Đưa dòng chảy tâm linh vào tranh độc thoại

ANTĐ - Nguyễn Xuân Tiệp, họa sỹ thành danh thời đổi mới vừa trình làng triển lãm “Độc thoại” lần thứ hai. Chỉ họa gương mặt mình và độc thoại trong im lặng, anh đã thể hiện đẳng cấp vượt trội khi tạo nên những tác phẩm có thể đếm được nhịp thở. 

Cuộc độc thoại trong im lặng

Ở triển lãm “Độc thoại” lần thứ nhất, Nguyễn Xuân Tiệp đã độc thoại dựa trên hình hài của cây, còn lần này là gương mặt của chính anh. Tự họa về bản thân, Nguyễn Xuân Tiệp vẽ gương mặt mình khá hài hước với vài ba lọn tóc để dài, cái cằm vuông nhưng gương mặt lại nhọn.

Gương mặt ấy xuất hiện liên tục trong 33 tác phẩm và để lại cho người xem những sự liên tưởng khác nhau. Đó cũng là nỗi niềm của Nguyễn Xuân Tiệp trước các vấn đề của đời sống như khoảng cách giàu nghèo giữa miền núi và thành thị, vấn đề môi trường, bất bình đẳng giới…

Không một chủ đề nào được anh thể hiện một cách rành mạch trên chất liệu giấy dó và thường phảng phất một nỗi buồn, một nỗi ưu tư trước cuộc sống đầy biến động. Những bức tranh độc thoại để đi đến tận cùng của cái tôi. Chỉ có sự im lặng mới đem đến cho Nguyễn Xuân Tiệp sự an nhiên và tự do, thoải mái nhất. Mỗi bức tranh như một khoảnh khắc của người đang thiền. Người xem có thể đếm được nhịp thở của mỗi bức tranh. 

Đưa dòng chảy tâm linh vào tranh độc thoại ảnh 2

Nguyễn Xuân Tiệp đã tạo ra độ “trôi” không ngừng nghỉ của các khối, đường viền và sự chập chờn của màu

Trung thành với chất liệu giấy dó ở cả 2 cuộc triển lãm cách nhau 5 tháng, Nguyễn Xuân Tiệp đã thể hiện đẳng cấp của mình khi kiểm soát độ loang màu trên giấy dó rất điệu nghệ. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã phải thốt lên: “Tôi đã nhìn thấy lớp lớp màu như lớp lớp sương khói trên cánh đồng rộng lớn. Từng lớp ấy vừa tách biệt lại vừa ở trong nhau nhiều khi đồng nhất như một.

Nguyễn Xuân Tiệp không lợi dụng đặc tính loang của giấy dó nhưng lại tạo ra sự “trôi” không ngừng nghỉ của các khối, đường viền và sự chập chờn của màu”. Còn họa sỹ Lương Xuân Đoàn, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam lại nhận xét: “Chất liệu giấy dó đã tạo ra một ngôi đền thiêng cho Nguyễn Xuân Tiệp bay lượn phiêu lãng, độc hành và độc thoại, tìm những miền mơ tưởng cho cõi tạm của đời người”. 

Tác phẩm “Độc thoại 18”

Luôn tạo ra sự tò mò

Đặc biệt hơn, cuộc đối thoại của Nguyễn Xuân Tiệp dường như được kết nối bởi thế giới tâm linh. Màu sắc u hoài của các bức tranh, cái mờ mờ ảo ảo trong đường nét đã kết nối những suy tưởng của anh trở về với ngôi đình, ngôi chùa làng và miên man trong câu chuyện của cá nhân anh cũng như của xã hội. Chính vì thế, những bức tranh của Nguyễn Xuân Tiệp trở nên huyền bí đối với người xem.

Tác giả cũng khẳng định, tranh của anh là một dòng chảy tâm linh được tích tụ trong suốt 30 năm, nên cũng dễ hiểu khi người xem cảm thấy bí hiểm, muốn được khám phá nội tâm của tác giả. Dòng chảy tâm linh ấy được Nguyễn Xuân Tiệp tích lũy từ ngày còn là một cậu bé Hà Nội đi sơ tán. Được sống trong khung cảnh nên thơ của làng quê đồng bằng Bắc bộ, trong không gian thanh tịnh của đình chùa, cậu bé Xuân Tiệp đã lĩnh trọn cái thâm hậu, ý tứ và đầy chất mê đắm của thiền. 

Sau này học tại trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam và ra công tác, Nguyễn Xuân Tiệp đã ý thức được dòng chảy tâm linh trong các sáng tác. Anh lĩnh hội và tích tụ thêm ở Phật giáo, đạo Mẫu tinh thần hướng thiện, hướng về cội nguồn và màu sắc kỳ ảo, huyền bí trong nghệ thuật. Điều đó đã tạo nên điểm khác biệt giữa Nguyễn Xuân Tiệp và các họa sỹ khác.

Những bức tranh dù nhiều nét, nhiều hình, màu thẫm tối, mờ nhòa nhưng cuối cùng luôn dẫn người xem vào điểm nhìn của tâm linh. Cái điểm ấy có lúc hiện hữu bằng hình, bằng màu, dù chìm ở đáy của bức tranh nhưng lại chói sáng hơn tất cả. Cuộc độc thoại của Nguyễn Xuân Tiệp sẽ không dừng lại. Cũng giống như tranh, Nguyễn Xuân Tiệp luôn tạo ra sự tò mò, bí ẩn với người đối diện bởi sự am hiểu và kiến thức uyên sâu của mình. Anh sẽ còn tạo ra các bức tranh tiếp nối dòng chảy tâm linh đã định hình.