Dự thảo Luật Phòng, chống ma túy

ANTD.VN - Lời Tòa soạn: Bộ Công an đang công bố, lấy ý kiến Dự thảo Luật Phòng, chống ma túy từ ngày 14-4-2020 đến ngày 14-6-2020. Báo An ninh  Thủ đô Cuối tuần trân trọng giới thiệu nội dung Dự thảo Luật Phòng, chống ma túy với bạn đọc.  

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Quốc hội ban hành Luật Phòng, chống ma túy

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định về phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh chống tội phạm và tệ nạn ma túy; kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy; quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy; cai nghiện; trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống ma túy; hợp tác quốc tế và quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Luật này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống ma túy.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Chất ma túy là các chất gây nghiện, chất hướng thần được quy định trong các danh mục do Chính phủ ban hành.

2. Chất gây nghiện là chất kích thích hoặc ức chế thần kinh, dễ gây tình trạng nghiện đối với người sử dụng.

3. Chất hướng thần là chất kích thích, ức chế thần kinh hoặc gây ảo giác, nếu sử dụng nhiều lần có thể dẫn tới tình trạng nghiện đối với người sử dụng.

4. Tiền chất là các hóa chất cần thiết trong quá trình điều chế, sản xuất chất ma túy, được quy định trong danh mục do Chính phủ ban hành.

5. Thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, thuốc dạng phối hợp có chứa dược chất gây nghiện, thuốc dạng phối hợp có chứa dược chất hướng thần, thuốc dạng phối hợp có chứa tiền chất là các loại thuốc chữa bệnh được quy định trong các danh mục do Bộ Y tế ban hành, có chứa các chất quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều này.

6. Thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất là các loại thuốc thú y được quy định trong các danh mục do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành, có chứa các chất quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều này.

7. Cây có chứa chất ma túy bao gồm cây thuốc phiện (cây anh túc), cây cô ca, cây cần sa hoặc cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định.

8. Phòng, chống ma túy là phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh chống tội phạm và tệ nạn ma túy; kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy.

9. Tội phạm về ma túy là các hành vi phạm tội được quy định tại Chương Các tội phạm về ma túy trong Bộ luật Hình sự.

10. Tệ nạn ma túy là tình trạng nghiện ma túy, sử dụng trái phép chất ma túy và các hành vi vi phạm pháp luật về ma túy mà chưa đến mức hoặc không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

11. Các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy bao gồm các hoạt động nghiên cứu, giám định, sản xuất, vận chuyển, bảo quản, tồn trữ, mua bán, phân phối, sử dụng, xử lý, trao đổi, nhập khẩu, xuất khẩu, quá cảnh; tạm nhập, tái xuất; tạm xuất, tái nhập các chất quy định tại các khoản 1, 4, 5 và 6 Điều này, được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định của pháp luật. 

12. Kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy là việc cho phép, theo dõi, kiểm tra, giám sát các hoạt động quy định tại khoản 11 Điều này và phòng ngừa, ngăn chặn việc lợi dụng các hoạt động đó vào mục đích khác.

13. Người nghiện ma túy là người sử dụng chất ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và bị lệ thuộc vào các chất này.

14. Người sử dụng trái phép chất ma túy là người tự ý hoặc đồng ý cho người khác đưa chất ma túy vào cơ thể mình mà không được sự cho phép của cơ quan chuyên môn có thẩm quyền.

15. Cai nghiện ma túy là quá trình thực hiện tổng thể các can thiệp, hỗ trợ về tâm lý, nhận thức, pháp lý, xã hội và sức khỏe để giúp người nghiện ma túy nâng cao nhận thức và không còn nghiện ma túy.

