Du ngoạn Quan Sơn thưởng thức gỏi cá mè

ANTĐ - Lần đầu tôi đến Quan Sơn (Mỹ Đức, Hà Nội) cũng đã gần 20 năm, ấn tượng của tôi là cảm giác nửa giống như Hạ Long trong đất liền, nửa lại có mây trời cây cỏ giống chùa Hương.

Vẻ đẹp như tranh vẽ trên hồ Quan Sơn, Mỹ Đức
Ảnh: KHÔI TRẦN

Quan Sơn có những vẻ đẹp riêng với những hòn đảo lớn nhỏ giữa trùng điệp sông nước mênh mông, với những cái tên rất thú vị: núi Trâu Trắng, đảo Sư Tử, núi Quai Chèo, đồi Voi Phục... Dù cách Hà Nội không xa, song Quan Sơn gần như là một khu du lịch bị bỏ quên, có lẽ vì quá gần chưa đủ căng tay ga của các tín đồ phượt hay lại quá sát với những khu du lịch nổi tiếng từ lâu đời. Đến với Quan Sơn lần này, tôi được thưởng thức đặc sản gỏi cá mè.

Cú điện thoại của “thổ dân” Quan Sơn vào sớm tinh mơ làm tôi thức giấc với thông tin anh vừa câu được con cá mè ta 3 cân, và hỏi tôi có đến được không để anh còn đi hái lá rừng. Thế là, chuyến đi Quan Sơn của chúng tôi nhanh chóng được lên kế hoạch. Chỉ sau 1 giờ chạy xe, chúng tôi đã len lỏi trong các con đường đẹp như mộng của vùng đất này. Địa điểm đón đã sẵn sàng với tâm trạng háo hức thưởng thức món gỏi cá mè do chính tay những người dân Quan Sơn chế biến.

Món gỏi cá mè Quan Sơn khác hẳn với gỏi cá mè ở Hòa Bình hay ngay bên kia cầu Chương Dương Hà Nội. Toàn bộ cỗ lòng cá cùng buồng trứng được lấy ra, làm sạch xay nát cùng với thịt ba chỉ. Nêm gia vị rồi chưng toàn bộ hỗn hợp này thành món “bổi”. Nhưng để thưởng thức cần tới hơn 10 loại lá rừng và cả lá vườn được hái lúc sáng sớm như lộc vừng, cúc tần, lá chanh, sung, đinh lăng, lá mơ và cần nhất lá đơn cùng vài loại lá theo lời người Quan Sơn là bí mật, chỉ nói tại bàn tiệc và không công bố trên báo. 

Du ngoạn Quan Sơn thưởng thức gỏi cá mè ảnh 2
Phễu lá cuốn gỏi cá mè

Thịt cá mè được lọc xương, thái miếng mỏng trộn thính. Thưởng thức món gỏi cá mè Quan Sơn khá cầu kỳ và rất tốn… rượu. Từng chiếc lá được xếp lại với nhau lần lượt lá to (sung) bên ngoài đến lá nhỏ bên trong. Từng chiếc từng chiếc rồi cuộn lại như chiếc phễu nhỏ, gắp miếng cá trộn thính, bỏ tép tỏi, lát gừng giềng, ớt, miếng xoài xanh. Lúc này mới xúc một thìa “bổi” đổ vào phễu lá, rắc thêm vài hạt lạc rang. Phải cuốn lá thật khéo, thật chặt thì phễu lá mới nhỏ, gọn để có thể cho gọn gàng nguyên cả miếng như thế vào miệng mà thưởng thức. Hàm răng nhai mà lưỡi cay xè vì gừng, giềng, ớt. Vị chát của lá sung, lá lộc vừng, chút đắng của lá cúc tần và hương thơm của lá chanh giao hòa với vị bùi ngậy của “bổi” và lạc rang. Vị chát lá sung nhanh chóng bị lấn át bởi vị bùi của lá đinh lăng và lá đơn. Vị chua của xoài xanh bị cái đắng của cúc tần làm tan biến, chút hăng của tỏi bị lá chanh chinh phục. Không còn nhận ra đâu là cá đâu là lá nữa, chiêu một ngụm rượu nhỏ, mà phải là thứ rượu quê nấu bằng nước giếng ở Quan Sơn. Cảm giác thú vị chợt vỡ òa sau phễu gỏi cá đầu tiên khi tất cả cùng ồ lên “tuyệt vời” rồi những chiếc ly chạm nhau cảm ơn người Quan Sơn đã vất vả lại còn tận tay cuốn cho phễu gỏi cá đầu tiên để mà “học cách ăn”.

Thưởng thức miếng gỏi cá đầu tiên do tay người Quan Sơn cuốn hộ, cả đoàn “phượt ẩm thực” bắt đầu tự tay cuốn lá rừng. Những ngón tay quen vít ga xe máy đổ đèo leo dốc bao cung đường và cũng đã thưởng thức muôn vàn đặc sản ẩm thực các vùng miền nhưng vẫn lóng ngóng khi xếp từng ấy chiếc lá cho đều rồi cuốn lại thành phễu. Chiếc phễu lá đựng “bổi” hơi to nên khó cho gọn vào miệng khiến ánh mắt người Quan Sơn lung linh với nụ cười khoái chí trong men rượu cay. Và rồi, chiếc phễu lá đều hơn, gọn gàng và đẹp hơn dần cũng đã vơi đi bát “bổi” và được tiếp thêm từ bếp lên nóng hổi và thơm lừng. Rồi những cái bắt tay khi tạm biệt để cảm nhận rằng sẽ còn quay lại nơi đây. Ôi chao là tuyệt mỹ ẩm thực gỏi cá mè Quan Sơn!