Dư luận trái chiều xung quanh đề xuất cho F0 làm việc trực tuyến, F1 đi làm trực tiếp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Theo ý kiến của nhiều lãnh đạo doanh nghiệp và chuyên gia, trong bối cảnh F0, F1 quá nhiều, nếu không có phương án phù hợp thì sẽ thiếu lao động, ảnh hưởng đến sản xuất…
Nhiều doanh nghiệp, chuyên gia ủng hộ đề xuất F1 đi làm trực tiếp

Nhiều doanh nghiệp, chuyên gia ủng hộ đề xuất F1 đi làm trực tiếp

Như ANTĐ đã đưa tin, cuối tuần qua, trong báo cáo gửi Chính phủ, Bộ Y tế đã đề xuất về việc cho F0 (người đang dương tính với Covid-19) làm việc trực tuyến nếu tự nguyện và cho phép F1 (người tiếp xúc với F0 và đang trong thời gian cách ly) đi làm trực tiếp nếu tham gia các công việc cấp bách của đơn vị, địa phương…

Thực tế là với số mắc tăng cao trong thời gian gần đây, nhiều cơ quan, đơn vị đặc biệt là khối bệnh viện, cơ sở y tế đã phải cho phép F0 không triệu chứng, chỉ số virus thấp về mức không còn nguy cơ lây nhiễm (CT > 30) đi làm trở lại do thiếu nhân lực. Cũng có nhiều F0 không có triệu chứng tự nguyện tham gia làm việc.

Đề xuất kể trên đang thu hút sự quan tâm của dư luận và có nhiều ý kiến, tranh luận trái chiều. Trong đó, có nhóm ý kiến cho rằng không để người F0 làm việc là vi phạm quyền lợi của họ vì người mắc Covid-19 hiện là người bệnh vẫn đang được xếp vào nhóm bệnh truyền nhiễm.

Hơn nữa, dù là đề xuất người F0 có thể làm việc trực tuyến nếu tự nguyện nhưng khi triển khai có thể sẽ xuất hiện tình trạng một số doanh nghiệp vì quá thiếu lao động mà gây sức ép để các F0 phải có tinh thần tự nguyện làm việc, hoặc bản thân người F0 cũng lo ngại nếu mình không tự nguyện làm việc thì có thể bị đánh giá không cao…

Ngược lại, cũng có rất nhiều ý kiến, không chỉ từ các doanh nghiệp mà từ các chuyên gia y tế, nhà quản lý ủng hộ đề xuất cho F0 làm việc nếu tự nguyện, F1 đi làm trực tiếp.

PGS Trần Đắc Phu, nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế cho biết, nếu người bệnh nhiễm Covid-19 (F0) không có các triệu chứng như sốt, ho, khó thở, đau rát họng…, thì có thể để họ được tự nguyện làm việc với hình thức trực tuyến. Tuy nhiên, đó phải là điều tự nguyện và trong suốt thời gian làm việc phải luôn theo dõi sức khỏe của mình.

Bác sĩ Trần Văn Phúc - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho rằng, việc cách ly F1 và F0 không triệu chứng như quy định hiện hành đang gây lãng phí nguồn nhân lực, nhiều đơn vị đã phải bố trí lại kế hoạch làm việc, những người lao động đi làm phải “gánh” thêm việc của những người khác. Do vậy, nếu tiếp tục áp dụng quy định cách ly hiện nay thì nhiều đơn vị, bệnh viện phải tính đến chuyện đóng cửa do thiếu nhân lực.

Hay theo ông Nguyễn Hồng Dân, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, ông ủng hộ đề xuất cho F1 đi làm bởi trong bối cảnh số F0, F1 tăng quá nhanh như hiện nay, nếu người lao động nghỉ nhiều quá sẽ dẫn đến thiếu lao động ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất.

Ông Dân cho rằng, cơ quan có thẩm quyền nên đưa ra chủ trương chung, còn doanh nghiệp sẽ căn cứ quy mô, phương án sản xuất quyết định cụ thể phù hợp.

Thậm chí, một số ý kiến thẳng thắn chỉ ra, theo quy định thì hiện nay F1 vẫn cách ly 5 ngày nhưng nhiều doanh nghiệp, cơ quan đơn vị vẫn đề nghị F1 phải đi làm việc trực tiếp. Do đó, nếu không quy định việc này như đề xuất của Bộ Y tế thì các doanh nghiệp, cơ quan thực chất đang làm sai quy định của nhà nước, khi có vấn đề gì không may xảy ra thì sẽ phải xử lý trách nhiệm…

Điểm chung là các ý kiến đều thống nhất cho rằng, đã đến lúc cần nới lỏng quy định về cách ly F0, F1 nhưng không được chủ quan. PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh, các F0, F1 đi làm nhưng phải thực hiện 5K tối đa, để kiểm soát sự lây nhiễm, giảm sự lây nhiễm trong cộng đồng. Nếu có triệu chứng cần xét nghiệm ngay và cần có những biện pháp điều trị, cách li phù hợp.