Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ

ANTD.VN - Lời Tòa soạn: Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an chủ trì xây dựng đang được lấy ý kiến nhân dân trong thời gian 2 tháng từ ngày 2-6-2020 đến ngày 2-8-2020. Dự thảo Luật này gồm 08 chương 93 điều quy định về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Dự thảo Luật đã kế thừa, sửa đổi một số khái niệm, định nghĩa trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và các nghị định, thông tư có liên quan. Báo An ninh Thủ đô Cuối tuần trân trọng giới thiệu với bạn đọc toàn văn dự thảo luật lần lượt qua các số báo.

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013; Quốc hội ban hành Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, bao gồm: Hệ thống báo hiệu đường bộ; quy tắc giao thông đường bộ; phương tiện tham gia giao thông đường bộ; người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ; tổ chức chỉ huy, điều khiển giao thông và giải quyết ùn tắc giao thông đường bộ; giải quyết tai nạn giao thông đường bộ; thực thi pháp luật và trách nhiệm pháp lý; quản lý Nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Luật này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến trật tự, an toàn giao thông đường bộ trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Trật tự, an toàn giao thông đường bộ là trạng thái giao thông ổn định, được điều chỉnh bởi hệ thống quy phạm pháp luật và chuẩn mực đạo đức xã hội được thừa nhận, nhờ đó hoạt động giao thông được thông suốt, nhanh chóng, thuận lợi, người và phương tiện tham gia giao thông được an toàn, giảm thiểu nguy cơ tai nạn và các hành vi xâm hại khác.

2. Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ là một nội dung của công tác bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các lực lượng, tổ chức và cá nhân, trong đó Công an nhân dân giữ vai trò nòng cốt, để chủ động bảo vệ, thúc đẩy sự phát triển của các yếu tố cấu thành trật tự, an toàn giao thông đường bộ, phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; kịp thời phát hiện và xử lý nhanh chóng, hiệu quả các yếu tố làm mất an toàn giao thông, không để giao thông vận tải bị cản trở, đình trệ; khắc phục, làm giảm thiệt hại do tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông gây ra cho người, phương tiện, hàng hóa, góp phần củng cố hiệu lực quản lý Nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường.

3. Quản lý Nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ là toàn bộ hoạt động có tổ chức, có định hướng, mang tính quyền lực của Nhà nước trong quá trình quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện các quy định về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, thiết lập, duy trì trật tự, an toàn giao thông đường bộ, xây dựng văn hóa giao thông, bảo đảm giao thông đường bộ thông suốt, an toàn nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.

4. Đường cao tốc là đường dành riêng cho xe cơ giới, có dải phân cách phân chia đường cho xe chạy hai chiều riêng biệt; không giao nhau cùng mức với đường khác; được bố trí đầy đủ trang thiết bị phục vụ quản lý, vận hành, khai thác; bảo đảm giao thông liên tục, an toàn, rút ngắn thời gian hành trình và chỉ cho xe ra, vào ở những điểm nhất định.

5. Đường đô thị là đường nằm trong phạm vi địa giới hành chính nội thành, nội thị.

6. Đường phố là đường đô thị, gồm lòng đường và hè phố.

7. Đường chuyên dùng là đường chuyên phục vụ cho việc vận chuyển, đi lại của một hoặc một số cơ quan, tổ chức, cá nhân.

8. Đường bộ là công trình sử dụng cho người và phương tiện giao thông đi lại. Đường bộ gồm đường, điểm dừng xe, đỗ xe trên đường bộ, cầu đường bộ, hầm đường bộ, bến phà đường bộ, cầu phao đường bộ, đường cứu nạn.

9. Đường dành riêng cho các loại phương tiện cơ giới là tuyến đường, phần đường hoặc làn đường dành riêng cho phương tiện cơ giới lưu thông, tách biệt với phần đường dành riêng cho các phương tiện thô sơ và người đi bộ bằng dải phân cách hoặc vạch sơn dọc liền và được chỉ dẫn bằng biển báo hiệu hoặc vạch sơn.

10. Đường dành riêng cho một số loại phương tiện là tuyến đường, phần đường hoặc làn đường dành riêng cho một hoặc một vài loại phương tiện được lưu thông tách biệt với phần đường cho các phương tiện khác và được chỉ dẫn bằng biển báo hiệu hoặc vạch sơn.

11. Đường dành riêng cho các phương tiện thô sơ và người đi bộ là tuyến đường, phần đường hoặc làn đường được phân biệt với phần đường dành riêng cho phương tiện cơ giới bằng các dải phân cách hoặc vạch sơn dọc liền.

