Dự thảo Thông tư Quy định chi tiết thi hành thi đua chấp hành án phạt tù, khen thưởng, xử lý phạm nhân vi phạm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -
Giáo dục phạm nhân để họ hiểu rõ về chính sách nhân đạo, ưu việt của Nhà nước đối với người phạm tội

Giáo dục phạm nhân để họ hiểu rõ về chính sách nhân đạo, ưu việt của Nhà nước đối với người phạm tội

(tiếp theo)

Điều 14. Thi hành quyết định kỷ luật

1. Việc thi hành quyết định kỷ luật phạm nhân phải được thực hiện đúng theo quy định tại Điều 23 Nghị định số 133/2020/NĐ-CP.

2. Ngay sau khi có quyết định kỷ luật phạm nhân, cán bộ cơ sở giam giữ phạm nhân tổ chức công bố công khai trước tập thể đội phạm nhân và phạm nhân bị kỷ luật, thông báo trên hệ thống truyền hình cáp nội bộ, truyền thanh hoặc bảng tin của cơ sở giam giữ phạm nhân để tất cả phạm nhân biết. Trường hợp ngày nghỉ, ngày lễ, Tết thì công bố quyết định kỷ luật trước tập thể đội phạm nhân hoặc toàn phân trại vào ngày làm việc đầu tiên sau ngày nghỉ. Trường hợp vì yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự phải công bố quyết định kỷ luật ngay và đưa phạm nhân vào buồng kỷ luật, sau đó thông báo công khai cho phạm nhân.

3. Đối với hình thức giam tại buồng kỷ luật, căn cứ nhân thân, tính chất, mức độ hành vi sai phạm của phạm nhân, Thủ trưởng cơ sở giam giữ phạm nhân quyết định thời gian kỷ luật phạm nhân tối thiểu là 03 ngày, tối đa là 10 ngày. Trước khi đưa phạm nhân vào, sau khi đưa ra khỏi buồng giam kỷ luật, cán bộ y tế cơ sở giam giữ phạm nhân phải khám và lập phiếu khám sức khỏe phạm nhân. Trong thời gian bị giam tại buồng kỷ luật, phạm nhân không được gặp thân nhân, nhận, gửi thư, bưu phẩm, bưu kiện, liên lạc điện thoại, mua hàng hóa tại căng tin và có thể bị cùm chân. Không áp dụng cùm chân đối với phạm nhân nữ, phạm nhân dưới 18 tuổi, phạm nhân nam già yếu từ đủ 70 tuổi trở lên; phạm nhân là thương binh, bệnh binh hoặc người khuyết tật nặng.

Phạm nhân bị giam tại buồng kỷ luật chỉ được đưa vào buồng kỷ luật các dụng cụ bằng nhựa để phục vụ việc ăn, uống; quần áo, chăn, chiếu, màn (căn cứ theo thời điểm và khí hậu nơi đóng quân, Thủ trưởng cơ sở giam giữ phạm nhân quyết định cho phù hợp). Tuyệt đối không cho phạm nhân đưa vào buồng kỷ luật các đồ vật cấm hoặc có thể gây mất an toàn, nguy hại cho bản thân phạm nhân và người khác.

4. Đối với khu lao động, dạy nghề, phân trại giam chưa có buồng kỷ luật phạm nhân hoặc không còn buồng kỷ luật trống, thì Giám thị trại giam ra lệnh trích xuất đưa đến phân trại có buồng kỷ luật để thi hành quyết định giam tại buồng kỷ luật.

Đối với nhà tạm giữ chưa có buồng kỷ luật, thì Thủ trưởng Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện báo cáo đề nghị Thủ trưởng Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh ra lệnh trích xuất phạm nhân đưa về trại tạm giam Công an tỉnh để thi hành quyết định giam tại buồng kỷ luật. Trường hợp phạm nhân ở trại tạm giam, nhà tạm giữ vi phạm bị xử lý kỷ luật 02 lần trở lên trong thời gian 12 tháng (trường hợp giam tại buồng kỷ luật thì phải thi hành xong), thì Thủ trưởng Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh báo cáo, đề nghị Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng quyết định điều chuyển đến trại giam để chấp hành phần còn lại của án phạt tù.