Điều 4. Những hành vi bị nghiêm cấm

1. Trồng cây có chứa chất ma túy.

2. Sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, bảo quản, mua bán, phân phối, giám định, xử lý, trao đổi, xuất khẩu, nhập khẩu; tạm nhập, tái xuất; tạm xuất, tái nhập; quá cảnh, nghiên cứu trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, thuốc dạng phối hợp có chứa dược chất gây nghiện, thuốc dạng phối hợp có chứa dược chất hướng thần, thuốc dạng phối hợp có chứa tiền chất; thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất. Vi phạm các quy định về giao nhận, quản lý, kiểm soát, lưu giữ, cấp phát, cho phép người sử dụng chất ma túy, thuốc gây nghiện hoặc thuốc hướng thần.

3. Sử dụng, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy; xúi giục, cưỡng bức, lôi kéo, chứa chấp, hỗ trợ việc sử dụng trái phép chất ma túy.

4. Sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất, sử dụng trái phép chất ma túy.

5. Hợp pháp hóa tiền, tài sản do phạm tội về ma túy mà có.

6. Chống lại hoặc cản trở việc cai nghiện ma túy.

7. Trả thù hoặc cản trở người có trách nhiệm hoặc người tham gia phòng, chống ma túy.

8. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp để vi phạm pháp luật về phòng, chống ma túy.

9. Các hành vi trái phép khác về ma túy.

Điều 5. Chính sách của Nhà nước về phòng, chống ma túy

1. Phòng, chống ma túy là trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức và của toàn xã hội.

2. Nhà nước có chính sách khuyến khích, bảo vệ cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức tham gia phòng, chống ma túy; tổ chức đấu tranh chống các tội phạm về ma túy và sử dụng đồng bộ các biện pháp kinh tế, pháp luật, văn hóa, xã hội, nghiệp vụ để tuyên truyền, vận động nhân dân, cán bộ, công chức và cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng vũ trang nhân dân tham gia phòng, chống ma túy; kết hợp phòng, chống ma túy với phòng, chống các loại tội phạm, HIV/AIDS và các tệ nạn xã hội khác.

Điều 6. Nguyên tắc trong hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy

1. Nhà nước Việt Nam thực hiện các điều ước quốc tế về phòng, chống ma túy và các điều ước quốc tế khác có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và các bên cùng có lợi; hợp tác với các nước, các tổ chức quốc tế, tổ chức, cá nhân nước ngoài trong hoạt động phòng, chống ma túy.

2. Cá nhân, tổ chức nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú, đi lại trên lãnh thổ Việt Nam có trách nhiệm tuân thủ các quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật Việt Nam về phòng, chống ma túy.

Công an Hà Nội luôn đề cao công tác phối hợp tuyên truyền, giáo dục phòng chống ma túy trong nhà trường

Chương II

TRÁCH NHIỆM PHÒNG, CHỐNG MA TÚY

Điều 7. Trách nhiệm của cá nhân, gia đình

1. Giáo dục thành viên trong gia đình, thân nhân về tác hại của ma túy và thực hiện quy định của pháp luật về phòng, chống ma túy; quản lý, ngăn chặn thành viên trong gia đình tham gia tội phạm và tệ nạn ma túy.

2. Thực hiện đúng chỉ định của thầy thuốc về sử dụng thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần để chữa bệnh.

3. Hợp tác với cơ quan chức năng đấu tranh với tội phạm ma túy; tham gia hỗ trợ hoạt động cai nghiện ma túy tại các cơ sở cai nghiện và tại cộng đồng; theo dõi, giúp đỡ người đã cai nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng; phòng, chống tái nghiện.

4. Cung cấp kịp thời những thông tin về tội phạm và tệ nạn ma túy, việc trồng cây có chứa chất ma túy cho cơ quan Công an hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền; tham gia triệt phá cây có chứa chất ma túy do chính quyền địa phương tổ chức.

Điều 8. Trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp

1. Tổ chức và phối hợp với cơ quan có thẩm quyền tuyên truyền, giáo dục nhân dân kiến thức, pháp luật về phòng, chống ma túy; xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, văn minh.