12. Đường ưu tiên là đường mà trên đó phương tiện tham gia giao thông được các phương tiện giao thông đến từ hướng khác nhường đường khi qua nơi đường giao nhau, được cắm biển báo hiệu đường ưu tiên.

13. Đường không ưu tiên là những đường giao cùng mức với đường ưu tiên.

14. Đường một chiều là những đường chỉ cho đi một chiều.

15. Đường hai chiều là những đường dùng chung cho cả chiều đi và về trên cùng một phần đường xe chạy mà không có dải phân cách.

16. Đường đôi là những đường mà chiều đi và về trên cùng phần đường xe chạy được phân biệt bằng dải phân cách (trường hợp phân biệt bằng vạch sơn thì không phải đường đôi).

17. Đường gom là đường để gom hệ thống đường giao thông nội bộ của các khu đô thị, công nghiệp, kinh tế, dân cư, thương mại, dịch vụ, bãi, hầm để xe và các đường khác được phê duyệt tổ chức giao thông theo quy định vào đường chính hoặc vào đường nhánh trước khi đấu nối vào đường chính.

18. Phần đường xe chạy là phần mặt của đường bộ được sử dụng cho phương tiện giao thông qua lại.

19. Phần đường dành cho xe cơ giới là phần của đường bộ được sử dụng cho các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và xe máy chuyên dùng qua lại.

20. Phần đường dành cho xe thô sơ là phần của đường bộ được sử dụng cho các phương tiện giao thông thô sơ đường bộ qua lại.

21. Làn đường là một phần của phần đường xe chạy được chia theo chiều dọc của đường, có đủ bề rộng cho xe chạy an toàn. Một phần đường xe chạy có thể có một hoặc nhiều làn đường.

22. Dải phân cách là bộ phận của đường mà xe không chạy trên đó được và để phân chia phần đường xe chạy thành hai chiều xe chạy riêng biệt hoặc để phân chia phần đường dành cho xe cơ giới và xe thô sơ.

23. Nơi đường giao nhau cùng mức là nơi hai hay nhiều đường bộ giao nhau trên cùng một mặt bằng hoặc nơi đường bộ giao nhau với đường sắt trên cùng một mặt bằng.

24. Đường chính là đường bảo đảm giao thông chủ yếu trong khu vực. 

25. Đường nhánh là đường nối vào đường chính.

26. Hệ thống báo hiệu đường bộ gồm hiệu lệnh của người điều khiển giao thông; tín hiệu đèn giao thông, biển báo hiệu, vạch kẻ đường, cọc tiêu hoặc tường bảo vệ, rào chắn.

27. Tốc độ hạn chế tối đa là tốc độ lớn nhất trên một tuyến đường, đoạn đường hoặc làn đường được cấp có thẩm quyền quy định. 

28. Tốc độ hạn chế tối thiểu là tốc độ nhỏ nhất trên một tuyến đường, đoạn đường hoặc làn đường được cấp có thẩm quyền quy định. Người điều khiển phương tiện không được phép vận hành xe ở tốc độ nhỏ hơn khi có điều kiện giao thông đảm bảo an toàn cho phép xe chạy với tốc độ cao hơn.

29. Phương tiện giao thông đường bộ gồm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện giao thông thô sơ đường bộ.

30. Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (sau đây gọi là xe cơ giới) gồm các loại xe ôtô; máy kéo; xe máy chuyên dùng; rơ-moóc hoặc sơ-mi rơ-moóc được kéo bởi xe ôtô; xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ; xe chở người bốn bánh có gắn động cơ; xe mô tô 2 bánh; xe mô tô 3 bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự được thiết kế để chở người và hàng hóa trên đường bộ. 

31. Phương tiện giao thông thô sơ đường bộ (sau đây gọi là xe thô sơ) gồm xe đạp (kể cả xe đạp máy, xe đạp điện), xe xích lô, xe súc vật kéo, xe lăn dùng cho người khuyết tật và các loại xe tương tự không sử dụng động cơ gây ra sức kéo.

32. Xe máy chuyên dùng gồm xe máy thi công, xe máy nông nghiệp, lâm nghiệp và các loại xe đặc chủng khác sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh có tham gia giao thông đường bộ.

33. Xe ô tô chở người là xe ô tô có kết cấu và trang bị dùng để chở người và hành lý mang theo. Xe ô tô chở người có thể được thiết kế, chế tạo để kéo theo rơ moóc.

