Dù thừa vốn, ngân hàng vẫn phải “nhìn mặt khách” để… cho vay

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ngân hàng Nhà nước đã có tổng cộng 3 lần giảm các lãi suất điều hành kể từ đầu năm, cùng với đó giảm trần lãi suất huy động với kỳ vọng tạo điều kiện hỗ trợ khó khăn chi phí vay vốn với các doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên thực tế cho thấy tác động của những lần cắt giảm lãi suất này càng về sau càng hạn chế, thời gian gần đây mặt bằng lãi suất cho vay gần như không biến động.
Những đợt giảm lãi suất điều hành, trần lãi suất càng về sau càng giảm hiệu ứng

Những đợt giảm lãi suất điều hành, trần lãi suất càng về sau càng giảm hiệu ứng

Liên tục điều chỉnh giảm lãi suất đầu vào

Mới đây nhất, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều quyết định giảm các loại lãi suất điều hành, trần lãi suất huy động, có hiệu lực từ ngày 1-10. Cụ thể, giảm lãi suất tái cấp vốn từ 4,5% xuống 4,0%/năm; giảm lãi suất tái chiết khấu từ 3,0%/năm xuống 2,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với các ngân hàng từ 5,5%/năm xuống 5,0%/năm. Giảm lãi suất chào mua giấy tờ có giá thông qua nghiệp vụ thị trường mở từ 3,0%/năm xuống 2,5%/năm. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng giảm trần lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng từ 4,25%/năm xuống còn 4,0%/năm.

Như vậy, từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện 3 đợt giảm lãi suất. Trong đó, thống kê của cơ quan này cho thấy, các mức lãi suất điều hành được giảm tổng cộng từ 1,5 - 2%/năm; giảm 0,6 - 1,0%/năm trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng; giảm 1,5% trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên (hiện nay chỉ còn 4,5%/năm). Theo Ngân hàng Nhà nước, các lần giảm lãi suất trên nhằm giảm mặt bằng lãi suất, tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận vốn vay với chi phí phù hợp trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh. “Trong điều hành, chúng tôi luôn chú trọng điều hành thanh khoản thuận lợi cho các tổ chức tín dụng sẵn sàng nguồn vốn để cấp tín dụng, hạn chế việc tăng lãi suất huy động trên thị trường để lấy nguồn cho vay. Trong trường hợp cần thiết, Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng tái cấp vốn cho các tổ chức tín dụng. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo các ngân hàng tiết giảm chi phí như giảm lương, thưởng, không chia cổ tức bằng tiền mặt… từ đó có điều kiện thuận lợi giảm lãi suất cho vay” - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết.

Hiệu ứng không nhiều

Kỳ vọng trên của Ngân hàng Nhà nước về lý thuyết thì hoàn toàn logic, vì hàng loạt các loại lãi suất đầu vào của các tổ chức tín dụng được giảm thì có khả năng sẽ kéo giảm lãi suất đầu ra. Tuy nhiên, trên thực tế thị trường tiền tệ Việt Nam vào giai đoạn này thì những động thái trên chủ yếu mang tính chất “khích lệ” mà không nhiều tác động trực tiếp.

Cụ thể, đối với việc giảm lãi suất đầu vào, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, thanh khoản hệ thống ngân hàng kể từ tháng 5 đến nay luôn ở trạng thái tích cực, khiến lãi suất liên ngân hàng giảm sâu về mức thấp kỷ lục. Do đó, hiện nay, các ngân hàng không có nhiều nhu cầu vay vốn qua phiên đấu thầu thị trường mở (kênh OMO) hay tái chiết khấu từ Ngân hàng Nhà nước. Điều này đồng nghĩa với việc giảm lãi suất cho vay qua các kênh vay mượn trên sẽ không có quá nhiều tác dụng trong việc giảm thêm lãi suất. “Nhìn chung, chúng tôi cho rằng quyết định giảm lãi suất điều hành thêm 0,5% của Ngân hàng Nhà nước không có quá nhiều tác động đối với mặt bằng lãi suất hiện nay trên thị trường” - BVSC nhận định.

Đồng quan điểm trên, các chuyên gia phân tích từ Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cũng cho rằng, các ngân hàng thương mại đang rất dồi dào thanh khoản, hầu như không có nhu cầu vay vốn từ Ngân hàng Nhà nước. Do đó, lãi suất tiền gửi sẽ không thay đổi nhiều sau quyết định của cơ quan này. “Yếu tố chính tác động đến lãi suất tiền gửi thời gian tới vẫn là đầu ra tín dụng. Chúng tôi kỳ vọng lãi suất tiền gửi sẽ giảm thêm 0,1 - 0,3%/năm trong quý IV-2020” - các chuyên gia SSI nêu quan điểm.

