Dư luận chỉ trích, ‘‘người nhà” phản đối hành xử phi lý của Trung Quốc ở biển Đông

ANTĐ - Kể từ vài tháng nay, đặc biệt trong thời gian gần đây, biển Đông - nơi đang có tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc với 4 nước ASEAN liên tục cuộn sóng dữ dội bởi một số hành động của Trung Quốc. Những động thái gây hấn của Trung Quốc về chính trị, ngoại giao, quân sự và kinh tế đã và đang làm cho dư luận quốc tế chỉ trích mạnh mẽ.

Nói một đằng, làm một nẻo

Đáng lưu ý nhất là việc mới đây, Trung Quốc đã cho thành lập cơ quan quân sự ở nơi mà họ gọi là “thành phố Tam Sa”, đặt một lữ đoàn tên lửa mới ở Quảng Đông và tổ chức diễn tập cho các tàu hải giám tại biển Đông. Những hành động nói trên của Trung Quốc khiến cho dư luận cho rằng việc giải quyết tranh chấp chủ quyền biển Đông bằng con đường hòa bình là cách “nói một đằng, làm một nẻo”. 

Trong cuộc phỏng vấn đăng trên báo Philippines Daily Inquirer ngày 23-7, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin khẳng định xem xét các hành động gần đây của Trung Quốc, những người quan tâm sẽ thấy chúng không giống những gì nước này thường tuyên bố về biển Đông. 

Báo chí Philippines ngày 6-7 đưa tin Chính phủ nước này đã gửi công hàm phải đối Trung Quốc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” bao trùm gần như toàn bộ biển Đông và phần lớn thềm lục địa, lãnh hải của Philippines, trong đó bao gồm quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, bãi Macclesfield và bãi cạn Scarborough cùng vùng biển xung quanh trên biển Đông. 

Các hành động khiêu khích liên tục của Trung Quốc gần đây khiến tình hình trở nên nóng hơn bao giờ hết, và đang làm cho cộng đồng quốc tế thực sự lo ngại về hòa bình, ổn định và an toàn vận tải hàng hải trên Biển Đông, một trong hai vùng biển “nóng” nhất hiện nay (cùng với eo biển Hormuz trên vịnh Persian). Mạng Strafor của Mỹ ngày 29-6 đã vạch rõ tham vọng của Trung Quốc thông qua hành động gọi thầu quốc tế của CNOOC, một trong ba tập đoàn năng lượng nhà nước lớn nhất của Trung Quốc hiện nay. 

Có thể thấy hầu hết báo giới nước ngoài đều nhận định cách hành xử của Trung Quốc ở biển Đông gây ra sự lo ngại sâu sắc của công luận về hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông nói riêng, Đông Nam Á, Đông Á và châu Á - Thái Bình Dương nói chung và châm ngòi cho những phản ứng mạnh mẽ của các nước liên quan. 

Lên mặt trăng để khẳng định chủ quyền?

Trước việc người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc thường xuyên và liên tục cáo buộc, thậm chí dọa nạt Philippines kể từ sau khi xảy ra căng thẳng trên bãi cạn Scarborough, Manila đã tỏ ra rất kiềm chế. Tuy nhiên, ngày 4-7 khi trả lời báo giới về phản ứng trước các bình luận, cáo buộc hàng ngày của phía Trung Quốc cho rằng Philippines cố tình khuấy động căng thẳng trên biển Đông, người phát ngôn Phủ Tổng thống Philippines, ông Edwin Lacierda, một người gốc Hoa dùng chính tiếng Trung Quốc nói: “Trung Quốc hãy cẩn thận về những tuyên bố của quý vị!”. Đây là những động thái ngoại giao khá hiếm gặp khi nước này bảo nước kia phải “ăn nói cẩn thận” hay “thận trọng trong phát ngôn và hành động”, đặc biệt là giữa lúc căng thẳng Philippines-Trung Quốc đang leo thang.

