Đưa hàng giả về tiêu thụ ở nông thôn là vô nhân đạo

ANTĐ -Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã nói như vậy khi tiếp tục trả lời chất vấn các ĐBQH sáng nay, 12-6.

Tiếp tục trả lời câu hỏi của một số ĐBQH đưa ra từ chiều hôm trước, 11-6, về vấn đề hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng lậu được tuồn về tiêu thụ tại nông thôn, các khu vực miền núi, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho rằng đó là hành động vô nhân đạo cần lên án mạnh mẽ. Giải pháp là phải tăng cường thanh kiểm tra, rà soát, xử lý vi phạm.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng tiếp tục trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng 12-6

“Một giải pháp quan trọng khác mà chúng tôi đang thực hiện quyết liệt là tuyên truyền vận động để các cơ sở sản xuất kinh doanh của chúng ta phải ý thức được việc bảo vệ hàng hóa trong nước, không tiếp tay các đầu lậu, không lưu thông hàng lậu, hàng nhái, hàng giả. Cuối 2014, Bộ đã phối hợp với 63 tỉnh thành vận động các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ ký kết không tàng trữ, buôn bán, kinh doanh hàng lậu, hàng giả. Đến hết quý 1-2015 có hơn 200.000 doanh nghiệp kinh doanh đã ký cam kết, qua kiểm tra phần lớn đã chấp hành song còn khoảng 10% bị xử phạt hành chính” – Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng chia sẻ thêm.

Về câu hỏi của ĐB Ngô Văn Minh (đoàn Quảng Nam) liên quan đến tình trạng chênh lệch số liệu xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với Trung Quốc, điều đó phải chăng thể hiện có tình trạng kinh tế ngầm ở nước ta? Và nó có ảnh hưởng gì đến nền kinh tế đất nước? Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận có yếu tố liên quan đến vấn đề đội ngũ quản lý thị trường, cụ thể là có buôn lậu và kinh tế ngầm, biện pháp là phải làm trong sạch đội ngũ đó.

Một “câu hỏi rất khó” khác của ĐB Lê Văn Lai (đoàn Quảng Nam) về việc Việt Nam đang đứng ở khâu đoạn nào trong lộ trình trở thành nước công nghiệp vào năm 2020 theo Nghị quyết Đại hội 11 của Đảng? Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trả lời, hiện nay Việt Nam đã thoát khỏi tình trạng nước nghèo chậm phát triển, và thành nước đang phát triển trung bình. 

Liệu đến năm 2020 chúng ta có đạt được mục tiêu trở thành nước công nghiệp hay không và giải pháp thế nào để đạt được?, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết,  “Đây là câu hỏi rất khó, nhưng phản ánh sự quan tâm của người dân với vận mệnh phát triển của đất nước. Đảng đã có kế hoạch lấy ý kiến rộng rãi nhân dân đối với dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần thứ 12. Với tinh thần đó chúng tôi tin rằng sau khi lấy ý kiến nhân dân, chắc chắn đây là cơ sở hết sức thuận lợi để có cách nhìn nhận khách quan, phù hợp với vấn đề đại biểu nêu”.

Cũng theo Bộ trưởng, với riêng ngành công thương, về giải pháp, ngành sẽ tập trung vào 2 công việc là tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Quốc hội thực hiện đầy đủ các chiến lược phát triển công nghiệp và thương mại, đặc biệt là đề án tái cơ cấu ngành công thương; đồng thời đẩy mạnh hội nhập quốc tế, trong đó hội nhập kinh tế quốc tế là khâu quan trọng.