5. Trước khi đưa phạm nhân vào buồng kỷ luật cũng như trong suốt thời gian chấp hành quyết định kỷ luật, cán bộ trực trại của cơ sở giam giữ phạm nhân phải kiểm tra kỹ người, đồ vật, đề phòng đưa đồ vật cấm vào trong buồng kỷ luật và có hành vi tự sát, chống phá, trốn khỏi nơi giam. Căn cứ thời tiết, khí hậu vùng, miền nơi đơn vị đóng quân, giới tính phạm nhân, Thủ trưởng cơ sở giam giữ phạm nhân quyết định số lần tắm cho phạm nhân trong buồng kỷ luật cho phù hợp, đảm bảo sức khỏe, vệ sinh sạch sẽ. Sau khi được ra khỏi buồng kỷ luật, cán bộ có trách nhiệm phải cho phạm nhân viết bản cam đoan không tái vi phạm và đề xuất bố trí về đội phạm nhân. Cán bộ quản giáo phụ trách phải gặp gỡ, động viên, tác động tâm lý, giáo dục phạm nhân yên tâm tư tưởng, cải tạo tiến bộ.

6. Trong thời gian giam tại buồng kỷ luật, nếu xét thấy phạm nhân đã nhận rõ sai phạm, ăn năn hối cải, quyết tâm sửa chữa lỗi lầm, thì xem xét cho ra khỏi buồng kỷ luật trước thời hạn. Cán bộ có trách nhiệm yêu cầu phạm nhân viết bản kiểm điểm, cam kết không vi phạm Nội quy cơ sở giam giữ phạm nhân và làm báo cáo, đề nghị Trưởng phân trại, Phó Giám thị phụ trách phân trại, sau đó chuyển hồ sơ cho Đội Giáo dục và hồ sơ, phối hợp với các Đội trinh sát, quản giáo báo cáo Giám thị trại giam xem xét, quyết định ra khỏi buồng kỷ luật trước thời hạn.

Đối với trại giam có quy mô từ hai phân trại trở lên, Giám thị trại giam có thể ủy quyền bằng văn bản cho Phó Giám thị phụ trách công tác giáo dục và hồ sơ ký quyết định ra khỏi buồng kỷ luật trước thời hạn. Trường hợp phân trại giam đóng cách xa trung tâm trại giam từ 20km trở lên, Giám thị trại giam có thể ủy quyền bằng văn bản cho Phó Giám thị phụ trách phân trại, trên cơ sở báo cáo, đề xuất của Trưởng phân trại xem xét, ký quyết định ra khỏi buồng kỷ luật trước thời hạn cho phạm nhân, sau đó chuyển ngay về Đội giáo dục và hồ sơ để tổng hợp, theo dõi và báo cáo Giám thị trại giam.

Đối với trại tạm giam, quản giáo chuyển cho Tổ giáo dục kiểm tra, báo cáo Trưởng phân trại, Phó Giám thị phụ trách phân trại quản lý phạm nhân, sau đó chuyển Đội tham mưu - hậu cần báo cáo Giám thị xem xét, quyết định. Đối với nhà tạm giữ, quản giáo chuyển hồ sơ cho Đội trưởng Đội thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp báo cáo, đề xuất Thủ trưởng Cơ quan thi hành án hình sự công an cấp huyện xem xét, quyết định.

7. Trường hợp phạm nhân ốm đau, bệnh tật hoặc sức khỏe yếu cần phải đưa ra khỏi buồng kỷ luật, thì lập biên bản, có xác nhận của y tế cơ sở giam giữ phạm nhân về việc không đủ sức khỏe để thi hành quyết định kỷ luật và đưa phạm nhân ra ngoài điều trị, chữa bệnh. Khi sức khỏe ổn định có xác nhận của y tế cơ sở giam giữ phạm nhân thì xem xét tiếp tục thi hành hoặc cho phạm nhân ra khỏi buồng kỷ luật trước thời hạn. Trình tự, thủ tục cho phạm nhân ra khỏi buồng kỷ luật trước thời hạn hoặc tiếp tục thi hành kỷ luật giam tại buồng kỷ luật thực hiện theo quy định tại khoản 6 Điều này. Quyết định cho ra trước thời hạn hoặc tiếp tục thi hành kỷ luật giam tại buồng kỷ phải được lưu hồ sơ phạm nhân.