2. Phòng ngừa, ngăn chặn người của tổ chức mình và mọi công dân tham gia tội phạm và tệ nạn ma túy.

3. Giám sát hoạt động phòng, chống ma túy ở cơ quan, nhà trường, các cơ sở giáo dục khác và địa bàn dân cư.

4. Phối hợp với chính quyền các cấp, các cơ quan có thẩm quyền để vận động cai nghiện ma túy; tham gia giáo dục, dạy nghề, tìm việc làm và giúp đỡ người đã cai nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng; phòng, chống tái nghiện. 

Điều 9. Trách nhiệm của nhà trường và các cơ sở giáo dục

1. Tổ chức thực hiện chương trình giáo dục về phòng, chống ma túy; giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy và lối sống lành mạnh cho học sinh, sinh viên, học viên; quản lý chặt chẽ, ngăn chặn học sinh, sinh viên, học viên tham gia tội phạm và tệ nạn ma túy.

2. Phối hợp với gia đình, cơ quan, tổ chức và chính quyền địa phương để quản lý, giáo dục học sinh, sinh viên, học viên về phòng, chống ma túy.

3. Phối hợp với cơ quan y tế và chính quyền địa phương tổ chức xét nghiệm khi cần thiết để phát hiện học sinh, sinh viên, học viên nghiện ma túy hoặc sử dụng trái phép chất ma túy.

Điều 10. Trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân

1. Cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức phòng, chống ma túy ở cơ quan, đơn vị mình; phòng ngừa, ngăn chặn cán bộ, công chức và cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng vũ trang nhân dân tham gia tội phạm và tệ nạn ma túy; tuyên truyền, động viên cán bộ, công chức và cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng vũ trang nhân dân và nhân dân phát hiện, tố giác, đấu tranh với tội phạm và tệ nạn ma túy.

2. Tại các vùng xóa bỏ cây có chứa chất ma túy, các cơ quan nhà nước trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách của Nhà nước về phát triển sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp để thay thế việc trồng cây có chứa chất ma túy; quy hoạch cơ cấu nông nghiệp, lâm nghiệp, công nghiệp, dịch vụ và thị trường phù hợp để nhân dân chuyển hướng sản xuất có hiệu quả.

Điều 11. Trách nhiệm của các cơ quan thông tin, truyền thông

Các cơ quan thông tin, truyền thông có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức, đơn vị vũ trang nhân dân tổ chức tuyên truyền, giáo dục để nhân dân nhận thức rõ về tác hại của ma túy; chủ trương, chính sách, pháp luật, biện pháp của Nhà nước về phòng, chống ma túy.

Điều 12. Chính sách đối với người tham gia phòng, chống ma túy

1. Cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức tham gia các hoạt động phòng, chống ma túy được Nhà nước bảo vệ và giữ bí mật.

2. Trường hợp cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức do tham gia phòng, chống ma túy mà bị thiệt hại về tài sản thì được Nhà nước đền bù; trường hợp cá nhân bị thương tích, tổn hại về sức khỏe hoặc bị thiệt hại về tính mạng thì bản thân hoặc gia đình được hưởng chế độ, chính sách đặc biệt theo quy định của Chính phủ.

3. Cơ quan Công an, Hải quan, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Viện kiểm sát, Tòa án và chính quyền các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 13. Trách nhiệm, quyền hạn của các lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy

1. Cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Công an nhân dân được tiến hành một số hoạt động sau đây:

a) Nòng cốt, chủ trì thực hiện các hoạt động phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy;

b) Áp dụng các biện pháp nghiệp vụ trinh sát, kĩ thuật cần thiết để điều tra, phát hiện tội phạm về ma túy;

c) Trưng cầu giám định mẫu vật, mẫu phẩm sinh học cần thiết để phát hiện tội phạm về ma túy;

d) Yêu cầu cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có liên quan, phối hợp, cung cấp thông tin, tài liệu, tình hình tài chính và tài khoản tại ngân hàng khi có căn cứ cho rằng có hành vi quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 8, 9 Điều 4 của Luật này;