34. Xe ô tô chở hàng (ô tô tải) là ô tô có kết cấu và trang bị chủ yếu dùng để chở hàng và có tối đa hai hàng ghế trong cabin. Xe ô tô chở hàng có thể được thiết kế, chế tạo để kéo theo rơ moóc.

35. Xe ô tô chuyên dùng là ô tô có kết cấu và trang bị để thực hiện một chức năng, công dụng đặc biệt. Xe ô tô chuyên dùng có thể được thiết kế, chế tạo để kéo theo rơ moóc.

36. Xe ô tô kéo rơ moóc là xe ôtô được thiết kế chỉ để kéo rơ moóc.

37. Xe ô tô đầu kéo là ô tô được thiết kế để kéo sơ mi rơ moóc. Xe ô tô đầu kéo có thể được thiết kế, chế tạo để kéo theo rơ moóc.

38. Rơ-moóc là phương tiện không có động cơ được thiết kế, chế tạo để hoạt động trên đường bộ, được kéo theo bởi xe ô tô, có kết cấu và trang bị dùng để chở người hoặc hàng hóa và phần chủ yếu của khối lượng toàn bộ của rơ moóc không đặt lên ôtô kéo.

39. Sơ mi rơ moóc là phương tiện không có động cơ được thiết kế, chế tạo để hoạt động trên đường bộ, được kéo theo bởi một xe ô tô, có kết cấu và trang bị dùng để chở người hoặc hàng hóa và có một phần đáng kể khối lượng toàn bộ đặt lên ô tô đầu kéo.

40. Các loại xe tương tự xe ô tô là loại phương tiện giao thông đường bộ chạy bằng động cơ có từ hai trục, bốn bánh xe trở lên, có phần động cơ và thùng hàng (nếu có) lắp trên cùng một xát xi (kể cả loại xe 4 bánh chạy bằng năng lượng điện).

41. Các loại xe tương tự xe mô tô là phương tiện giao thông đường bộ chạy bằng động cơ, có hai bánh hoặc ba bánh, có dung tích làm việc của động cơ từ 50 cm3 trở lên, có vận tốc thiết kế lớn nhất lớn hơn 50 km/h, có khối lượng bản thân không lớn hơn 400 kg.

42. Xe máy điện là xe gắn máy được dẫn động bằng động cơ điện có công suất lớn nhất không lớn hơn 4 kW, có vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 50 km/h.

43. Các loại xe tương tự xe gắn máy là phương tiện giao thông đường bộ chạy bằng động cơ, có hai bánh hoặc ba bánh và vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 50 km/h, trừ xe đạp máy.

44. Xe đạp máy là xe thô sơ hai bánh có lắp động cơ, vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 25 km/h và khi tắt máy thì đạp xe đi được (kể cả xe đạp điện).

45. Xe ưu tiên là xe được quyền ưu tiên theo quy định của Luật này.

46. Niên hạn sử dụng của xe ô tô là thời gian cho phép sử dụng của xe ô tô. 

47. Niên hạn sử dụng của xe mô tô là thời gian cho phép sử dụng của xe mô tô.

48. Nhường đường cho phương tiện khác là tình huống giao thông mà phương tiện nhường đường không tiếp tục di chuyển như hiện tại để phương tiện được nhường đường không phải chuyển hướng hoặc phải phanh đột ngột.

49. Người tham gia giao thông gồm người điều khiển, người sử dụng phương tiện tham gia giao thông đường bộ; người điều khiển, dẫn dắt súc vật; người đi bộ trên đường bộ.

50. Người điều khiển phương tiện gồm người điều khiển xe cơ giới, xe thô sơ tham gia giao thông đường bộ.

51. Người lái xe là người điều khiển xe cơ giới.

52. Người điều khiển giao thông là Cảnh sát giao thông; người được giao nhiệm vụ hướng dẫn giao thông tại nơi thi công, nơi ùn tắc giao thông, ở bến phà, tại cầu đường bộ đi chung với đường sắt.

53. Ùn tắc giao thông là tình trạng phương tiện giao thông di chuyển với tốc độ rất chậm hoặc không thể di chuyển được do vượt quá khả năng lưu thông của đường bộ hoặc do điều kiện bất khả kháng như: tai nạn giao thông, sự cố, tình huống về an ninh, trật tự, gây cản trở đến hoạt động giao thông.