8. Chưa thi hành quyết định giam tại buồng kỷ luật đối với phạm nhân bị ốm, đang điều trị, chữa bệnh, có xác nhận của y tế cơ sở giam giữ phạm nhân về việc không đủ sức khỏe để thi hành quyết định kỷ luật; phạm nhân nữ mang thai, nghỉ thai sản; phạm nhân có con dưới 12 tháng tuổi đang sống cùng trong cơ sở giam giữ phạm nhân. Tuy nhiên, các quy định hạn chế vẫn được áp dụng kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực thi hành.

Sau khi khỏi bệnh, hết thời gian thai sản, con từ đủ 12 tháng tuổi trở lên phạm nhân phải thi hành quyết định kỷ luật giam tại buồng kỷ luật. Trong thời gian chưa thi hành giam tại buồng kỷ luật, nếu phạm nhân đã nhận rõ sai phạm, ăn năn hối cải, quyết tâm sửa chữa lỗi lầm, cải tạo tiến bộ hoặc lập công thì Thủ trưởng cơ sở giam giữ phạm nhân xem xét, thay đổi hình thức kỷ luật nhẹ hơn hoặc miễn thi hành kỷ luật giam tại buồng kỷ luật. Trình tự, thủ tục thực hiện theo quy định tại khoản 6 Điều này.

9. Các buồng kỷ luật phạm nhân phải theo đúng yêu cầu thiết kế kỹ thuật, bảo đảm có ánh sáng, độ thông khí để phạm nhân hít thở, sinh hoạt và phục vụ yêu cầu quan sát, giám sát của cán bộ, chiến sĩ. Khu vực nhà kỷ luật, buồng kỷ luật phạm nhân phải quét dọn, lau chùi sạch sẽ, bảo đảm vệ sinh môi trường.

Điều 15. Gặp gỡ, giáo dục phạm nhân bị xử lý kỷ luật

1. Việc xử lý phạm nhân vi phạm phải đạt mục đích làm cho phạm nhân nhận rõ lỗi lầm, sai phạm của mình, tự giác chấp hành quyết định kỷ luật và phấn đấu sửa chữa lỗi lầm, cải tạo tiến bộ. Trong quá trình xử lý phạm nhân vi phạm cán bộ có trách nhiệm phải gặp gỡ, giáo dục, thuyết phục, điều tra, xác minh kỹ, làm rõ nguyên nhân, các sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý, giam giữ, giáo dục cải tạo mà phạm nhân lợi dụng vi phạm và những vấn đề liên quan khác để có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục, giữ vững kỷ cương, kỷ luật, hiệu lực, hiệu quả của pháp luật thi hành án phạt tù.

2. Phạm nhân bị kỷ luật phải được lãnh đạo, cán bộ có kinh nghiệm gặp gỡ, đối thoại, động viên, giáo dục, thuyết phục, giải quyết kịp thời các nhu cầu, nguyện vọng chính đáng và tác động tâm lý để phạm nhân tiến bộ. Giáo dục phạm nhân về đường lối, chính sách, pháp luật đối với phạm nhân, làm cho số đối tượng này hiểu rõ về chính sách hình sự nhân đạo, ưu việt của Nhà nước đối với người phạm tội, khoan hồng với người ăn năn hối lỗi, quyết tâm phấn đấu cải tạo tiến bộ, nghiêm khắc trừng trị những người cố tình vi phạm, không tiếp thu sự giáo dục, chậm sửa chữa tiến bộ. Giáo dục về truyền thống, đạo lý nhân nghĩa, khoan dung, nhân ái, yêu thương con người của dân tộc Việt Nam; các giá trị đạo đức, chuẩn mực, điều hay, lẽ phải, quy tắc ứng xử văn hóa, văn minh trong cuộc sống; những kiến thức, thông tin cần thiết khác để phạm nhân hiểu rõ hơn vấn đề của họ.

Điều 16. Công nhận phạm nhân vi phạm kỷ luật đã tiến bộ

1. Phạm nhân bị xử lý kỷ luật phải có thời gian theo dõi, thử thách để công nhận đã cải tạo tiến bộ quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 23 Nghị định số 133/2020/NĐ-CP. Đối với phạm nhân thường xuyên vi phạm bị giam giữ tại nhà giam riêng, khi được đưa ra khỏi buồng giam riêng mà chưa hết thời hạn theo dõi, thử thách thì phải tiếp tục thực hiện phần còn lại của thời hạn theo dõi, thử thách đó và cộng thêm 02 tháng theo dõi, thử thách để được công nhận đã cải tạo tiến bộ. Trường hợp đã hết thời hạn theo dõi, thử thách mà chưa được đưa khỏi buồng giam riêng, thì thời hạn theo dõi, thử thách để được công nhận đã cải tạo tiến bộ là 02 tháng kể từ ngày được ra khỏi buồng giam riêng.

