Dự thảo Thông tư: Quy định tiêu chí cải cách hành chính và xác định chỉ số cải cách hành chính trong Công an nhân dân

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -

Chương III

XÁC ĐỊNH CHỈ SỐ CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Điều 9. Thang điểm xác định chỉ số cải cách hành chính

1. Thang điểm xác định chỉ số cải cách hành chính của các đơn vị thuộc cơ quan Bộ không có chức năng trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức: 100 điểm

Các đơn vị thuộc cơ quan Bộ không có chức năng trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức tự xác định điểm các tiêu chí quy định tại Điều 6 Thông tư này: tối đa 100 điểm.

2. Thang điểm xác định chỉ số cải cách hành chính của các đơn vị thuộc cơ quan Bộ có chức năng trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức: 100 điểm

Tự xác định điểm các tiêu chí quy định tại Điều 7 Thông tư này: tối đa 80 điểm.

Đánh giá qua điều tra xã hội học, đo lường mức độ hài lòng của người dân, tổ chức khi thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công tại các tiêu chí quy định tại điểm c khoản 3 và điểm d khoản 9 Điều 7 Thông tư này: tối đa 20 điểm.

3. Thang điểm xác định chỉ số cải cách hành chính của Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: 100 điểm.

Tự xác định điểm các tiêu chí quy định tại Điều 8 Thông tư này: tối đa 75 điểm.

Lấy ý kiến của các cơ quan có liên quan ở địa phương tại các tiêu chí xác định tại các điểm a, b, c khoản 2 và điểm c khoản 9 Điều 8 Thông tư này: tối đa 07 điểm.

Đánh giá qua điều tra xã hội học, đo lường mức độ hài lòng của người dân, tổ chức khi thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công tại các tiêu chí xác định tại điểm b khoản 3 và điểm d khoản 9 Điều 8 Thông tư này: tối đa 13 điểm.

Chỉ số cải cách hành chính trong Công an nhân dân sẽ là tiêu chí đánh giá phong trào thi đua Vì an ninh Tổ quốc

Chỉ số cải cách hành chính trong Công an nhân dân sẽ là tiêu chí đánh giá phong trào thi đua Vì an ninh Tổ quốc

Chỉ số cải cách hành chính = (Tổng điểm đạt được của các tiêu chí + điểm thưởng (nếu có) - điểm phạt (nếu có) / Tổng điểm chuẩn của các tiêu chí) x 100%

Điều 10. Điểm thưởng và điểm phạt

1. Điểm thưởng là số điểm được cộng thêm vào tổng điểm thẩm định trước khi xác định chỉ số cải cách hành chính trong Công an nhân dân. Tiêu chí điểm thưởng gồm:

a) Tổ chức tự xác định điểm chỉ số cải cách hành chính chặt chẽ, chính xác và báo cáo Bộ Công an đúng thời gian quy định: 01 điểm;

b) Có những cách làm đột phá trong công tác cải cách hành chính, được dư luận đánh giá cao: 01 điểm.

2. Điểm phạt là số điểm phải trừ đi từ tổng điểm thẩm định trước khi xác định chỉ số cải cách hành chính trong Công an nhân dân. Tiêu chí điểm phạt gồm:

a) Thiếu quan tâm đến công tác cải cách hành chính, để xảy ra tình trạng trì trệ, không đổi mới, không tiến bộ hoặc có nhiều đơn vị trực thuộc thực hiện công tác cải cách hành chính yếu, bị dư luận phê phán: 01 điểm;

b) Có đơn thư tố cáo, kiến nghị, ý kiến góp ý hay tin, bài trên các phương tiện thông tin về thái độ, hành vi gây phiền hà, nhũng nhiễu của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị mà được cơ quan có thẩm quyền xác minh nội dung phản ánh là đúng sự thật hoặc để xảy ra sai sót trong quá trình xử lý công việc làm ảnh hưởng đến uy tín của Công an nhân dân: 01 điểm.

Điều 11. Mức điểm đánh giá, xác định chỉ số cải cách hành chính trong Công an nhân dân

Hằng năm, căn cứ yêu cầu, nhiệm vụ cải cách hành chính của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an, Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp tham mưu trình Bộ trưởng Bộ Công an quyết định ban hành mức điểm đánh giá cụ thể đối với từng tiêu chí quy định tại điều 6, 7, 8, 9 của Thông tư này.

Điều 12. Kỳ xác định và phương pháp xác định chỉ số cải cách hành chính

1. Kỳ xác định chỉ số cải cách hành chính

Xác định chỉ số cải cách hành chính được thực hiện định kỳ hằng năm.

