Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII:

Dự thảo Luật giá: Còn mông lung và "đá" lung tung!

ANTĐ - Trong cuộc thảo luận sáng nay (28-5) về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Giá, nhiều đại biểu nhận định rằng, dự thảo Luật Giá còn "mông lung" và có một số điểm chồng chéo so với Luật Cạnh tranh.
Tranh luận sôi nổi về danh mục bình ổn giá
Về danh mục các mặt hàng, dịch vụ được bình ổn giá, Dự thảo đã loại bỏ một số mặt hàng thuốc thuộc diện bình ổn trong danh mục như sắt, thép, xi măng, thức ăn hỗn hợp cho chăn nuôi, thủy sản, dịch vụ vận chuyển hành khách bằng đường sắt loại ghế ngồi cứng.

Theo giải trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội, nguyên nhân loại bỏ sắt, thép, xi măng là do đã có thị trường cạnh tranh; nguồn cung lớn, nhiều thời điểm cung vượt cầu. Với năng lực sản xuất hiện nay, dự báo trong nhiều năm tới vẫn đáp ứng đủ nhu cầu trong nước.

Loại khỏi danh mục "thức ăn hỗn hợp dùng cho chăn nuôi lợn thịt, gà thịt, cá tra, cá basa, tôm" vì thị trường thức ăn chăn nuôi hiện đang phát triển, chủng loại đa dạng. Ngoài ra, việc bình ổn giá đối với thức ăn chăn nuôi có thể dẫn đến một số tổ chức nước ngoài cho là Việt Nam trợ giá hàng xuất khẩu, vi phạm cam kết WTO.

Loại khỏi danh mục “dịch vụ vận chuyển hành khách bằng đường sắt loại ghế ngồi cứng” do thị trường vận tải hành khách đã có sự cạnh tranh, trong đó, dịch vụ vận chuyển bằng đường sắt loại ghế ngồi cứng đang được thay thế dần bằng dịch vụ vận tải ôtô.

Cùng với sự loại bỏ các mặt hàng trên, danh mục lại thêm một số quy định trong mỗi một mặt hàng. Ví dụ như trước đây, chỉ có sữa bột thuộc diện bình ổn thì nay thay là "sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi", tuy nhiên, theo ý kiến của một số đại biểu, thị trường sữa là thị trường cạnh tranh, nếu xếp vào diện bình ổn sẽ phá vỡ tính thị trường và giá cả sẽ càng bị đẩy lên cao.
Mặt khác, theo đại biểu Đinh Thị Mai Lan (Cao Bằng): nên loại sữa ra khỏi danh mục vì đây không phải thực sự là mặt hàng thiết yếu (trừ loại dưới 6 tuổi bị bệnh lý). Đại biểu Lan cũng cho rằng, hiện nay, chúng ta đã có thị trường sữa cạnh tranh khá hoàn hảo, vì thế nếu có sự cạnh tranh, doanh nghiệp không thể áp dụng giá cao một cách tùy tiện, và người tiêu dùng sẽ có điều kiện lựa chọn.
Dự thảo Luật giá: Còn mông lung và "đá" lung tung! ảnh 1
Ảnh minh họa

Cùng thảo luận về danh mục bình ổn giá, đại biểu Phạm Minh Tấn (Đăk Lak) đề nghị nên xem xét đưa mặt hàng cà phê cần vào danh sách, bởi theo ông hiện nay, sản xuất cà phê đã mang lợi cho rất nhiều người dân, sản lượng cà phê của nước ta đang đứng thứ 2 thế giới và cà phê là mặt hàng được nhiều người dân sử dụng trong xã hội hiện nay. Cùng luồng ý kiến trên, đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) kiến nghị nên xem xét bổ sung vào danh  mục số mặt hàng: sách, đồ dùng học tập, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn hỗn hợp chăn nuôi, thủy sản.

Đại biểu Nguyễn Thanh Thủy cũng đề nghị rằng: Dự thảo cần bổ sung trách nhiệm của Chính phủ, địa phương trong bình ổn giá, đặc biệt cần quy định rõ xem triển khai việc phân phối các mặt hàng bình ổn giá thế nào cho phù hợp, tránh trường hợp đối tượng cần thì chưa được tiếp cận vì thực tế, một số mặt hàng bình ổn chỉ được áp dụng ở siêu thị lớn, thành phố lớn, nên nhiều đối tượng chưa được hưởng thụ.