2. Trước khi hết thời hạn theo dõi, thử thách năm ngày làm việc, nếu phạm nhân đủ điều kiện, tiêu chuẩn được công nhận đã cải tạo tiến bộ, quản giáo phụ trách cho phạm nhân viết đơn đề nghị, cam kết không tái phạm và đề nghị được công nhận đã cải tạo tiến bộ. Quản giáo tổ chức họp đội phạm nhân, phạm nhân vi phạm tự kiểm điểm, đội phạm nhân thảo luận, phát biểu ý kiến và phải được ít nhất từ hai phần ba số phạm nhân dự họp trở lên nhất trí đề nghị công nhận đã cải tạo tiến bộ cho phạm nhân.

Quản giáo hoàn thiện hồ sơ, báo cáo chuyển cho Tổ giáo dục phân trại kiểm tra, rà soát báo cáo Trưởng phân trại, Phó Giám thị phụ trách phân trại, sau đó chuyển hồ sơ cho Đội Giáo dục và hồ sơ, phối hợp với các Đội trinh sát, quản giáo báo cáo Giám thị trại giam xem xét, quyết định công nhận đã cải tạo tiến bộ cho phạm nhân. Đối với trại giam có quy mô từ hai phân trại trở lên, Giám thị trại giam có thể ủy quyền bằng văn bản cho Phó Giám thị phụ trách công tác giáo dục và hồ sơ ký quyết định công nhận đã cải tạo tiến bộ cho phạm nhân.

Trường hợp phân trại giam đóng cách xa trung tâm trại giam từ 20km trở lên, Giám thị trại giam có thể ủy quyền bằng văn bản cho Phó Giám thị phụ trách phân trại, trên cơ sở báo cáo, đề nghị của Trưởng phân trại xem xét, ký quyết định công nhận đã cải tạo tiến bộ cho phạm nhân, sau đó phải chuyển ngay về Đội giáo dục và hồ sơ để tổng hợp, theo dõi và báo cáo Giám thị. Đối với trại tạm giam, quản giáo chuyển cho Tổ giáo dục phân trại kiểm tra, rà soát, báo cáo Trưởng phân trại, Phó Giám thị phụ trách phân trại quản lý phạm nhân, sau đó chuyển Đội tham mưu - hậu cần báo cáo Giám thị xem xét, quyết định. Đối với nhà tạm giữ, quản giáo chuyển hồ sơ cho Đội trưởng Đội thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp báo cáo Thủ trưởng Cơ quan thi hành án hình sự công an cấp huyện xem xét, quyết định. Không xem xét công nhận đã cải tạo tiến bộ đối với phạm nhân không viết đơn đề nghị công nhận đã cải tạo tiến bộ.

3. Phạm nhân chưa được công nhận đã cải tạo tiến bộ nhưng có hành vi vi phạm chưa đến mức xử lý kỷ luật, thì trước khi hết hạn theo dõi, thử thách năm ngày làm việc, quản giáo phụ trách cho phạm nhân viết kiểm điểm, tổ chức họp đội phạm nhân, phạm nhân vi phạm tự kiểm điểm, đội phạm nhân thảo luận và phải được ít nhất từ hai phần ba số phạm nhân dự họp trở lên nhất trí đề nghị gia hạn thời gian theo dõi, thử thách công nhận cải tạo tiến bộ 02 tháng đối với phạm nhân. Các bước tiếp theo thực hiện như quy định tại khoản 2 Điều này.

4. Trường hợp phạm nhân chưa hết thời gian theo dõi, thử thách công nhận tiến bộ mà có quyết định tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù hoặc trích xuất để điều tra, truy tố, xét xử, thì thời gian theo dõi, thử thách để được công nhận tiến bộ chấm dứt kể từ ngày đưa ra khỏi cơ sở giam giữ phạm nhân.