Mốc thời gian kỳ đánh giá từ ngày 09/9 của năm trước liền kề đến ngày 09/9 của năm đánh giá. Trong vòng 07 ngày, kể từ ngày chốt số liệu đánh giá theo mốc thời gian quy định trên, Công an đơn vị, địa phương hoàn thành việc tự xác định chỉ số cải cách hành chính của đơn vị, địa phương mình và gửi kết quả về Bộ (qua Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp) để tiến hành thẩm định và tham mưu với lãnh đạo Bộ Công an xem xét, quyết định.

2. Phương pháp xác định Chỉ số cải cách hành chính

a) Công an các đơn vị, địa phương tự xác định cụ thể điểm số đạt được theo từng nội dung tiêu chí được quy định tại các Điều 6, 7, 8, 9 Thông tư này.

b) Cách xác định điểm:

Xác định điểm đối với các tiêu chí được giao nhiệm vụ và có phát sinh nhiệm vụ trong năm của Công an các đơn vị, địa phương.

Đối với các tiêu chí trong mức điểm đánh giá cụ thể được Bộ trưởng Bộ Công an ban hành hằng năm có quy định công thức tính, thì áp dụng công thức để tính toán, xác định điểm số cụ thể của tiêu chí đó.

Mức điểm xác định tại mỗi tiêu chí đạt điểm tối đa khi đáp ứng toàn bộ yêu cầu của tiêu chí đó hoặc giảm trừ tương ứng theo mức độ chưa hoàn thành nhiệm vụ.

Công an đơn vị, địa phương phải có tài liệu kiểm chứng hoặc diễn giải đối với điểm số ở từng nội dung tiêu chí xác định chỉ số cải cách hành chính.

Chỉ số cải cách hành chính được xác định bằng tỷ lệ phần trăm (%) giữa tổng điểm thẩm định sau khi đã cộng điểm thưởng, trừ điểm phạt (nếu có) và tổng điểm tối đa (100 điểm).

Các chỉ số thành phần theo từng tiêu chí được xác định bằng tỷ lệ phần trăm (%) giữa điểm đạt được và điểm tối đa của từng tiêu chí.

Điều 13. Hồ sơ xác định chỉ số cải cách hành chính

1. Hồ sơ xác định chỉ số cải cách hành chính

Hồ sơ tự đánh giá, chấm điểm kết quả xác định chỉ số cải cách hành chính của Công an đơn vị, địa phương theo các tiêu chí quy định và gửi đến Bộ Công an (qua Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp), gồm:

a) Báo cáo kết quả tự đánh giá, chấm điểm xác định chỉ số cải cách hành chính của Công an đơn vị, địa phương;

b) Bảng tự xác định điểm chỉ số cải cách hành chính của Công an đơn vị, địa phương theo từng tiêu chí trong kỳ đánh giá;

c) Nội dung thuyết minh, giải trình việc tự xác định điểm; danh mục kèm theo tài liệu kiểm chứng, số liệu, thông tin làm căn cứ chứng minh việc xác định chỉ số cải cách hành chính.

2. Cách thức gửi tài liệu, hồ sơ

Hồ sơ thực hiện việc tự đánh giá, chấm điểm kết quả xác định chỉ số cải cách hành chính của Công an đơn vị, địa phương được gửi theo các cách thức sau:

a) Gửi qua giao liên của Bộ Công an;

b) Gửi trực tuyến qua phần mềm trên Hệ thống có bảo mật do Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp chủ trì xây dựng.

Điều 14. Công tác chuẩn bị phục vụ thẩm định kết quả xác định chỉ số cải cách hành chính

1. Phòng Cải cách hành chính và kiểm soát thủ tục hành chính thuộc Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ xác định chỉ số cải cách hành chính của Công an đơn vị, địa phương; thường trực giúp việc cho lãnh đạo Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp hoặc Hội đồng tư vấn thẩm định (nếu có) kết quả đánh giá, xếp loại chỉ số cải cách hành chính của Công an các đơn vị, địa phương.

2. Căn cứ kết quả tự xác định kết quả chỉ số cải cách hành chính của Công an các đơn vị, địa phương và trên cơ sở theo dõi, quản lý, kết quả kiểm tra, khảo sát, tọa đàm và các nguồn thông tin hợp pháp khác, đơn vị giúp việc lãnh đạo Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp hoặc Hội đồng tư vấn thẩm định (nếu có) thực hiện nhiệm vụ tổ chức việc rà soát sơ bộ kết quả tự xác định chỉ số cải cách hành chính của Công an đơn vị, địa phương đối với từng tiêu chí chỉ số cải cách hành chính trong Công an nhân dân quy định tại Thông tư này.