Trái với ý kiến trên, đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) lại cho rằng, Luật giá giải quyết vấn đề rất khó là mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường. Đừng quá kỳ vọng vào bình ổn giá khi kinh tế vĩ mô đang bất ổn. Giá cả ổn định là do các biện pháp kinh tế vĩ mô phối hợpÔng nhận định rằng, dù có nỗ lực bình ổn giá đến đâu mà kinh tế vĩ mô bất ổn thì rất khó bình ổn bên cạnh đó, ông còn cho rằng, càng mở rộng danh mục càng "lợi bất cập hại".

Luật giá còn mông lung, chồng chéo Luật Cạnh tranh

Bên cạnh những ý kiến trên, một số đại biểu nhận định rằng, Luật Giá có phần nào chồng lấn với khung pháp lý có sẵn, như là Luật Cạnh tranh, và các đại biểu cho rằng, nếu sử dụng sai “công cụ” có thể làm hỏng nền kinh tế thị trường.

Theo Dự thảo, một trong những biện pháp bình ổn giá là đăng ký giá, tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng, đây lại là một biện pháp hành chính mang nặng dấu ấn "xin - cho", chỉ mang lợi ích cho người tiêu dùng trước mắt nhưng gây tác động tiêu cực lớn hơn trong dài hạn. Các doanh nghiệp sẽ mất cơ hội kinh doanh vì bị hạn chế sự linh hoạt trong việc định giá sản phẩm, mất thời gian làm các thủ tục hồ sơ… mà giá cả lại tăng cao hơn.

Về vấn đề này, Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho rằng, theo Luật Cạnh tranh thì việc đăng ký giá là không phù hợp mà còn tạo nhiều chi phí hơn là đem lại lợi ích cho Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Bà Thúy phân tích, sự bất ổn về giá cả trên thị trường còn có lý do về tâm lý của người tiêu dùng, bất cập trong hệ thống phân phối nên thực tế cho thấy biện pháp đăng ký giá không thành công trong trường hợp cố gắng can thiệp và bình ổn các mặt hàng như sữa, thuốc chữa bệnh…

Bà Thúy còn nhấn mạnh rằng: Để Luật giá thống nhất và phù hợp với Luật Cạnh tranh và hỗ trợ thị trường phát triển cần áp dụng các biện pháp bình ổn giá trực tiếp chỉ nên giới hạn trong trường hợp có dấu hiệu lũng đoạn về giá.

Cũng theo đó, đại biểu Nguyễn Thanh Hải  (Hòa Bình) cho rằng, cách quy định như trong dự thảo về hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá còn thể hiện sự thiếu dứt khoát, mông lung, có khả năng gây khó khăn cho đối tượng chịu tác động của luật, có thể dẫn đến cách hiểu và áp dụng luật khác nhau.

Chưa quy định rõ, dân biết kêu ai?!

Theo đại biểu Đào Văn Bình (Hà Nội): Thời gian qua, giá cả các mặt hàng như sữa, thuốc chữa bệnh tăng “vô tội vạ”, nhưng người tiêu dùng không biết kêu ai, không ai chịu trách nhiệm trước dân. Vì vậy, đề nghị Dự thảo cần quy định rõ ai sẽ chịu trách nhiệm về việc tăng giá như trên để khi cần có thể truy trách nhiệm.

Cũng cùng ý kiến trên, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng, Dự thảo có nói về quyền của người tiêu dùng, tuy nhiên chưa nói rõ được chế tài xử lý, đề nghị cần có quy định chặt chẽ hơn nữa để bảo vệ lợi người tiêu dùng.

Cũng theo nhiều đại biểu, Dự thảo  Luật chưa quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương theo hướng xác định rõ mỗi cơ quan chịu trách nhiệm quản lý giá đối với mỗi loại mặt hàng; Đề nghị quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan, đặc biệt là Bộ Tài chính.

Các đại biểu cũng cho rằng, cần phải có tổ chức thẩm định về giá, điều này trong dự thảo có nêu nhưng còn “mông lung” về tiêu chuẩn để trở thành một thẩm định viên về giá, cũng như những quy định về trách nhiệm, quyền hạn, biện pháp xử lý sai phạm…

Buổi chiều, các đại biểu thảo luận ở tổ về Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội; Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2013.

Tin cùng chuyên mục