Những hành xử của Trung Quốc tại biển Đông trong thời gian vừa qua được dư luận thế giới cho rằng đó là cách hành xử kiểu “lớn tiếng”, hung hăng thậm chí còn hết sức hài hước. Chủ tịch Thượng viện Philippines Juan Ponce Enrile được nhật báo Inquirer của Philippines dẫn lời nói rằng việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với bãi đá ngầm Scarborough ở biển Đông là "đuối lý" - “Họ biện minh thế nào cho việc chiếm khu vực này? Rằng chim của họ đã bay tới đó à? Hay là họ đã đánh dấu một số con cá và ra lệnh cho chúng bơi đến đó?" - ông Juan Ponce Enrile chất vấn. Enrile khẳng định thật vô lý nếu Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với một hòn đảo hoặc các khu vực thuộc về một quốc gia khác "chỉ vì những con chim của họ đã di cư tới đó”. Nói đến việc gần đây Trung Quốc phóng tàu vũ trụ Thần Châu-9 chở theo 3 nhà du hành vũ trụ, Chủ tịch Thượng viện Philippines nói ông sẽ không ngạc nhiên nếu mai mốt các tài liệu của Trung Quốc được tìm thấy trên sao Hỏa, sao Kim hay Mặt trăng, và Trung Quốc sẽ tuyên bố chủ quyền với các hành tinh này cũng như mặt trăng.

Báo Business World Online (Philippines) bình luận: “Trung Quốc bực bội khi Philippines đứng lên bảo vệ lãnh thổ trên biển Đông của mình. Căng thẳng xuất phát từ bản đồ chín đoạn (mà Trung Quốc tự vẽ) vi phạm đặc quyền kinh tế 200 hải lý của các quốc gia”. Báo này nhận định Bắc Kinh đang chơi lá bài chiến tranh để thống nhất xã hội đang bị chia rẽ bởi các vấn đề chính trị, xã hội, kinh tế và văn hóa hiện nay. Trên báo mạng Asia Times, chuyên gia Roberto Tofani nhận định chính sách ngoại giao Trung Quốc đang “trở thành con tin” của những quan chức “diều hâu” trong quân đội.

Theo giới phân tích quốc tế, suy thoái kinh tế toàn cầu và khủng hoảng nợ công châu Âu đang tác động mạnh tới Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Để đáp ứng nhu cầu phát triển, Bắc Kinh phải cần đến nguồn năng lượng khổng lồ. Đây chính là điều thôi thúc Trung Quốc phải đẩy mạnh tham vọng đối với nguồn tài nguyên dầu khí ở biển Đông. Người ta vẫn chưa chắc chắn về trữ lượng dầu và khí sẽ tìm thấy tại biển Đông. Theo số liệu của BP Statistical Review, trữ lượng dầu mỏ ở biển Đông có thể thỏa mãn nhu cầu dầu mỏ Trung Quốc trong 60 năm tới ở mức độ sử dụng của nước này như hiện nay. Tạp chí này nhận xét, con số dầu mỏ biển Đông vượt qua mọi trữ lượng đã được thăm dò của bất kỳ quốc gia nào, trừ của Saudi Arabia và Venezuela. Nhận xét này tất nhiên hợp với “khẩu vị” của một số tập đoàn lợi ích ở Trung Quốc. Vì trữ lượng càng lớn càng biện minh cho chủ trương cưỡng chiếm biển Đông. Chưa biết khai thác thực tế sẽ được bao nhiêu dầu mỏ, nhưng trước mắt những khoản kinh phí đầu tư cho chiến hạm, tàu chấp pháp, giàn khoan “khủng”… đã được rót vào các dự án.

Song không có nghĩa là để thỏa mãn nhu cầu dầu mỏ, Trung Quốc có thể “đòi hỏi chủ quyền” ở những vùng thuộc chủ quyền rành rành của các quốc gia khác bằng những “bản đồ tự vẽ”, “bản đồ không có thật”.