Trong trường hợp cần thiết hoặc có nội dung chưa rõ, đơn vị giúp việc Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp hoặc Hội đồng tư vấn thẩm định tham mưu cấp có thẩm quyền đề nghị Công an đơn vị, địa phương gửi tài liệu kiểm chứng để xác minh độ tin cậy của kết quả tự xác định chỉ số cải cách hành chính hoặc đối với các tiêu chí không có tài liệu kiểm chứng, đề nghị Công an đơn vị, địa phương giải trình cụ thể về xác định điểm chỉ số cải cách hành chính.

Điều 15. Thẩm định kết quả xác định chỉ số cải cách hành chính

1. Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp chịu trách nhiệm chủ trì thẩm định kết quả xác định chỉ số cải cách hành chính của Công an đơn vị, địa phương. Trong trưởng hợp cần thiết, Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp tham mưu với lãnh đạo Bộ quyết định thành lập Hội đồng tư vấn thẩm định kết quả xác định chỉ số cải cách hành chính trong Công an nhân dân.

2. Hội đồng tư vấn thẩm định kết quả xác định chỉ số cải cách hành chính

a) Chủ tịch Hội đồng tư vấn: Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp;

b) Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng: Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp;

c) Các Ủy viên Hội đồng là đại diện các đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì thực hiện các lĩnh vực trọng tâm công tác cải cách hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính trong Công an nhân dân.

d) Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp cử cán bộ làm Thư ký Hội đồng; có trách nhiệm ghi biên bản cuộc họp tư vấn thẩm định với đầy đủ ý kiến phát biểu tại cuộc họp để làm cơ sở cho việc dự thảo văn bản thẩm định kết quả xác định chỉ số cải cách hành chính của Công an đơn vị, địa phương.

Điều 16. Kiểm tra trực tiếp tại Công an đơn vị, địa phương phục vụ việc thẩm định kết quả xác định Chỉ số cải cách hành chính

Trong trường hợp cần thiết, Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp tổ chức kiểm tra trực tiếp tại Công an các đơn vị, địa phương để phục vụ việc đánh giá, thẩm định kết quả xác định chỉ số cải cách hành chính. Việc đánh giá được thực hiện dựa trên bộ công cụ đánh giá bao gồm: Mẫu phiếu điều tra, khảo sát; nội dung kiểm tra, phỏng vấn; báo cáo và các tài liệu khác phù hợp với đối tượng, nội dung kiểm tra, khảo sát, đánh giá và tiêu chí xác định chỉ số cải cách hành chính quy định tại Thông tư này.

Điều 17. Thông báo kết quả thẩm định

Căn cứ kết quả thẩm định kết quả tự xác định chỉ số cải cách hành chính của Công an đơn vị, địa phương và kết quả thẩm định của Hội đồng tư vấn thẩm định (nếu có), Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp thông báo tới Công an đơn vị, địa phương về kết quả xác định chỉ số cải cách hành chính; trong đó nêu rõ những tiêu chí công nhận điểm số, những tiêu chí có sự điều chỉnh điểm số và lý do cụ thể của việc điều chỉnh đó.

Điều 18. Tổ chức thẩm định bổ sung

Trường hợp trước khi Bộ trưởng phê duyệt kết quả xác định chỉ số cải cách hành chính trong Công an nhân dân mà phát hiện những vấn đề, những nội dung mới có thể dẫn tới thay đổi kết quả xác định chỉ số cải cách hành chính của Công an đơn vị, địa phương hoặc theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp tổ chức thẩm định bổ sung về kết quả tự xác định chỉ số cải cách hành chính của Công an các đơn vị, địa phương. Trình tự, cách thức thẩm định bổ sung được thực hiện theo quy định tại các điều 14, 15, 16 Thông tư này.

