Du lịch Việt Nam cần những sáng tạo

ANTĐ - Những hình ảnh đẹp ngỡ ngàng về những thắng cảnh của Việt Nam trong clip “Welcome to Vietnam” do Bộ Ngoại giao thực hiện trong những ngày qua đã gây được ấn tượng tốt trong cộng đồng mạng. Tuy nhiên, điều này đặt ra câu hỏi, tại sao đến thời điểm này du lịch Việt Nam mới tung ra những hình ảnh chất lượng và đáng xem đến vậy?
Du lịch Việt Nam cần những sáng tạo ảnh 1

Nhìn những hình ảnh này, không ai lại không muốn “xách ba lô lên và đi”

Tại sao không phải người Việt làm?

Đoạn clip dài hơn 7 phút với việc tái hiện rất nhiều địa danh, cảnh đẹp của đất nước bằng công nghệ flycam đã khiến không chỉ những người dân trong nước mà  bạn bè thế giới đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Từ đỉnh Fansipan, cột cờ Lũng Cú - Hà Giang, thác Bản Giốc hùng vĩ, Thủ đô Hà Nội cổ kính với Văn Miếu - Quốc Tử Giám đến Phong Nha - Kẻ Bàng, cố đô Huế, Hội An, di tích Mỹ Sơn… những địa danh tưởng chừng như quen thuộc lại xuất hiện một cách tuyệt vời và giàu cảm xúc đến vậy.

Lâu lắm mới có một clip về du lịch Việt Nam được quảng bá rầm rộ đến vậy mà khi ra đời nó đã lan truyền rất nhanh trên cộng đồng mạng. Một điểm cộng nữa là không chỉ bằng tiếng Việt, “Welcome to Vietnam” còn có tới 9 ngôn ngữ khác nhau, tức là người dân ở nhiều quốc gia trên thế giới sẽ có cơ hội được nhìn ngắm, chiêm ngưỡng hình ảnh giang sơn gấm vóc Việt Nam. 

Tuy nhiên, khi xem đoạn clip này làm nhiều người nhớ đến trước đây trên mạng đã xuất hiện nhiều clip về du lịch Việt Nam do du khách nước ngoài ghi lại đã gây ấn tượng bởi sự thú vị và cuốn hút. Tháng 5-2015, một đoạn clip của “phượt thủ” người Italy Oliver Astrologo ghi lại những trải nghiệm thực tế, từ lân la các quán vỉa hè Hà Nội, thả đèn hoa đăng trên sông Hương cho đến đi thuyền trên sông Mê Kông… Những trải nghiệm này được gói gọn trong 2 tuần và toàn bộ ý tưởng do anh thực hiện.

Tiếp nữa, hình ảnh clip du lịch 45 ngày ở Việt Nam của 2 du khách Nga cũng để lại ấn tượng bởi tính chân thực, sống động. Còn nhớ, đoạn video quảng cáo du lịch Nha Trang đã gây sốt cộng đồng mạng vào năm 2012 khi giới thiệu toàn bộ hình ảnh hấp dẫn, sinh động của thành phố biển xinh đẹp này. Đây là  sản phẩm của một công ty lữ hành Hàn Quốc Hana Tour. Câu hỏi đặt ra là du lịch Việt Nam hấp dẫn, mời gọi như vậy nhưng tại sao phải nhờ bàn tay của những người bạn nước ngoài mới được phát lộ?

Phá vỡ lối mòn 

Malaysia từng chi 1 triệu USD làm clip quảng bá cho thông điệp của ngành du lịch “Truly Asia”. Và tính trên tổng ngân sách đầu tư cho du lịch mỗi năm thì Việt Nam cũng thua rất xa so với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, nếu nhìn vào những ví dụ trên cho thấy, bài toán kinh phí không phải là “bức tường thành” trong hoạt động đầu tư, xúc tiến du lịch. Nút thắt ở đây là ý tưởng.

Nếu không Thái Lan làm sao có thể quảng cáo du lịch bằng thông điệp ngược “Never go to Thailand” (Đừng bao giờ đến Thái Lan) nổi tiếng thế giới. Tổng cục Du lịch Hàn Quốc cũng dựa vào chính nguồn lực của họ, đó chính là các ngôi sao của làn sóng Hallyu – những ngôi sao Hàn Quốc được thần tượng trên khắp thế giới, tham gia vào các clip quảng bá du lịch để du khách có thể biết đến du lịch xứ sở Kim chi. 

TS. Nguyễn Thu Hạnh, Chủ tịch Liên hiệp Khoa học phát triển Du lịch bền vững (STDe) nhận định,  du lịch Việt Nam tiềm năng nhưng không đắt khách là do rào cản về tư duy nhận thức. So với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á như Singapore, Malaysia hay Thái Lan, mặc dù tài nguyên đa dạng, phong phú hơn nhưng Việt Nam vẫn chạy theo lối mòn, không có được con đường sáng tạo của riêng mình.

Có lẽ, điều khiến các clip du lịch dễ thành công chính là việc đưa ra những cái mà người đi du lịch muốn xem, khơi gợi cảm xúc và cảm nhận, mà bao quát được tính cách, đặc trưng của nền du lịch. Đà Nẵng - thành phố sôi động, đáng yêu và đáng sống, Nha Trang giàu có về tài nguyên biển, Huế có trầm tích cố đô hay Hà Nội là giá trị văn hóa - lịch sử đậm đặc…, chẳng phải đó là những gì ta nhìn thấy trong clip “Welcome to Vietnam” đó sao? Đáng tiếc, cái chúng ta thiếu vẫn chỉ là chưa dám làm.