Dự thảo quy chế thi tốt nghiệp THPT 2020: Rút toàn bộ giám thị từ trường đại học

ANTD.VN - Quy chế thi tốt nghiệp THPT 2020 đang được Bộ GD-ĐT lấy ý kiến với việc giao toàn bộ khâu tổ chức cho địa phương, không còn duy trì đưa giảng viên ĐH về coi thi, chấm thi như các năm trước.

Dự thảo Quy chế thi tốt nghiệp THPT 2020 đang được lấy ý kiến đóng góp theo hướng Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thành lập Ban Chỉ đạo thi cấp quốc gia. Chủ tịch UBND tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương thành lập Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh.

Mỗi tỉnh tổ chức một Hội đồng thi, do sở GD&ĐT chủ trì, để tổ chức thi cho tất cả các thí sinh đăng ký dự thi tại tỉnh. Mỗi Hội đồng thi có các Điểm thi để tổ chức khâu coi thi trong kỳ thi.

Dự thảo quy chế thi tốt nghiệp THPT 2020: Rút toàn bộ giám thị từ trường đại học ảnh 1

Điểm khác biệt so với các năm trước là trong kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GD-ĐT huy động 50% số giám thị về các địa phương để coi thi; các trường ĐH uy tín được phân công nhiệm vụ chủ trì công tác chấm thi trắc nghiệm thì năm nay lực lượng này đã rút hoàn toàn khi kỳ thi đổi tên thành kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Dự thảo quy chế giao giám đốc sở GD-ĐT ra quyết định thành lập hội đồng thi và các ban của hội đồng thi từ in sao, vận chuyển đề thi, coi thi đến các ban làm phách, chấm thi bài thi tự luận và bài thi trắc nghiệm…

Thành phần coi thi kỳ thi tốt nghiệp THPT ở hội đồng thi cấp tỉnh sẽ gồm: trưởng ban do lãnh đạo hội đồng thi kiêm nhiệm; phó trưởng ban thường trực là lãnh đạo sở GD-ĐT hoặc lãnh đạo phòng quản lý thi của sở GD-ĐT, các phó trưởng ban khác là lãnh đạo sở GD-ĐT, lãnh đạo một số phòng thuộc sở GD-ĐT và hiệu trưởng trường phổ thông; ủy viên, thư ký là lãnh đạo, chuyên viên các phòng của sở GD-ĐT, lãnh đạo và giáo viên trường phổ thông.

Thành viên của các ban chấm thi tự luận và trắc nghiệm đều là cán các lãnh đạo, cán bộ của Sở GD-ĐT và các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh. Các quy định về quy trình coi thi, chấm thi, lắp camera giám sát khu vực bảo quản bài thi, chấm thi… về cơ bản vẫn giữ như kỳ thi THPT quốc gia năm 2019.

Theo dự thảo, kỳ thi tốt nghiệp THPT tổ chức thi 5 bài thi, gồm: 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ; bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên (viết tắt là KHTN) gồm các môn thi thành phần Vật lí, Hóa học, Sinh học; bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội (viết tắt là KHXH) gồm các môn thi thành phần Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân đối với thí sinh học chương trình Giáo dục THPT hoặc các môn thi thành phần Lịch sử, Địa lí đối với thí sinh học chương trình GDTX cấp THPT.

Để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh học chương trình Giáo dục phổ thông cấp THPT (gọi tắt là thí sinh Giáo dục THPT) phải dự thi 4 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 bài thi tổ hợp do thí sinh tự chọn; thí sinh học chương trình GDTX cấp THPT (gọi tắt là thí sinh GDTX) phải dự thi 3 bài thi, gồm 2 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn và 1 bài thi bài thi tổ hợp do thí sinh tự chọn.

Thí sinh GDTX có thể dự thi bài thi Ngoại ngữ để lấy kết quả xét tuyển sinh.