đ) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hoạt động bưu chính, dịch vụ chuyển phát mở bưu kiện, bưu phẩm, hàng hóa để kiểm tra khi có căn cứ cho rằng trong bưu kiện, bưu phẩm, hàng hóa đó có chứa chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, thuốc dạng phối hợp có chứa dược chất gây nghiện, thuốc dạng phối hợp có chứa dược chất hướng thần, thuốc dạng phối hợp có chứa tiền chất; thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất;

e) Áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ người tố giác, người làm chứng và người bị hại trong các vụ án về ma túy;

g) Phối hợp với các cơ quan chức năng chống tội phạm ma túy của các nước và các tổ chức chống tội phạm ma túy quốc tế để tiến hành trao đổi thông tin và phối hợp điều tra các vụ án liên quan đến tội phạm ma túy xuyên quốc gia.

2. Cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm thực hiện quy định tại điểm d điểm đ và điểm e khoản 1 Điều này theo yêu cầu của cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy.

3. Cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với cơ quan Công an, các cơ quan hữu quan khác thực hiện và áp dụng các biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật để phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về ma túy tại khu vực hoặc địa bàn quản lý, kiểm soát.

4. Chính phủ quy định cụ thể về điều kiện, thủ tục, thẩm quyền và trách nhiệm của cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy trong việc thực hiện các hoạt động quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều này. 

Điều 14. Xử lý tài sản, phương tiện bị tịch thu trong các vụ vi phạm pháp luật về ma túy

1. Phương tiện, tài sản bị tịch thu trong các vụ vi phạm pháp luật về ma túy khi bản án, quyết định tịch thu có hiệu lực pháp luật thì được giao cho lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy để phục vụ công tác phòng, chống ma túy.

2. Chính phủ quy định chi tiết về trình tự, thủ tục xử lý phương tiện, tài sản quy định tại khoản 1 Điều này.

Chương III

KIỂM SOÁT CÁC HOẠT ĐỘNG HỢP PHÁP 

LIÊN QUAN ĐẾN MA TÚY

Điều 15. Quản lý các hoạt động hợp pháp về ma túy

1. Việc nghiên cứu, giám định, sản xuất, vận chuyển, bảo quản, tồn trữ, mua bán, phân phối, sử dụng, xử lý, trao đổi, nhập khẩu, xuất khẩu; tạm nhập, tái xuất; tạm xuất, tái nhập; quá cảnh lãnh thổ Việt Nam chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, thuốc dạng phối hợp có chứa dược chất gây nghiện, thuốc dạng phối hợp có chứa dược chất hướng thần, thuốc dạng phối hợp có chứa tiền chất; thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất phải được quản lý chặt chẽ theo quy định của pháp luật. 

2. Chính phủ quy định về nội dung, điều kiện, thủ tục, cơ chế phối hợp, thẩm quyền và trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong thực hiện các quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 16. Quản lý hoạt động vận chuyển chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, thuốc dạng phối hợp có chứa dược chất gây nghiện, thuốc dạng phối hợp có chứa dược chất hướng thần, thuốc dạng phối hợp có chứa tiền chất; thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất

1. Cá nhân, cơ quan, tổ chức được vận chuyển chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, thuốc dạng phối hợp có chứa dược chất gây nghiện, thuốc dạng phối hợp có chứa dược chất hướng thần, thuốc dạng phối hợp có chứa tiền chất; thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất phải đóng gói, niêm phong theo quy định của cơ quan có thẩm quyền, chịu trách nhiệm về số lượng, chất lượng hàng của mình và có biện pháp bảo vệ an toàn, không để bị thất thoát.

2. Việc vận chuyển các chất quy định tại khoản 1 Điều này của cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam phải tuân theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Điều 17. Quản lý thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, thuốc dạng phối hợp có chứa dược chất gây nghiện, thuốc dạng phối hợp có chứa dược chất hướng thần, thuốc dạng phối hợp có chứa tiền chất tại các cơ sở y tế

Việc tồn trữ, bảo quản, kê đơn và bán thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, thuốc dạng phối hợp có chứa dược chất gây nghiện, thuốc dạng phối hợp có chứa dược chất hướng thần, thuốc dạng phối hợp có chứa tiền chất để chữa bệnh tại các cơ sở y tế phải thực hiện theo quy định của Bộ Y tế.

