Dự thảo Luật xuất bản bỏ quên “Sát thủ đầu mưng mủ”

ANTĐ - Thảo luận tại hội trường Quốc hội sáng nay (18-6) về Luật xuất bản (sửa đổi), đại biểu Quốc hội đề nghị, dự thảo luật cần quan tâm tới ngôn ngữ trong xuất bản vì hiện nay nhiều xuất bản phẩm sử dụng nhiều tiếng lóng, "ngôn ngữ @", tiếng nước ngoài.

Nhiều xuất bản phẩm sử dụng "ngôn ngữ @"

Trước thực trạng thời gian qua có nhiều “tác phẩm” bị lên án bởi sử dụng "ngôn ngữ @", đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) cho rằng: Các xuất bản phẩm ngoài chức năng thể hiện các giá trị giáo dục, chức năng biểu đạt những giá trị văn hóa, tư tưởng còn phải khẳng định giá trị Việt như một tinh thần cốt lõi trong quá trình phát triển của xã hội.

Trong xã hội hiện đại sự phát triển ngôn ngữ là điều tất yếu, là trong giai đoạn chuyển đổi, tiếp biến văn hóa có sự đan xen biến đổi. Theo nhà xuất bản ngôn ngữ trong vòng 10 năm chỉ từ năm 1990 - 2000 ngôn ngữ Việt đã có 3.000 từ mới và đến thời điểm năm 2012 hiện nay thì con số đó sẽ lớn hơn rất nhiều lần. 

Theo ĐB này, hiện nay, tính pha tạp đã đến mức báo động, đặc biệt là trào lưu "ngôn ngữ thời @" của lớp trẻ đã tạo nên một xu hướng xã hội không tốt, việc lạm dụng ngôn ngữ nước ngoài, sử dụng tiếng Việt tùy tiện ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết, tiếng lóng thể hiện trong một số xuất bản phẩm vừa qua gây nhiều tranh cãi, cần thiết phải khẳng định những giá trị chuẩn đối với ngôn ngữ trong các xuất bản phẩm. Ông kiến nghị, cần thiết phải khẳng định những giá trị chuẩn đối với ngôn ngữ trong các xuất bản phẩm.

Bên cạnh đó, theo ĐB Lâm Thành, nước ta có 54 dân tộc anh em, trong đó có 53 dân tộc thiểu số, 12 dân tộc có chữ viết. Đó là cộng đồng dân tộc văn hóa thống nhất, đa dạng. Vì vậy, cần bổ sung thêm một điều vào trong dự thảo luật lần này, cũng như dự thảo luật năm 2004 sửa đổi năm 2008 chưa có nội dung quy định về ngôn ngữ xuất bản. Cần quy định về việc giữ gìn, phát huy sự trong sáng của tiếng Việt và ngôn ngữ dân tộc nhằm khẳng định tính chủ đạo cũng như tính chuẩn mực của ngôn ngữ Việt, đồng thời thể hiện quyền của các dân tộc thiểu số trong việc duy trì, phát huy, quảng bá ngôn ngữ, giá trị văn hóa trong hoạt động xuất bản.

"Ngôn ngữ thời @" nhận được nhiều ý kiến trái chiều trong thời gian vừa qua

In lậu là tội ác

Nội dung được nhiều đại biểu quan tâm trong cuộc thảo luận sáng nay đó là nạn in lậu vẫn còn hoành hành.

Theo ĐB Trần Thị Hồng Thắm (Cần Thơ), theo một số liệu thống kê, hiện nay, cả nước có khoảng trên 1.500 cơ sở in công nghiệp lớn, nhỏ. Tuy nhiên, hiện trong số 1.500 cơ sở in thì mới chỉ có khoảng 400 cơ sở in được cấp phép, chịu sự điều chỉnh của Luật xuất bản còn hơn 1.100 cơ sở in còn lại không bị quản lý bằng pháp luật. Điều này đã tạo kẽ hở, dẫn đến nạn in lậu tràn lan, khó khăn để giải quyết triệt để. Trước thực trạng trên, ĐB Hồng Thắm đề nghị, dự luật lần này cần nghiên cứu kỹ để đưa ra những biện pháp thiết thực giải quyết tình trạng trên.

Cùng chung một nhận định, ĐB Lê Ngọc Hoàn (Nam Định) cho rằng, không chỉ với xuất bản sách, hiện còn tồn tại cả in giấy tờ giả, bằng cấp giả, bao bì dược phẩm giả… đã xâm phạm nghiêm trọng đến quyền lợi, sức khỏe của người tiêu dùng. Vì vậy, việc nghiên cứu để sửa đổi Luật xuất bản về tổ chức và hoạt động lĩnh vực in, xuất bản phẩm là vấn đề hết sức cấp bách, nhằm khắc phục, giải quyết, hạn chế bất cập đang tồn tại trong thời gian vừa qua, đồng thời tạo điều kiện cho hoạt động in phát triển lành mạnh trong thời gian tới.