Điều 19. Thực hiện xếp loại chỉ số cải cách hành chính

1. Việc xếp loại được thực hiện căn cứ vào tổng số điểm của chỉ số cải cách hành chính Công an các đơn vị, địa phương đạt được theo quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Tổng số điểm đạt được và mức xếp loại như sau:

a) Tổng số điểm đạt được từ 95 điểm trở lên, tương ứng với chỉ số cải cách hành chính từ 95% trở lên: xếp loại Xuất sắc;

b) Tổng số điểm đạt được từ 80 điểm đến dưới 95 điểm, tương ứng với chỉ số cải cách hành chính từ 80% đến dưới 95%: xếp loại Tốt;

c) Tổng số điểm đạt được từ 70 điểm đến dưới 80 điểm, tương ứng với chỉ số cải cách hành chính từ 70% đến dưới 80%: xếp loại Khá;

d) Tổng số điểm đạt được từ 50 điểm đến dưới 70 điểm, tương ứng với chỉ số cải cách hành chính từ 50% đến dưới 70%: xếp loại Hoàn thành nhiệm vụ (loại trung bình);

đ) Tổng số điểm đạt được dưới 50 điểm, tương ứng với chỉ số cải cách hành chính dưới 50%: xếp loại Không hoàn thành nhiệm vụ (loại yếu).

Điều 20. Phê duyệt kết quả xác định chỉ số cải cách hành chính

Căn cứ kết quả thẩm định chỉ số cải cách hành chính của Công an đơn vị, địa phương và quy định về xếp loại chỉ số cải cách hành chính tại Điều 19 Thông tư này, Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp dự thảo và trình Bộ trưởng Bộ Công an quyết định phê duyệt chỉ số cải cách hành chính trong Công an nhân dân hằng năm.

Điều 21. Công bố, thông tin về kết quả xếp loại chỉ số cải cách hành chính

Kết quả xếp loại chỉ số cải cách hành chính của Công an đơn vị, địa phương theo Điều 20 Thông tư này được Bộ Công an công bố trước ngày 30/10 của năm đánh giá và thông tin đến Công an đơn vị, địa phương được xếp loại. Hình thức công bố do Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp tham mưu với lãnh đạo Bộ Công an quyết định.

Điều 22. Báo cáo kết quả xác định chỉ số cải cách hành chính

Căn cứ kết quả xác định chỉ số cải cách hành chính trong Công an nhân dân đã được Bộ trưởng phê duyệt và công bố, Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp xây dựng Báo cáo về kết quả xác định chỉ số cải cách hành chính trong Công an nhân dân để đánh giá toàn diện về tình hình triển khai, kết quả đạt được và kiến nghị, đề xuất những nội dung nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cải cách hành chính qua đó cải thiện chỉ số cải cách hành chính của Công an đơn vị, địa phương.

Điều 23. Sử dụng kết quả xác định chỉ số cải cách hành chính

Kết quả xác định chỉ số cải cách hành chính trong Công an nhân dân là tiêu chí quan trọng trong đánh giá, bình xét và tính điểm phong trào thi đua Vì An ninh Tổ quốc hàng năm.

Công an đơn vị, địa phương có từ 03 (ba) năm liên tiếp trở lên được công nhận chỉ số cải cách hành chính xếp loại Xuất sắc được xem xét tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 24. Kinh phí thực hiện

1. Kinh phí thực hiện Thông tư này được bố trí trong dự toán chi ngân sách thường xuyên hàng năm của Công an các đơn vị, địa phương theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành.

2. Công an các đơn vị, địa phương có trách nhiệm lập dự toán kinh phí cho triển khai xác định chỉ số cải cách hành chính trong Công an nhân dân hằng năm, tổng hợp trong dự toán kinh phí hoạt động thường xuyên theo hướng dẫn của Cục Kế hoạch và tài chính. Việc quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính, Bộ Công an và các văn bản hướng dẫn của Cục Kế hoạch và tài chính.

Điều 25. Trách nhiệm tổ chức thực hiện

1. Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương tổ chức triển khai thực hiện Thông tư này; chỉ đạo, hướng dẫn việc áp dụng nội dung tiêu chí xác định chỉ số cải cách hành chính trong Công an nhân dân để đánh giá chất lượng, hiệu quả công tác cải cách hành chính đối với cơ quan, đơn vị, địa phương thuộc phạm vi quản lý phù hợp với quy định tại Thông tư này.

2. Cục Pháp chế và cải cách hành chính chủ trì, phối hợp với đơn vị có liên quan tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Công an thực hiện nhiệm vụ quy định tại Thông tư này. Chủ trì tham mưu lãnh đạo Bộ xây dựng, ban hành, hướng dẫn Công an đơn vị, địa phương thực hiện phần mềm đánh giá, xác định chỉ số cải cách hành chính trong Công an nhân dân.

Điều 26. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày… tháng… năm 2022.

Trong quá trình thực hiện Thông tư này, nếu có khó khăn, vướng mắc, Công an các đơn vị, địa phương, cá nhân, tổ chức có liên quan báo cáo, phản ánh về Bộ Công an (qua Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp) để có hướng dẫn kịp thời./.