54. Tai nạn giao thông đường bộ là sự việc bất ngờ xảy ra khi các đối tượng tham gia giao thông đang hoạt động trên đường bộ vi phạm các quy định về trật tự, an toàn giao thông đường bộ hay gặp phải sự cố bất ngờ không kịp phòng tránh, gây ra những thiệt hại nhất định đến tính mạng, sức khoẻ của con người hoặc tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Tuyên truyền về trật tự giao thông trong trường học cần trực quan và cập nhật mới

Điều 4. Nguyên tắc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ

1. Bảo đảm hoạt động giao thông thông suốt, trật tự, an toàn; bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của Nhà nước và Nhân dân; chủ động phòng ngừa tai nạn, vi phạm và ùn tắc giao thông góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, phục vụ phát triển kinh tế- xã hội. 

2. Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ là trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân, trong đó cơ quan có chức năng bảo đảm an ninh, trật tự chịu trách nhiệm chính; tôn trọng và bảo đảm các quyền, nghĩa vụ của công dân.

3. Người tham gia giao thông phải tự giác, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, giữ gìn an toàn cho mình và cho người khác, phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi vi phạm pháp luật của mình.

4. Các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ phải được ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt thì sẽ bị cưỡng chế thi hành theo quy định của pháp luật.

5. Quản lý Nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ được thực hiện thống nhất trên cơ sở phân công, phân cấp rõ ràng, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp.

Điều 5. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ

Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ là việc làm quan trọng cần được thực hiện thường xuyên, liên tục.

1. Nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ:

a) Quy tắc giao thông; hệ thống báo hiệu giao thông đường bộ;

b) Điều kiện an toàn của người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ; những hành vi bị cấm;

c) Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan Nhà nước, cán bộ, công chức trong bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; nghĩa vụ tôn trọng và chấp hành pháp luật; gương người tốt, việc tốt trong thực hiện pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ;

d) Văn hóa khi tham gia giao thông; các biện pháp phòng ngừa tai nạn giao thông đường bộ; kỹ năng lái xe an toàn; những nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông;

đ) Hành vi vi phạm và chế tài xử lý;

e) Các nội dung cần thiết khác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

2. Hình thức tuyên tuyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ:

a) Họp báo, thông cáo báo chí;

b) Phổ biến, hướng dẫn pháp luật trực tiếp; cung cấp thông tin, tài liệu pháp luật;

c) Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; Internet; hệ thống thông tin truyền thông cổ động; đăng tải thông tin pháp luật trên Công báo, cổng thông tin điện tử; niêm yết tại trụ sở, bảng tin của cơ quan, tổ chức, khu dân cư;

d) Tổ chức thi tìm hiểu pháp luật;

đ) Thông qua kết quả công tác điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, công tác xử lý vi phạm hành chính, hoạt động tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, hoạt động trợ giúp pháp lý và hoạt động khác của các cơ quan trong bộ máy Nhà nước để hướng dẫn, tuyên truyền về kỹ năng tham gia giao thông, phòng ngừa tai nạn giao thông;

e) Thông qua hoạt động văn hóa, văn nghệ, sinh hoạt của tổ chức chính trị và các đoàn thể, câu lạc bộ, tủ sách pháp luật và các thiết chế văn hóa khác ở cơ sở;

g) Thông qua chương trình giáo dục pháp luật trong các cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân;

h) Các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật khác phù hợp với từng đối tượng cụ thể mà các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có thể áp dụng để bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đem lại hiệu quả.

3. Bộ Công an, Bộ Thông tin, truyền thông, Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm phối hợp tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ thường xuyên, liên tục, rộng rãi đến toàn dân.

4. Bộ Giáo dục và đào tạo có trách nhiệm lồng ghép pháp luật về trật tự, giao thông đường bộ vào chương trình giảng dạy trong các cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân phù hợp với từng cấp học và ngành nghề đào tạo, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ.

5. Uỷ ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ tại địa phương.

6. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận có trách nhiệm phối hợp với cơ quan hữu quan và chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Vận động tổ chức, cá nhân tham gia và hỗ trợ hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.  

7. Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ cho cán bộ, chiến sĩ, công chức, viên chức, người lao động khác thuộc thẩm quyền quản lý. Đổi mới nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật, đa dạng hóa các hình thức triển khai thực hiện, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với nhu cầu xã hội và từng nhóm đối tượng, địa bàn, lĩnh vực.

Thành viên trong gia đình có trách nhiệm tuyên truyền, giáo dục, nhắc nhở thành viên khác chấp hành pháp luật về giao thông đường bộ.

