán mỹ phẩm không có giá trị sử dụng, công dụng (mỹ phẩm giả) khác nhau.

Trong đó, mức thấp nhất đối với cá nhân có hành vi buôn bán mỹ phẩm mỹ phẩm giả sẽ bị phạt tiền từ 2-6 triệu đồng trong trường hợp mỹ phẩm giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá dưới 3 triệu đồng hoặc thu lợi bất hợp pháp dưới 5 triệu đồng;

Phạt tiền từ 100 triệu-140 triệu đồng trong trường hợp mỹ phẩm giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá từ 30 triệu đồng trở lên hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 50 triệu đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cá nhân vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như: Tịch thu tang vật là mỹ phẩm giả đối với hành vi vi phạm, trừ trường hợp áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định; Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề từ 6 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.

Ngoài ra, cá nhân buộc khắc phục hậu quả là: Buộc tiêu hủy tang vật đối với hành vi vi phạm; Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.