Tương tự, việc giảm trần lãi suất huy động kỳ hạn ngắn từ 4,25%/năm xuống còn 4,0%/năm thực tế cũng không tác động nhiều đến mặt bằng lãi suất trên thị trường. Bởi thực tế, hiện nay hầu hết các ngân hàng đều niêm yết lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng ở mức từ 4%/năm trở xuống. Trong đó nhóm big4 ngân hàng có vốn Nhà nước (Agribank, Vietinbank, Vietcombank, BIDV) áp dụng lãi suất cao nhất cho kỳ hạn này chỉ 3,8%/năm. Thậm chí, tại Techcombank, khách hàng gửi tiền kỳ hạn ngắn chỉ hưởng lãi suất dưới 3%/năm. Sau các quyết định giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước, chỉ có chừng 5 ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất huy động, trong đó mức lãi suất giảm từ 0,1%/năm đến tối đa 0,7%/năm. Có thể kể đến những cái tên như Saigonbank, LienVietPostBank, VietCapitalBank, DongABank, Kienlong bank, NamA Bank. Những cái tên này chiếm thị phần rất nhỏ trong huy động vốn cũng như tín dụng trên thị trường nên việc giảm lãi suất này có ảnh hưởng không đáng kể.

Lãi suất cho vay có giảm?

Trong các quyết định của Ngân hàng Nhà nước vào ngày 30-9, có một quyết định giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn với các lĩnh vực ưu tiên theo quy định xuống mức thấp, chỉ 4,5%/năm. Như vậy, các doanh nghiệp thuộc diện ưu tiên sẽ được vay nguồn vốn giá rẻ, chỉ nhỉnh hơn lãi suất huy động cùng kỳ hạn khoảng 0,5 - 1,0%/năm. Tuy nhiên, thị phần vay vốn của các doanh nghiệp này không nhiều. Trên thực tế, các ngân hàng đều không công bố biểu lãi suất cho vay cố định nào nên rất khó “đong đếm” được mức độ giảm lãi suất đầu ra tại các ngân hàng. Đa phần các ngân hàng phải nhìn khách mà quyết định có cho vay hay không, cho vay với lãi suất bao nhiêu. Do đó, dù thừa vốn nhưng ngân hàng chỉ có thể giảm lãi suất đối với các khách hàng tốt, có khả năng trả nợ đầy đủ, đúng hạn… Số còn lại, vay đã khó, nói gì vay lãi suất thấp. “Nhìn chung, doanh nghiệp và ngân hàng đang ngồi chung một thuyền, doanh nghiệp “khỏe” thì ngân hàng “khỏe”, doanh nghiệp “chết” ngân hàng cũng lao đao. Vì vậy chắc chắn ngân hàng phải giảm lãi suất cho doanh nghiệp, nhất là các khoản vay hiện hữu, ngân hàng phải ra sức giãn, hoãn nợ, cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất tối đa để đảm bảo doanh nghiệp có khả năng trả nợ. Còn với các khoản vay mới thì ngân hàng sẽ phải cân nhắc rất nhiều, phải làm sao để đảm bảo an toàn vốn” - đại diện một ngân hàng thương mại cho biết.

Thận trọng cũng là tâm lý chung của các ngân hàng. Cùng với nhu cầu tín dụng thấp từ doanh nghiệp, đây là những nguyên nhân khiến tín dụng năm nay thấp hơn nhiều so với mặt bằng các năm trước. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến 30-9-2020 tín dụng đã tăng 6,09% so với cuối năm 2019, dù khởi sắc hơn những tháng đầu năm nhưng so với con số 9,4% của cùng kỳ năm ngoái thì thấp hơn khá nhiều. Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, hiện nay “khẩu vị” rủi ro của các ngân hàng đã thay đổi rất nhiều, hầu hết các ngân hàng đã siết lại các khoản vay liên quan đến đầu tư dự án giao thông, kinh doanh bất động sản... Đối tượng được các ngân hàng hướng đến hiện nay là các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu. “Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, sức cầu tín dụng yếu, số lượng doanh nghiệp tốt và đáp ứng được “khẩu vị rủi ro” của các ngân hàng không nhiều. Đó chính là nguyên nhân dẫn đến tăng trưởng tín dụng hiện nay thấp nhất trong nhiều năm” - bà Hồng nói.

Hiện nay “khẩu vị” rủi ro của các ngân hàng đã thay đổi rất nhiều, hầu hết các ngân hàng đã siết lại các khoản vay liên quan đến đầu tư dự án giao thông, kinh doanh bất động sản... Đối tượng được các ngân hàng hướng đến hiện nay là các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu.

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng