Dự thảo Luật Báo chí sửa đổi chặt chẽ hơn

ANTĐ - So với Luật Báo chí hiện hành, dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) do Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT) Nguyễn Bắc Son trình bày trước Quốc hội chiều 4-11 có đến 30 điều xây dựng mới, 29 điều sửa đổi, bổ sung. Đáng chú ý, dự thảo luật quy định chặt chẽ hơn về các tổ chức được thành lập cơ quan báo chí, quyền tác giả trong báo chí.
Dự thảo Luật Báo chí sửa đổi chặt chẽ hơn ảnh 1

Dự thảo Luật Báo chí quy định chặt chẽ hơn về các tổ chức được thành lập cơ quan báo chí, quyền tác giả trong báo chí 

Khẳng định rõ quyền tự do ngôn luận trên báo chí

Về quyền tự do báo chí, trên cơ sở chỉnh sửa Điều 2 Luật Báo chí hiện hành, dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) lần này bổ sung một số quy định mới như: Công dân có quyền tham gia hoạt động báo chí theo quy định của pháp luật và được Nhà nước bảo hộ; nhà báo, công dân có quyền tiếp cận các thông tin mà Nhà nước không cấm theo quy định của pháp luật về tiếp cận thông tin phục vụ cho việc thông tin trên báo chí; công dân có quyền được biểu đạt thông tin; tham gia giám sát, phản biện xã hội trên báo chí; báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in, phát sóng và truyền dẫn trên môi trường mạng.

Dự thảo luật cũng sửa đổi, bổ sung quy định về quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân; trách nhiệm của cơ quan báo chí, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân.

Điểm đáng chú ý khác, dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) quy định người đứng đầu cơ quan báo chí sẽ có chức danh là Tổng giám đốc hoặc Giám đốc thay cho chức danh Tổng biên tập như luật hiện hành. Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan báo chí không được đảm nhiệm các chức danh người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu, Tổng biên tập, Phó Tổng biên tập tại cơ quan báo chí khác.

Đối với nhà báo, dự thảo Luật quy định điều kiện, tiêu chuẩn được xét cấp thẻ nhà báo, trong đó nhấn mạnh đến việc nâng cao trách nhiệm của cơ quan báo chí trong việc đề nghị cấp thẻ nhà báo, bổ sung hành vi cấm gian dối trong việc lập hồ sơ đề nghị cấp thẻ nhà báo. 

Điểm mới nữa là dự thảo luật lần này đã quy định về quyền tác giả trong lĩnh vực báo chí. Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết, thực tế hiện nay, việc vi phạm về quyền tác giả, quyền liên quan trong lĩnh vực báo chí có xu hướng gia tăng, ngày càng phức tạp, nhất là đối với báo chí điện tử. Vì vậy, đưa quy định về quyền tác giả vào luật này là để luật hóa trách nhiệm của cơ quan báo chí và nhà báo trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về bản quyền...

Sẽ sắp xếp, tổ chức lại các cơ quan báo chí

Thẩm tra về dự án luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi cho biết, vẫn còn nhiều nội dung, nhiều quy định trong dự luật chưa rõ hoặc chưa hợp lý. Cụ thể, về mô hình hoạt động và kinh tế của cơ quan báo chí, dự thảo luật quy định mô hình hoạt động của cơ quan báo chí là đơn vị sự nghiệp có thu.

Tuy nhiên, qua giám sát, Ủy ban này nhận thấy, hiện chỉ có 284/845 cơ quan báo chí tự chủ hoàn toàn về tài chính, thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước như các doanh nghiệp thuộc khối văn hóa. Thực tế đó cho thấy hiện còn quá nhiều cơ quan báo chí do các cơ quan Nhà nước thành lập và bao cấp kinh phí hoạt động, làm tăng gánh nặng cho ngân sách Nhà nước. 

“Do vậy, Ủy ban cho rằng, dự thảo Luật cần quy định theo hướng sắp xếp, tổ chức lại hệ thống các cơ quan báo chí, đặc biệt là các cơ quan báo chí của cơ quan, tổ chức hưởng ngân sách Nhà nước nhằm nâng cao chất lượng báo chí và giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước; đồng thời phân loại các cơ quan báo chí và quy định mô hình hoạt động của cơ quan báo chí phù hợp với thực tiễn, làm cơ sở để Chính phủ xây dựng quy hoạch báo chí và có cơ chế tài chính tương ứng với từng loại hình cơ quan báo chí” - ông Đào Trọng Thi nói.