Đưa cuộc sống vào... luật

ANTĐ - Khi một văn bản quy phạm pháp luật được ban hành, ngay lập tức dư luận xã hội, báo chí, các chuyên gia đón nhận với sự quan tâm đặc biệt, bởi nó ảnh hưởng sâu rộng tới toàn bộ đời sống xã hội. Nếu văn bản đó sát với yêu cầu thực tiễn, mang hơi thở cuộc sống thì nó không chỉ nhanh chóng đi vào cuộc sống, đem lại hiệu quả, thúc đẩy sự phát triển, mà còn mang lại uy tín, hình ảnh tốt đẹp cho cơ quan quản lý. Ngược lại, khi chính sách xa rời thực tế, thiếu khả thi thì không chỉ bị vô hiệu hóa ngay sau khi có hiệu lực, mà còn gây hoang mang, bức xúc, ảnh hưởng đến lòng tin.

Tiếc thay, thời gian gần đây, tình trạng văn bản pháp luật kém chất lượng xuất hiện khá nhiều. Một số chuyên gia luật đã tỉ mỉ liệt kê danh sách vài chục văn bản quy phạm pháp luật có nội dung quy định “kỳ cục” được đề xuất và ban hành chỉ trong năm 2012 và nửa đầu năm 2013. Từ chuyện dự thảo quy định số vòng hoa trong đám tang, số mâm cỗ trong tiệc cưới cho đến bán thuốc lá vỉa hè, quán trà, bán thịt tươi, “chó chính chủ”, gần đây nhất lại rộ lên chuyện “ngực lép không được lái xe”… không ít văn bản, quy định chưa ráo mực đã bị thu hồi hoặc hủy bỏ, song vấn đề đặt ra là xã hội không phải là môi trường để “thử nghiệm” các loại văn bản pháp quy. Khi một văn bản vừa ban hành đã bị dư luận và báo chí phản ứng, thậm chí người dân mang ra đàm tiếu, đâu chỉ việc thu hồi là xong chuyện. Vì sao “tuổi thọ” của những văn bản được “chuyên gia” của các cơ quan quản lý soạn thảo, chỉ tính bằng ngày, bằng tuần?

Theo ý kiến của một số luật gia và chuyên gia, điều cốt lõi là cơ quan quản lý phải “tiếp thị” chính sách trước khi ban hành với đối tượng là người dân và doanh nghiệp. Tức là phải hiểu biết, thực tế cuộc sống sâu sát như chính những đối tượng sẽ chịu tác động trực tiếp của chính sách, văn bản. Nói có vẻ ngược đời, không phải là đưa chính sách vào cuộc sống, mà chính là đưa cuộc sống vào chính sách, cân nhắc, tính toán, thăm dò ý kiến mọi tầng lớp nhân dân, nhất là giới chuyên gia với tinh thần cầu thị. Nhiều chuyên gia đã “bắt mạch” thực trạng văn bản pháp luật kém chất lượng đã và đang gây ra những tác động bất lợi cho sự phát triển. Nguyên nhân gốc rễ của những yếu kém là thiếu cơ chế phối hợp có hiệu quả để quản lý chất lượng chính sách. Việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải qua ba khâu “sàng lọc”: thẩm định của Bộ Tư pháp, thẩm tra của Văn phòng Chính phủ và thẩm tra của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Có lẽ đã đến lúc phải thay đổi quan niệm, tư duy về phương pháp xây dựng luật. Từ các bộ luật, nghị định cho đến các văn bản, thông tư hướng dẫn thi hành, cần phải đưa cuộc sống vào chính sách, thì khi ban hành chính sách mới thực sự đi vào cuộc sống, không còn tình trạng văn bản pháp quy “trật đường ray” như lâu nay.