Đủ sức ổn định tỷ giá và phòng ngừa các cú sốc

ANTĐ - Nhu cầu về ngoại tệ tăng cao trong những tháng cuối năm và những tác động có thể đến từ bên ngoài như Nhân dân tệ tiếp tục bị phá giá, lãi suất USD tăng... sẽ gây sức ép lên tỷ giá. Tuy nhiên, đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho rằng, với mức dự trữ ngoại hối hiện tại, Việt Nam có đủ khả năng giữ ổn định tỷ giá và phòng vệ trước các cú sốc. 
Đủ sức ổn định tỷ giá và phòng ngừa các cú sốc ảnh 1

 NHNN tuyên bố đủ sức giữ ổn định tỷ giá VND/USD 

Lãi suất USD có thể tăng 0,75% 

Trong tháng 8, thị trường đã chứng kiến những biến động kinh tế có tính chất toàn cầu đến từ đợt phá giá chưa từng có tiền lệ của đồng Nhân dân tệ và hiệu ứng domino của việc phá giá đối với đồng tiền các nước trong khu vực. Là nước có kim ngạch xuất khẩu lớn (tương đương 80% GDP), Việt Nam không thể tránh khỏi bị ảnh hưởng. NHNN buộc phải điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng, đồng thời nới biên độ giao dịch.

Sau quyết định của NHNN, tỷ giá USD vẫn nổi sóng do yếu tố tâm lý. Phải đến khi NHNN tuyên bố sẽ không có thêm đợt điều chỉnh tỷ giá nào từ nay đến đầu năm 2016, thị trường mới ổn định trở lại. Thông tin từ một số ngân hàng thương mại cho biết, doanh nghiệp có ngoại tệ đã bán USD cho ngân hàng và doanh nghiệp có nhu cầu mua USD cũng không gặp nhiều khó khăn. 

Mặc dù vậy, nhiều ý kiến cho rằng, sức ép với tỷ giá vẫn còn. Theo dự báo của Phòng phân tích Kinh tế và thị trường - Ngân hàng TMCP Kỹ Thương (Techcombank) lãi suất USD có thể tăng so với hiện tại khoảng 0,75% tính đến cuối năm 2015 do kỳ vọng kinh tế Mỹ mạnh lên. 

Lãi suất tăng cũng đồng nghĩa với đồng USD mạnh lên, tạo sức ép lên tỷ giá USD/VND.

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất, thị trường ngoại hối Việt Nam sẽ bị tác động. Cùng quan điểm, các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) đánh giá, nguy cơ đồng Nhân dân tệ tiếp tục bị phá giá hoặc đồng USD tăng mạnh hơn dự kiến vẫn còn.

Trước lo ngại của thị trường, ông Bùi Quốc Dũng - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) khẳng định, mức độ điều chỉnh tỷ giá thời gian qua đã tạo cho tỷ giá VND khả năng linh hoạt trước các diễn biến bất lợi trên thị trường quốc tế và trong nước. NHNN sẵn sàng bán ngoại tệ từ dự trữ ngoại hối khi cần thiết nhằm ổn định thị trường trong biên độ cho phép.

Ông Bùi Quốc Dũng cho biết thêm, theo khuyến nghị của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), mức dự trữ ngoại hối cần thiết giúp quốc gia có đủ khả năng phòng vệ trước các cú sốc đối ngoại là tương đương 3 tháng nhập khẩu trở lên. “Dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện đáp ứng được yêu cầu này. Đây là nguồn lực vật chất đáng kể giúp NHNN ổn định tỷ giá và phòng ngừa các cú sốc tiêu cực trên thị trường ngoại hối”, ông Bùi Quốc Dũng nhấn mạnh.

Tỷ giá sẽ ổn định 

Theo phân tích của các công ty chứng khoán, với kịch bản FED tăng lãi suất ở biên độ không quá lớn (từ 0,5% trở xuống), chính sách tiền tệ trong nước sẽ không có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, nếu thị trường bị tác động bởi yếu tố tâm lý thì dự trữ ngoại hối có thể bị “bào mòn” đáng kể. 

Đánh giá tác động trong trường hợp FED nâng lãi suất, các chuyên viên của Techcombank cho rằng: “Lãi suất USD trong nước có thể chịu tác động tăng lên từ giữa năm sau khi FED tăng lãi suất. Do kỳ vọng kinh tế Mỹ mạnh lên, nhiều đồng tiền đã và sẽ tiếp tục chịu áp lực giảm giá ở mức độ nhất định, kể cả Việt Nam đồng”.

Các chuyên gia cũng dự báo, từ nay đến cuối năm, Trung Quốc có thể phá giá nhẹ thêm đồng Nhân dân tệ, tuy nhiên, các yếu tố này chỉ tạo sức ép nhất định lên tỷ giá. Khả năng giữ ổn định tỷ giá của NHNN là khả quan, bởi nguồn cung USD trong nước đang dồi dào.

Thừa nhận cán cân thanh toán 6 tháng cuối năm có thể thâm hụt do xuất khẩu chưa cải thiện nhiều và tâm lý găm giữ ngoại tệ gia tăng, song theo ông Bùi Quốc Dũng, mức thâm hụt này là nhỏ so với quy mô dự trữ hiện tại (khoảng 37 tỷ USD và 10 tấn vàng). Chính vì vậy, NHNN có đủ khả năng để đáp ứng nhu cầu thực của nền kinh tế, ổn định tỷ giá trong thời gian còn lại của năm và thậm chí trong quý I năm 2016.