Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Mơ hồ nguyên tắc định giá

ANTĐ - Hôm qua, 17-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Một trong những nội dung được bàn tới nhiều nhất là các quy định về giá đất. Một số ý kiến đánh giá các quy định này còn mơ hồ, chưa có căn cứ vững chắc để áp dụng thực tế.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Mơ hồ nguyên tắc định giá  ảnh 1
Quy định mơ hồ về giá đất sẽ gây ra khiếu kiện khi Nhà nước thu hồi đất
(Trong ảnh: GPMB dự án đường Lê Văn Lương kéo dài, Hà Nội)

Tù mù “giá thị trường”

Được xem là “xương sống” của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nhưng quy định về định giá đất trong dự luật theo nguyên tắc “giá đất do Nhà nước quyết định phải bảo đảm nguyên tắc phù hợp với giá thị trường” lại không nhận được sự đồng thuận của các Ủy viên UBTVQH. Nhiều người cho rằng còn “mơ hồ, không khả thi”.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang đề xuất: “Giá đất do Nhà nước quyết định bảo đảm nguyên tắc phù hợp với giá thị trường” (thay cho nguyên tắc “sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường” như Luật hiện hành). Trên cơ sở khung giá của Chính phủ, UBND cấp tỉnh ban hành bảng giá của địa phương. Khung giá đất, bảng giá đất ổn định, chỉ điều chỉnh khi giá đất trên thị trường có thay đổi lớn.

Góp ý về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển phê bình: “Giá đất là một trong những điểm nút quan trọng nhất cần tháo gỡ hiện nay. Song dự Luật lần này lại đưa ra nguyên tắc còn mơ hồ hơn là “phù hợp với giá thị trường”. Như thế, không những không cởi được nút thắt, mà còn gây tranh cãi nhiều hơn. Tất nhiên Luật đã giao lại cho Chính phủ quy định, nhưng như vậy là nội dung quan trọng nhất thì lại không được đưa vào Luật”. 

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu nhìn nhận, quy định về giá đất là khâu khó nhất, phải xác định “thị trường” là ở thời điểm nào, có những công cụ nào để quản lý thị trường, không gây biến động lớn, không tạo ra cú “sốc”. Ông đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang sắp xếp báo cáo thêm với UBTVQH về phương pháp xác định giá đất. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng hỏi thẳng: “Dự luật quy định giá đất theo giá thị trường, vậy thì định giá theo thị trường nào? Thị trường khi đã có quy hoạch sử dụng đất hay thị trường khi đấu giá hoặc khi đã thu hồi đất là rất cách xa nhau? Như vậy là quá mơ hồ, tù mù vì đã có thị trường đâu mà tính...”. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, Ban soạn thảo cần đặc biệt lưu ý đến các quy định về sở hữu, về quyền đại diện chủ sở hữu và quyền định đoạt của Nhà nước về đất đai, sự phân cấp quản lý của chính quyền địa phương... sao cho phù hợp với nội dung Hiến pháp sẽ sửa đổi.

Cảnh giác với dự án “treo”

Trưởng ban Công tác đại biểu của UBTVQH Nguyễn Thị Nương thẳng thắn đánh giá, dự thảo luật còn một số vấn đề quan trọng chưa thấu đáo. Phân tích kỹ hơn về vấn đề thu hồi đất, bà Nguyễn Thị Nương cho rằng, các căn cứ thu hồi đất như vậy là quá rộng và chưa đảm bảo lợi ích hài hòa giữa người dân, doanh nghiệp và Nhà nước. Trong nhiều trường hợp, thiệt thòi luôn thuộc về nhân dân. Tại nhiều dự án, người bị thu hồi đất luôn bức xúc bởi chênh lệch giữa giá thu hồi đất với giá đất của nhà đầu tư bán ra thường rất cao trong khi chi phí họ phải bỏ ra không lớn. Ngược lại, người dân đã phải bỏ ra công sức nhiều đời để có đất. 

Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển đề nghị nên có 4 cấp quy hoạch, trong đó, có cấp xã vì nếu chỉ có đến cấp huyện sẽ xảy ra tình trạng có rất nhiều quy hoạch “treo”. Ông nói: “Quy hoạch “treo” là một trong những nguyên nhân cản trở sự phát triển, phản ánh việc sử dụng đất đai không hợp lý, không hiệu quả...”.

Cũng liên quan tới vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng không đồng tình với quy định “việc thu hồi đất được tiến hành khi có quy hoạch”. Ông cho rằng, quy định như vậy là rất “lơ mơ”. Nhiều địa phương hiện đang loay hoay giải quyết bài toán hậu thu hồi đất, làm bùng phát dự án “treo”. Chủ tịch Quốc hội cảnh báo: “Nếu quy định cứ có quy hoạch là được thu hồi đất thì chưa ổn. Khiếu kiện sẽ không giảm, thậm chí còn tăng lên. Thu hồi đất ngay sau khi có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhưng chưa làm đường, chưa xây dựng các công trình không khéo vừa lãng phí tiền bạc, vừa bỏ đất hoang! Bài học từ các khu công nghiệp bỏ đất trống vẫn còn đó...”.