Dự trữ hàng Tết tăng đến 50%

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Dù sức mua trên thị trường hiện khá ảm đạm, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn dự trữ thêm khoảng 50% hàng hóa cho dịp Tết Nhâm Dần 2022 sắp tới.
Doanh nghiệp đã sẵn sàng cung ứng hàng Tết

Doanh nghiệp đã sẵn sàng cung ứng hàng Tết

Bà Tạ Thị Minh Hợp - Giám đốc cung ứng hệ thống bán lẻ VinMart/VinMart+ cho biết, hệ thống bán lẻ này tăng lượng hàng hoá từ 40% - 50% so với lượng bán bình quân để phục vụ Tết Nhâm Dần 2022. Hàng dự trữ tập trung vào các nhóm hàng tươi sống, thực phẩm và đồ dùng thiết yếu.

Tuy nhiên, WinCommerce vẫn dự báo sức mua Tết Nhâm Dần 2022 sẽ giảm nhẹ so với cùng kỳ Tết 2021. Nguyên nhân là do dịch bệnh diễn biến phức tạp, kéo dài khiến nhiều người dân bị giảm thu nhập, tỉ lệ thất nghiệp cao dẫn đến khách hàng thắt chặt chi tiêu.

Người tiêu dùng sẽ có xu hướng chỉ tập trung chủ yếu vào các mặt hàng cơ bản như: hàng tươi sống, thực phẩm thiết yếu và một số mặt hàng có tính thời vụ như bánh kẹo, bia, nước giải khát, rượu… phục vụ cho việc đón Tết.

Theo đại diện của Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), ngoài 13 nhóm mặt hàng đăng ký theo chương trình bình ổn thị trường như: gạo, thịt lợn, thịt gà, trứng, thủy hải sản, dầu ăn, rau củ, thực phẩm chế biến, sữa, bánh mứt kẹo, đường, gia mì (mắm, mì chính, muối), rượu bia – nước giải khát của thành phố, trong dịp Tết Nguyên đán này, Tổng công ty còn dự trữ thêm các nhóm mặt hàng như: mặt hàng khô (măng, miến, mộc nhĩ...); các loại quả - hạt khô phục vụ Tết, các mặt hàng khác như đồ gia dụng, hóa mỹ phẩm...

Tổng lượng hàng hóa dự trữ ước đạt xấp xỉ 1.000 tỷ đồng, trong đó đã bao gồm lượng hàng hóa các đơn vị tham gia chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu. Thời gian bán hàng Tết cao điểm sẽ từ 28-12-2021 đến 31-1-2022 (tức từ 25/11/2021 – 29/12/2021 Âm lịch).

Theo Sở Công Thương Hà Nội, giá trị hàng hóa phục vụ Tết Nhâm dần 2022 chỉ tương đương với Tết Tân Sửu năm 2021, khoảng 39.000 tỷ đồng vì dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, tác động đến đời sống và thu nhập của người dân.

Tổng giá trị hàng Tết như tên sẽ đáp ứng đủ nhu cầu của khoảng 10,33 triệu người hiện đang sinh sống, làm việc, học tập tại Hà Nội.

Để sẵn sàng hàng Tết phục vụ người dân, Bộ Công Thương đã có Chỉ thị yêu cầu các địa phương có phương án phục vụ người dân dịp Tết đối với các mặt hàng thiết yếu.

Bộ Công Thương lưu ý phương án đảm bảo hàng hóa của các địa phương phải căn cứ theo các cấp diễn biến của dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn; có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ tiêu dùng của người dân trong trường hợp có dịch bệnh và Tết; triển khai các biện pháp bình ổn thị trường theo quy định của pháp luật.