“Người nhà” cũng phản đối

Trước những động thái mới của chính quyền Trung Quốc như tuyên bố thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa”, cho Công ty Dầu lửa Hải Dương (CNOOC) mời thầu quốc tế 9 lô nằm hoàn toàn trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam, học giả Lý Lệnh Hoa - Nghiên cứu viên Trung tâm Thông tin Hải dương Trung Quốc, tác giả của hơn 90 bài báo về vấn đề biển và luật biển đăng trên các báo chí Trung Quốc, đã tiếp tục bày tỏ quan điểm của mình trên diễn đàn mạng Sina.com. Trong bài viết mới nhất nhan đề “Về bản đồ biên giới 200 hải lý trên Nam Hải (Biển Đông) vẽ theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982”, được đưa lên mạng lúc 19h48’ ngày 3-7-2012, ông đã công bố một bức bản đồ phân định Vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý (EEZ) liên quan đến các nước xung quanh biển Đông, trong đó thể hiện rõ các khu vực mà Trung Quốc đang đòi chủ quyền theo cái gọi là “Đường biên giới 9 đoạn” hoàn toàn nằm trong Vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam. 

Nhiều học giả Trung Quốc khác cũng vạch rõ con đường tự vẽ trên giấy này vô căn cứ. Điều này có thể thấy rõ tại hội thảo “Chủ quyền quốc gia và quy tắc quốc tế” do Viện Nghiên cứu kinh tế và báo mạng Tân Lãng (sina.com.cn), Trung Quốc tổ chức vào tháng 6-2012. Tại hội thảo này, Giáo sư Thịnh Hồng thuộc ĐH Sơn Đông thừa nhận một thực tế: quan điểm về chủ quyền lãnh thổ của người Trung Quốc là có “lệch lạc”. Giáo sư Lý Lệnh Hoa thuộc Trung tâm Tin tức Hải dương Trung Quốc cho biết rất nhiều học giả Trung Quốc từng khẳng định “đường 9 đoạn” là bản đồ không có thật bởi theo ông, “đường 9 đoạn” này do Trung Quốc tự vẽ ra, không hề có kinh độ, vĩ độ cụ thể, cũng không có chứng cứ pháp lý. 

Còn Giáo sư Trương Kỳ Phạm, Học viện Pháp luật, Đại học Bắc Kinh khẳng định: “Đường 9 đoạn” là một vết chàm trong văn hóa Trung Quốc”.

Philippines hiện đại hóa lực lượng vũ trang

Theo báo Asia Times, vào tháng tới Philippines sẽ đấu thầu các dự án tăng cường vũ trang trị giá khoảng 70 tỉ peso (1,8 tỉ USD). Đây là bước đầu tiên trong chiến dịch hiện đại hóa lực lượng vũ trang Philippines (AFP) trong vòng 5 năm tới với tổng đầu tư dự kiến lên đến 500 tỉ peso (gần 12 tỉ USD). Manila sẽ mời thầu 138 hợp đồng mua vũ khí mới cho không quân và hải quân, bao gồm máy bay chiến đấu, trực thăng tấn công, máy bay tuần tra đường dài, tàu chiến, rađa phòng không và một số loại vũ khí hiện đại khác nhằm tăng sức mạnh phòng vệ trên biển và trên đất liền.

Trước đó, AFP đã ký hợp đồng mua 8 trực thăng tấn công Sokol mới từ Tập đoàn vũ khí Ba Lan PZL-Swidnik SA, và đến nay đã tiếp nhận 4 chiếc. Đây là loại trực thăng có khả năng chở 12 binh sĩ, mang theo các loại vũ khí như đại bác, súng máy, tên lửa không đối không... AFP cũng sẽ mua một số máy bay F-16, SAA, LIFT, TA-50... Hải quân Philippines cũng đang xem xét mua tên lửa chống tàu như tên lửa Harpoon của Mỹ và dự kiến sẽ mua một tàu ngầm vào năm 2020. Theo chiến lược quốc phòng mới, AFP sẽ chuyển từ mục tiêu chống phiến quân ly khai sang chống kẻ thù ngoại xâm.