Điều 18. Quản lý thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất

Việc sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, tồn trữ, bảo quản, kê đơn và bán thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất để chữa bệnh cho động vật tại các cơ sở thú y phải thực hiện theo quy định của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Điều 19. Lập hồ sơ các hoạt động hợp pháp về ma túy

Cá nhân, cơ quan, tổ chức tiến hành các hoạt động quy định tại các điều 15, 16, 17 và 18 của Luật này phải lập hồ sơ về các hoạt động đó theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và thông báo cho các cơ quan có liên quan khi có yêu cầu để phối hợp quản lý, kiểm soát chặt chẽ.

Điều 20. Nhập khẩu, xuất khẩu; tạm nhập, tái xuất; tạm xuất, tái nhập; quá cảnh chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, thuốc dạng phối hợp có chứa dược chất gây nghiện, thuốc dạng phối hợp có chứa dược chất hướng thần, thuốc dạng phối hợp có chứa tiền chất; thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất

1. Chỉ cơ quan, tổ chức có đủ điều kiện do Chính phủ quy định và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép mới được phép nhập khẩu, xuất khẩu; tạm nhập, tái xuất; tạm xuất, tái nhập; quá cảnh chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, thuốc dạng phối hợp có chứa dược chất gây nghiện, thuốc dạng phối hợp có chứa dược chất hướng thần, thuốc dạng phối hợp có chứa tiền chất; thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất. 

2. Các trường hợp vận chuyển quá cảnh lãnh thổ Việt Nam chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, thuốc dạng phối hợp có chứa dược chất gây nghiện, thuốc dạng phối hợp có chứa dược chất hướng thần, thuốc dạng phối hợp có chứa tiền chất; thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất phải có giấy phép quá cảnh của Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam. Tổ chức cần vận chuyển quá cảnh phải gửi đơn và hồ sơ xin phép quá cảnh kèm theo giấy phép của nước xuất khẩu và nước nhập khẩu đến Bộ Công an Việt Nam để làm thủ tục.

Giấy phép quá cảnh được gửi cho tổ chức xin phép, Hải quan cửa khẩu nơi có hàng quá cảnh đi qua và các cơ quan khác có liên quan. Giấy phép quá cảnh có giá trị một lần trong thời hạn được ghi trong giấy phép.

Việc vận chuyển quá cảnh các chất quy định tại khoản 1 Điều này phải theo đúng hành trình đã ghi trong giấy phép quá cảnh. Tổ chức vận chuyển quá cảnh phải làm thủ tục, chịu sự kiểm soát của cơ quan Hải quan và các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.

3. Mọi trường hợp vận chuyển các chất, thuốc quy định tại khoản 1 Điều này vào, ra hoặc qua lãnh thổ Việt Nam mà không có giấy phép hoặc không tuân thủ các quy định khác của pháp luật Việt Nam về vận chuyển, nhập khẩu, xuất khẩu; tạm nhập, tái xuất; tạm xuất, tái nhập; quá cảnh thì đều bị coi là vận chuyển trái phép.

Điều 21. Hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy vì mục đích quốc phòng, an ninh

Việc giao, nhận, vận chuyển, tồn trữ, bảo quản, sử dụng, nhập khẩu, xuất khẩu; tạm nhập, tái xuất; tạm xuất, tái nhập; quá cảnh chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần vì mục đích quốc phòng, an ninh thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Điều 22. Vận chuyển, tồn trữ thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, thuốc dạng phối hợp có chứa dược chất gây nghiện, thuốc dạng phối hợp có chứa dược chất hướng thần, thuốc dạng phối hợp có chứa tiền chất vì mục đích y tế

1. Việc mang theo một số lượng hạn chế thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, thuốc dạng phối hợp có chứa dược chất gây nghiện, thuốc dạng phối hợp có chứa dược chất hướng thần, thuốc dạng phối hợp có chứa tiền chất dự phòng cho việc sơ cứu, cấp cứu trong cuộc hành trình hoặc du lịch quốc tế trên tàu thủy, tàu bay, tàu hỏa, ôtô hoặc các phương tiện vận tải khác không bị coi là mang hàng xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh lãnh thổ Việt Nam.