Cũng theo ĐB Lê Ngọc Hoàn, Dự thảo sửa đổi lần này còn ngắn gọn, chưa khắn phục được nạn in lậu, cần có quy định rõ hơn về những hành vi bị cấm, để ngay khi ban hành, Luật có thể áp dụng được luôn vào thực tế cuộc sống, giải quyết triệt để những tồn tại trong thời gian qua.

Gay gắt hơn, ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) cho rằng, in lậu không chỉ là hành vi phạm pháp thông thường mà còn là một tội ác. ĐB này nhận định: “Cùng với sự phát triển của công nghệ in ấn như hiện nay đã khiến những kẻ xấu dễ dàng có được một xuất bản lậu, bán ra với giá cao. Đây là  một tội ác. Nó phá hủy niềm tin trong xã hội”. ĐB Hùng nói.

Không chỉ thế, ĐB Hùng còn nhấn mạnh, hành vi in lậu sẽ khiến nhiều người nghĩ rằng, có thể dễ dàng ăn trộm “trí tuệ” của người khác làm tài sản cho mình, cần có chế tài nghiêm khắc hơn nữa, cần bổ sung quy định cấm hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ làm thiệt hại cho cơ quan khác. Bên cạnh đó, ĐB Hùng cũng đề nghị, dự thảo cần thể hiện rõ quan điểm pháp luật về hành vi xuất bản lậu, quy định xử phạt nặng những đơn vị mua  bán xuất bản lậu.

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật xuất bản lần này
cần coi trọng nhất quy định về xuất bản điện tử

 

Ipad chứa hàng nghìn xuất bản phẩm lậu: Xử lý sao?

Theo đại đa số ý kiến của các đại biểu quốc hội, dự thảo Luật xuất bản lần này cần coi trọng nhất xuất bản điện tử - đây là một xu thế mới, phát triển ồ ạt như vũ bão nhưng chưa có chế tài xử lý vi phạm.

ĐB Trần Hồng Thắm (Cần Thơ) cho rằng: cùng với xu thế phát triển của thế giới, những thành tựu của khoa học công nghệ đã cho ra đời nhiều thiết bị đọc điện tử với các công nghệ trình bày đa dạng, như website, blog, facebook.... Phương tiện truy cập như máy xách tay, máy tính bảng, điện thoại thông minh rất phong phú và ngày càng rẻ đi thì việc kiểm soát nội dung theo phương pháp duyệt xuất bản truyền thống sẽ không còn nhiều tác dụng, dẫn đến các xuất bản phẩm với những nội dung không phù hợp sẽ dễ dàng được phát tán một cách nhanh chóng rộng rãi. Kèm theo đó là những ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức xã hội, đặc biệt trong việc định hướng tư tưởng, nhận thức cho giới trẻ. Đây  là vấn đề rất quan trọng nhưng dự thảo luật còn chưa cụ thể.

Về vấn đề này, ĐB Lê Ngọc Hoàn cũng cho rằng, cần phải có biện pháp chế tài, xử lý các vi phạm bản quyền đối với xuất bản phẩm điện tử, sách kỹ thuật số vì hiện nay có nhiều loại thiết bị điện tử có chức năng đọc sách và dễ dàng cài đặt các phần mềm đọc sách để sao chép miễn phí hàng nghìn tác phẩm, tiểu thuyết, truyện niêm yết tất cả đều không có bản quyền, ví dụ như một máy ipad có thể chép cả nghìn truyện.

ĐB Lê Ngọc Hoàn nhận định, không công bằng khi một cơ sở in lậu chỉ sai phạm một vài cuốn sách, tên sách, trong khi đó các máy điện tử như Ipad sao chép cả nghìn tên sách nhưng không thể xử lý được. Sách in lậu cũng có thể đối phó được vì chúng vẫn có thể được bán ra trên thị trường, nên chỉ là cạnh tranh về giá cả, chất lượng, mẫu mã in. Còn với sách điện tử sao chép lậu thì chưa có chế tài, trong khi đó lại là chuyện vi phạm bản quyền nghiêm trọng và ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường xuất bản, phát hành sách, ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp sách và xuất bản.

Do đó, ông Hoàn đề xuất, theo tôi xuất bản phẩm điện tử, sách điện tử cũng cần quy định phải có giấy phép xuất bản như một xuất bản phẩm bình thường và phải có các biện pháp, chế tài xử lý các vi phạm bản quyền đối với xuất bản phẩm điện tử.

Cùng với ý kiến trên, nhiều đại biểu cũng đề  nghị trong Luật này cần có một chương riêng về xuất bản phẩm điện tử. Một số ý kiến cũng đề nghị sách điện tử cũng cần quy định phải có giấy phép xuất bản, phải có biện pháp, chế tài xử lý các vi phạm chủ quyền đối với xuất bản phẩm điện tử. Cũng theo một số đại biểu, cần tham khảo ý kiến của các chuyên gia và kinh nghiệm quốc tế để có hướng đi đúng trong việc định hướng phát triển và quản lý xuất bản phẩm điện tử.