Dự thảo xung quanh Luật điện ảnh: Quy định phát sóng 30% phim Việt là khó khả thi?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Việc dự thảo Luật điện ảnh quy định thời lượng phát sóng phim Việt Nam phải đạt ít nhất 30% so với tổng thời lượng phát sóng của mỗi Đài truyền hình, phía đại diện VTV cho rằng điều này là "khó khả thi".

Sau TP.HCM thì Hà Nội là địa phương tiếp theo tổ chức hội nghị triển khai Luật điện ảnh, đóng góp ý kiến xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Điện ảnh và dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 38/2021/NĐ-CP.

Theo đó, dự thảo Luật điện ảnh 2022 được phía cơ quan quản lý ngành điện ảnh cho biết là đã kế thừa có sửa đổi, bổ sung 32 điều và quy định mới 18 điều so với Luật điện ảnh năm 2006, sửa đổi bổ sung năm 2009. Đáng chú ý, nhiều nội dung và hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh cũng được quy định chi tiết hơn. Đồng thời bản dự thảo cũng đề cập đến việc sản xuất phim, chế độ ưu đãi đối với tổ chức nước ngoài sử dụng dịch vụ sản xuất phim tại Việt Nam. Đặc biệt, một trong những vấn đề được quan tâm và đem ra thảo luận nhiều nhất là quy định thời lượng phát sóng phim Việt Nam phải chiếm ít nhất 30% tổng thời lượng phát sóng ở mỗi đài truyền hình.

NSƯT Đỗ Thanh Hải - Phó Tổng Giám đốc VTV

NSƯT Đỗ Thanh Hải - Phó Tổng Giám đốc VTV

Liên quan đến ý kiến này, NSƯT Đỗ Thanh Hải - Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) thẳng thắn bày tỏ, nếu quy định ở con số ít nhất 30% như trên thì rất khó khả thi, nhất là với các đài truyền hình địa phương, đài truyền hình có quy mô vừa và nhỏ, các kênh truyền hình được sản xuất để phát sóng trên hệ thống truyền hình có trả phí. Nói thêm về điều này, đại diện VTV chia sẻ, trên thực tế hiện tại, các hạ tầng OTT (dịch vụ gia tăng trên nền tảng mạng Internet) và hạ tầng "streaming" (truyền tải nội dung dưới dạng video trên nền tảng mạng Internet) đang nắm giữ bản quyền trình chiếu 80% tổng số phim Việt chiếu rạp trong vòng 4 năm trở lại đây. Sở dĩ vậy bởi các hạ tầng này có tiềm lực tài chính mạnh, sẵn sàng chi tiền mua độc quyền nội dung trong thời gian dài hạn, thường là từ 5 đến 10 năm.

Không những thế, đại diện VTV bày tỏ, bản thân nhiều đơn vị sản xuất phim cũng xây dựng được ứng dựng OTT riêng của mình và giữ bản quyền phát sóng đối với các phim Việt Nam do họ sản xuất thay vì chia sẻ bản quyền với các đơn vị khác. Điều này theo NSƯT Đỗ Thanh Hải cũng là xu thế tất nhiên ở nhiều nước trên thế giới chứ không chỉ riêng tại Việt Nam. Đặc biệt, đại diện VTV thừa nhận tình trạng vi phạm bản quyền phim trên nền tảng Internet đang "rất nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn cho những đơn vị sản xuất phim". Bởi vậy, nếu không có những chính sách và biện pháp bảo vệ bản quyền cương quyết, mạnh mẽ hơn, các doanh nghiệp trong nước sẽ rất khó có thể đầu tư lâu dài trong việc sản xuất phim Việt Nam, nhất là những phim có chất lượng cao.

Chính bởi những lý do đó mà NSƯT Đỗ Thanh Hải cho rằng, ngay cả phía VTV cũng gặp "lực bất tòng tâm", gặp không ít khó khăn trong việc mua bản quyền các phim Việt Nam để phát sóng trên các kênh của mình. Vì vậy chỉ có cách phải tự đầu tư sản xuất để đảm bảo tỷ lệ phát sóng phim Việt Nam đúng với quy định hiện hành. Có điều, việc sản xuất phim cũng cần tính tới chi phí đầu tư mà khoản chi phí này ngày một tăng, thậm chí còn cao hơn nhiều so với tiền để mua bản quyền phim Việt Nam từ các đơn vị khác. Mặc dù cho rằng phía VTV có thể có đủ nguồn lực để sản xuất khối lượng phim Việt Nam đáp ứng đủ 30% tổng thời lượng phát sóng song NSƯT Đỗ Thanh Hải bày tỏ điều này là rất khó khả thi ngay cả với các Đài truyền hình lớn khác như: Đài Truyền hình TP.HCM, Đài Truyền hình Vĩnh Long...

"Quy định phát sóng 30% phim Việt Nam cần được xây dựng đồng bộ với các chính sách khuyến khích sản xuất phim Việt Nam trong nước. Điều này để đảm bảo tính khả thi của quy định, tránh trường hợp cung không đủ cầu, tránh tăng giá bản quyền phim trong khi chưa chắc đã có phim chất lượng đủ tốt." - Phó Tổng Giám đốc VTV cho biết.

Xung quanh những băn khoăn này, ông Tạ Quang Đông - Thứ trưởng Bộ VHTT&DL cho biết, Bộ VHTT&DL sẽ đăng tải dự thảo Nghị định trên Cổng thông tin của Bộ trong 20 ngày để tiếp tục lấy ý kiến đóng góp nhằm hoàn thiện dự thảo Nghị định, trình Chính phủ trước ngày 15-11-2022.