Người chỉ huy hoặc điều khiển phương tiện vận tải có trách nhiệm làm thủ tục khai báo với cơ quan Hải quan của Việt Nam, giải trình về số lượng thuốc đã sử dụng và áp dụng các biện pháp an toàn thích hợp để ngăn chặn việc sử dụng không đúng mục đích hoặc vận chuyển trái phép các thuốc đó. Khi cần thiết, các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam được tiến hành kiểm tra, kiểm soát trên các phương tiện vận tải đó.

2. Việc mang theo thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, thuốc dạng phối hợp có chứa dược chất gây nghiện, thuốc dạng phối hợp có chứa dược chất hướng thần, thuốc dạng phối hợp có chứa tiền chất để chữa bệnh của cá nhân khi nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh lãnh thổ Việt Nam được thực hiện theo quy định của Bộ Y tế Việt Nam và phải chịu sự kiểm soát của các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.

Điều 23. Xử lý chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, thuốc dạng phối hợp có chứa dược chất gây nghiện, thuốc dạng phối hợp có chứa dược chất hướng thần, thuốc dạng phối hợp có chứa tiền chất; thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất thu giữ trong vụ vi phạm pháp luật về ma túy

1. Chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, thuốc dạng phối hợp có chứa dược chất gây nghiện, thuốc dạng phối hợp có chứa dược chất hướng thần, thuốc dạng phối hợp có chứa tiền chất; thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất trong các vụ án hình sự, vụ vi phạm hành chính phải tịch thu và xử lý như sau:

a) Trả lại cho chủ sở hữu trong trường hợp chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, thuốc dạng phối hợp có chứa dược chất gây nghiện, thuốc dạng phối hợp có chứa dược chất hướng thần, thuốc dạng phối hợp có chứa tiền chất; thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất được sử dụng trong các hoạt động hợp pháp về ma túy bị chiếm đoạt;

b) Sử dụng trong nghiên cứu khoa học, Y tế, công tác giám định, truy nguyên nguồn gốc; đào tạo tập huấn về công tác phòng, chống ma túy; huấn luyện động vật nghiệp vụ;

c) Tiêu hủy theo quy định của pháp luật trong trường hợp không thuộc điểm a, điểm b Khoản này.

2. Chính phủ quy định trình tự, thủ tục xử lý chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, thuốc dạng phối hợp có chứa dược chất gây nghiện, thuốc dạng phối hợp có chứa dược chất hướng thần, thuốc dạng phối hợp có chứa tiền chất; thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất tại khoản 1 Điều này.

Điều 24. Xử lý thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, thuốc dạng phối hợp có chứa dược chất gây nghiện, thuốc dạng phối hợp có chứa dược chất hướng thần, thuốc dạng phối hợp có chứa tiền chất; thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất kém chất lượng hoặc quá hạn sử dụng.

1. Việc xử lý thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, thuốc dạng phối hợp có chứa dược chất gây nghiện, thuốc dạng phối hợp có chứa dược chất hướng thần, thuốc dạng phối hợp có chứa tiền chất kém chất lượng hoặc quá hạn sử dụng không thuộc trường hợp quy định tại Điều 23 của Luật này thực hiện theo quy định của Bộ Y tế.

2. Việc xử lý thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất kém chất lượng hoặc quá hạn sử dụng không thuộc trường hợp quy định tại Điều 23 của Luật này thực hiện theo quy định của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

(Còn nữa - Xem tiếp Báo An ninh Thủ đô Cuối tuần ra ngày 10-5-2020)