8. Kinh phí tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ:

a) Kinh phí phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của các cơ quan, tổ chức thụ hưởng ngân sách do ngân sách Nhà nước bảo đảm và huy động từ các nguồn hợp pháp khác;

b) Hằng năm, căn cứ vào nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật của năm sau, cơ quan, tổ chức xây dựng dự toán kinh phí phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và tổng hợp chung vào dự toán ngân sách Nhà nước của cấp mình trình cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước;

c) Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tài trợ, hỗ trợ kinh phí cho hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ theo quy định của pháp luật.

Điều 6. Các hành vi bị nghiêm cấm

1. Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong cơ thể có chất ma túy hoặc các chất kích thích khác mà pháp luật cấm sử dụng.

2. Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

3. Điều khiển xe cơ giới không có giấy phép lái xe theo quy định. Điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ không có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ, bằng hoặc chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng.

4. Điều khiển xe cơ giới chạy quá tốc độ quy định; đi không đúng phần đường, làn đường; tránh, vượt không đúng quy định.

5. Điều khiển xe đi ngược chiều, quay đầu xe, lùi xe trên đường cao tốc và trong hầm đường bộ, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định.

6. Điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy đi vào đường cao tốc, trừ xe phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc.

7. Điều khiển xe ô tô kinh doanh vận tải quá 4 giờ liên tục và quá 10 giờ trong một ngày.

8. Bấm còi, rú ga liên tục; bấm còi trong thời gian từ 22 giờ đến 5 giờ,  bấm còi hơi, sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị và khu đông dân cư, trừ các xe được quyền ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định của Luật này.

9. Đua xe, cổ vũ đua xe, tổ chức đua xe trái phép, lạng lách, đánh võng.

10. Bỏ trốn sau khi gây tai nạn để trốn tránh trách nhiệm.

11. Vận chuyển hàng cấm lưu thông, vận chuyển trái phép hoặc không thực hiện đầy đủ các quy định về vận chuyển hàng nguy hiểm, động vật hoang dã. 

12. Dùng tay sử dụng điện thoại di động khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

13. Giao xe cơ giới, xe máy chuyên dùng cho người không đủ điều kiện để điều khiển xe tham gia giao thông đường bộ.

14. Lắp đặt, sử dụng còi, đèn không đúng thiết kế của nhà sản xuất đối với từng loại xe cơ giới; sử dụng thiết bị âm thanh gây mất trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng; gắn biển số xe cơ giới không đúng vị trí hoặc che, dán toàn bộ hoặc một phần biển số khi tham gia giao thông.

15. Tự ý cắt, hàn, đục lại số khung, số máy; đưa phương tiện đã bị cắt, hàn, đục lại số khung, số máy trái quy định tham gia giao thông.

16. Tẩy xóa, sửa chữa hoặc giả mạo hồ sơ đăng ký xe.

17. Tự ý thay đổi khung, máy, hình dáng, kích thước, đặc tính của xe.

18. Khai báo không đúng sự thật hoặc sử dụng các giấy tờ, tài liệu giả để được cấp lại biển số, Giấy đăng ký xe.

19. Đưa phương tiện giao thông cơ giới đường bộ không có giấy đăng ký xe tham gia giao thông hoặc có nhưng đã hết hạn sử dụng. 

20. Đưa phương tiện giao thông cơ giới đường bộ không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường tham gia giao thông đường bộ.

21. Đặt, để chướng ngại vật trái phép trên đường; ném đinh, rải đinh hoặc vật sắc nhọn khác, đổ dầu nhờn hoặc các chất gây trơn khác trên đường bộ; chăng dây hoặc các vật cản khác qua đường gây nguy hiểm đến người và phương tiện tham gia giao thông.

22. Ném gạch, đất, đá, cát hoặc vật thể khác vào phương tiện đang tham gia giao thông trên đường bộ.

23. Sử dụng lòng đường, lề đường, hè phố trái phép; tụ tập đông người trái phép gây cản trở giao thông.

24. Cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ.

25. Thay đổi, xóa dấu vết hiện trường vụ tai nạn giao thông.

26. Sản xuất, sử dụng, mua, bán trái phép biển số xe cơ giới, xe máy chuyên dùng (trừ trường hợp mua, bán biển số xe trúng đấu giá).

27. Khi có điều kiện mà cố ý không cứu giúp người bị tai nạn giao thông.

28. Xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tài sản của người bị nạn và người gây tai nạn.

 29. Lợi dụng việc xảy ra tai nạn giao thông để hành hung, đe dọa, xúi giục, gây sức ép, làm mất trật tự, cản trở việc xử lý tai nạn giao thông.

30. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp của bản thân hoặc người khác để vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ.

31. Hành vi vi phạm quy tắc giao thông đường bộ, hành vi khác gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.

(Còn tiếp)