Điều 17. Hồ sơ xử lý phạm nhân vi phạm; công nhận đã cải tạo tiến bộ

1. Hồ sơ xử lý phạm nhân vi phạm gồm:

a) Bản kiểm điểm của phạm nhân về hành vi vi phạm;

b) Biên bản phạm nhân vi phạm;

c) Báo cáo tường trình của phạm nhân vi phạm;

d) Báo cáo tường trình của phạm nhân chứng kiến sự việc (nếu có);

đ) Phiếu khám sức khỏe, biên bản khám dấu vết trên thân thể (đối với hành vi đánh nhau, gây thương tích);

e) Biên bản ghi lời khai (đối với những vụ việc phức tạp);

g) Biên bản họp đội phạm nhân đề nghị xử lý kỷ luật hoặc báo cáo đề nghị của quản giáo nếu nhà tạm giữ không có đội phạm nhân;

h) Biên bản thu giữ đồ vật cấm, tang vật (nếu có);

i) Báo cáo đề nghị kỷ luật phạm nhân của cán bộ quản giáo phụ trách đội phạm nhân hoặc cán bộ phát hiện vi phạm;

k) Báo cáo đề nghị kỷ luật phạm nhân của phân trại;

l) Báo cáo đề nghị kỷ luật phạm nhân của Đội trưởng Đội Giáo dục và hồ sơ hoặc Tham mưu - hậu cần hoặc Đội Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp;

m) Quyết định kỷ luật phạm nhân (Đối với quyết định giam tại buồng kỷ luật phải kèm theo phiếu khám sức khỏe phạm nhân trước khi đua vào và sau khi đua ra khỏi buồng kỷ luật). Các quyết định: thay đổi hình thức kỷ luật, hủy quyết định kỷ luật, cho ra khỏi buồng kỷ luật trước thời hạn, miễn thi hành giam tại buồng kỷ luật, tiếp tục thi hành giam tại buồng kỷ luật (nếu có);

n) Tài liệu khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm gây ra (nếu có);

o) Bản cam đoan không tái phạm của phạm nhân;

p) Các tài liệu liên quan khác (nếu có).

2. Hồ sơ công nhận phạm nhân đã cải tạo tiến bộ gồm:

a) Đơn đề nghị công nhận đã cải tạo tiến bộ;

b) Biên bản họp đội phạm nhân đề nghị công nhận đã cải tạo tiến bộ, kèm theo quyết định khen thưởng hoặc lập công (nếu có);

c) Báo cáo đề nghị của cán bộ quản giáo phụ trách đội phạm nhân;

d) Báo cáo đề nghị công nhận phạm nhân đã cải tạo tiến bộ của phân trại;

đ) Báo cáo đề nghị công nhận phạm nhân đã cải tạo tiến bộ của Đội trưởng Đội Giáo dục và hồ sơ, hoặc Tham mưu - hậu cần hoặc Đội Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp;

e) Quyết định công nhận phạm nhân đã cải tạo tiến bộ;

g) Các tài liệu liên quan khác (nếu có).

3. Các quyết định, biên bản, tài liệu xử lý kỷ luật, công nhận đã tiến bộ được lưu hồ sơ phạm nhân. Ngoài ra, lập thành tập hồ sơ chuyên đề xử lý phạm nhân vi phạm, công nhận đã cải tạo tiến bộ lưu tại Đội giáo dục và hồ sơ hoặc Tham mưu - hậu cần hoặc Đội Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 18. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày tháng năm 2021.

2. Các biểu mẫu PT36, PT37, PT38, PT39, PT40, PT84, PT85 quy định tại điểm a khoản 1 Điều 3 Thông tư số 12/2020/TT-BCA ngày 07 tháng 02 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định biểu mẫu, sổ sách về công tác thi hành án phạt tù, thi hành biện pháp tư pháp đưa vào trường giáo dưỡng, theo dõi, quản lý người ở cơ sở lưu trú hết giá trị sử dụng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.

Điều 19. Trách nhiệm thi hành

1. Các Cục trưởng, Thủ trưởng đơn vị thuộc Bộ, Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng cơ sở giam giữ phạm nhân và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Thông tư này.

2. Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng chịu trách nhiệm giúp Bộ trưởng theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, triển khai việc thực hiện Thông tư này.

3. Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam, Thủ trưởng Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, Thủ trưởng Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện chịu trách nhiệm trước pháp luật về thi đua chấp hành án phạt tù, khen thưởng, xử lý phạm nhân vi phạm.

Trong quá trình thực hiện Thông tư, nếu có khó khăn, vướng mắc, Công an các đơn vị, địa phương báo cáo về Bộ Công an (qua Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng) để kịp thời hướng dẫn.

Phần 1

Phần 2