Đưa giáo viên dôi dư xuống dạy mầm non: Giải pháp tình thế để… lấp chỗ trống

ANTD.VN - Trước tình trạng cả nước dôi dư 27.000 giáo viên phổ thông nhưng lại thiếu hơn 30.000 giáo viên mầm non, giải pháp đặt ra là điều chuyển số dôi dư sang dạy mầm non. Điều này khiến phụ huynh lo lắng khi mầm non có đặc thù khác hẳn với bậc học khác. 

Không có việc làm, nhiều giáo viên dôi dư chắc chắn sẽ phải chấp nhận công việc khác nhưng vẫn thuộc chuyên môn sư phạm để giải quyết bài toán thừa thiếu đang xảy ra ở nhiều địa phương trên cả nước. Tuy nhiên, khó có thể hình dung hơn 27.000 giáo viên các bậc tiểu học, THCS, THPT được đào tạo khác hẳn giáo viên mầm non nay phải bắt đầu công việc không hề đơn giản là chăm trẻ.  

Đưa giáo viên dôi dư xuống dạy mầm non: Giải pháp tình thế để… lấp chỗ trống ảnh 1Không phải giáo viên phổ thông nào cũng thích hợp chuyển sang dạy mầm non

Điều chuyển để giải quyết tình thế 

PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ, nguyên Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội chỉ rõ, đào tạo sư phạm tràn lan, không đúng chuẩn đã dẫn tới dư thừa giáo viên, chất lượng kém. Điều này dẫn tới hiện trạng vừa được Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD-ĐT báo cáo về tình trạng dôi dư, thiếu giáo viên xảy ra ở nhiều địa phương và có ở tất cả các cấp học mầm non, phổ thông. Trong đó, những tỉnh có số lượng dôi dư giáo viên THCS lớn gồm Thái Bình 1.224, Phú Thọ 1.191, Thanh Hóa 2.188, Nghệ An 1.742, Quảng Nam 1.096; các tỉnh còn thiếu giáo viên mầm non như: Sơn La: 1.040, Bắc Giang 1.921, Thái Bình 1.500, Thanh Hóa 1.405, Nghệ An 3.328, TP.HCM 1.195.

Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, hiện các địa phương báo cáo còn thiếu khoảng trên 30.000 giáo viên mầm non. Đào tạo bổ sung là cơ hội cho các trường sư phạm tái cơ cấu trong bối cảnh tuyển sinh khó khăn hiện nay. Tuy nhiên, Bộ trưởng khẳng định đây là giải pháp tạm thời. Còn theo GS.TS Phạm Hồng Quang, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm, ĐH Thái Nguyên, giáo viên mầm non chủ yếu là giáo dưỡng. Giáo viên không  biết hát, không biết múa, không biết tiếp xúc với trẻ bằng tình cảm thì chắc chắn không thể dạy mầm non. 

“Với ngành mầm non, các trường tuyển rất kỹ, như đàn hát, rồi thí sinh phải thể hiện con người mình giữa hội đồng. Nên giải pháp tình thế này vẫn phải có bộ kiểm tra đầu vào để đo, thậm chí phải phỏng vấn để chọn được người phù hợp” - GS.TS Phạm Hồng Quang chia sẻ.

“Tuýt còi” địa phương điều chuyển giáo viên 

PGS Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam cho rằng ở bậc học mầm non, yêu cầu đối với giáo viên là phải hiểu biết thật sâu sắc đối với tâm lý của trẻ. Ông Trần Xuân Nhĩ cũng bày tỏ lo ngại, điều chuyển toàn bộ số lượng giáo viên phổ thông dôi dư xuống dạy mầm non có thể gây ra nhiều bất cập khi thực tế sẽ phát sinh rất nhiều tình huống.

Sự việc càng khiến các phụ huynh lo ngại về chất lượng giáo dục mầm non khi bậc học này liên tục xảy ra hàng loạt các “sự cố” do lỗi nghiệp vụ cũng như tinh thần đạo đức giáo viên. Bà Hoàng Thanh Hương, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở GD-ĐT Hà Nội cũng lo ngại khi giáo viên mầm non được đào tạo chính thống vẫn còn chưa đạt yêu cầu bậc học thì những giáo viên bậc học khác chỉ bồi dưỡng ngắn hạn thì làm sao có thể đủ khả năng đứng lớp, xử lý hàng ngày những tình huống đặc thù chỉ xảy ra ở lứa tuổi mầm non. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa thừa nhận việc các địa phương tổ chức bồi dưỡng cho các giáo viên xuống dạy mầm non chỉ 5-6 tuần là chưa thể đáp ứng yêu cầu.

Trước những lo ngại này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã có công văn cho các tỉnh là dừng việc tổ chức bồi dưỡng và điều chuyển giáo viên phổ thông sang mầm non. Để thực hiện việc điều chuyển này, Bộ trưởng giao cho trường ĐH Sư phạm Hà Nội 1 thiết kế chương trình đào tạo để đào tạo lại văn bằng 2 cho giáo viên dôi dư. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định chương trình đào tạo bổ sung sẽ thống nhất toàn quốc, không có chuyện mỗi địa phương một chương trình. Giáo viên được đào tạo lại, ai đạt yêu cầu mới tốt nghiệp.