Du lịch Việt đổi mới để phục hồi

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Dịch bệnh và những hệ lụy của nó đã khiến ngành du lịch toàn thế giới “rơi tự do” gần như ở mức chạm đáy. Dù 2 lần liên tiếp thành công trong việc kiểm soát dịch, tránh lây nhiễm cộng đồng, nhưng ngành du lịch Việt Nam vẫn không thể nằm ngoài làn sóng khủng hoảng Covid-19. 1/3 các doanh nghiệp lữ hành vừa và nhỏ đã không trụ nổi phải tuyên bố phá sản, số còn lại để tồn tại buộc phải thích nghi và tìm hướng đi mới…

Hướng đi hiện nay được nhiều địa phương có tiềm năng du lịch cũng như các doanh nghiệp lữ hành đồng loạt triển khai ngoài việc công bố các gói kích cầu, ký kết hợp tác, còn có nhiều sản phẩm du lịch được thử nghiệm, nhiều tour tuyến mới được hình thành… Những địa phương vốn xưa nay rụt rè quảng bá hình ảnh thì Covid-19 như một cú hích để mạnh dạn hơn trong việc đầu tư, quảng bá, làm mới mình và xác định du lịch như một hướng đi tiềm năng và bền vững.

Chùa Bái Đính (Ninh Bình) - điểm tham quan trong tour “Đêm trước dời đô”

Chùa Bái Đính (Ninh Bình) - điểm tham quan trong tour “Đêm trước dời đô”

Làm mới các điểm đến cũ

Trước kia, điểm đến quen thuộc của khách du lịch Hà Nội thường là Văn Miếu, Hoàng thành Thăng Long, phố cổ, những ngôi chùa cổ hay những ngôi làng ven đô như Đường Lâm, Cự Đà hoặc xa hơn như Sóc Sơn, Sơn Tây, Ba Vì… Hiện tại, cùng với các sản phẩm truyền thống, nhiều doanh nghiệp lữ hành đã xây dựng thêm các tour “độc”, lạ, mang chiều sâu văn hóa lịch sử Thăng Long - Hà Nội. Có nghĩa, nó vẫn là những điểm đến truyền thống nhưng mới mẻ, đó chính là khai thác sâu hơn yếu tố lịch sử, để du khách có thể trải nghiệm nhiều hơn, hiểu hơn về giá trị cũng như ý nghĩa của di sản.

Là một di tích lịch sử quan trọng bậc nhất Hà Nội, đây cũng là nơi thu hút sự quan tâm của du khách nước ngoài, khi dịch bệnh bùng phát, cách ly xã hội, đóng cửa các đường bay trên thế giới, khu di tích Nhà tù Hỏa Lò gần như không có khách tham quan. Trong thời điểm khó khăn đó, Di tích nhà tù Hỏa Lò tung ra tour khám phá đêm. Mỗi tour khám phá Hỏa Lò về đêm sẽ có thời lượng 45 phút, đưa du khách trở về quá khứ qua hành trình tham quan, nghe thuyết minh về kiến trúc nhà tù cùng các câu chuyện xúc động về cuộc đấu tranh của các tù nhân chính trị. Hành trình bao gồm: cổng chính, trại giam nam tù tập thể, trại giam nam tù chính trị, ngục tối, cây bàng, các cửa cống ngầm, trại giam nữ tù chính trị, máy chém, xà lim tử hình dành cho tử tù và đài tưởng niệm. Đặc biệt, di tích sẽ mở chương trình thuyết minh kết hợp giữa âm thanh và ánh sáng, đánh thức mọi giác quan, cảm xúc của du khách. Sau một thời gian hoạt động, tour đêm đã trở thành điểm đến thú vị. Và đó như một hướng khai thác tiềm năng còn ẩn trong mỗi di tích, như một thứ gia vị để “chế biến” các nguyên liệu vốn sẵn có trở thành đặc sản trên mỗi bàn tiệc để đãi du khách.

Để chuẩn bị đón đầu cho mùa du lịch cuối năm 2020, bên cạnh việc tổ chức các sự kiện du lịch, Hà Nội đang chủ động xây dựng sản phẩm mới mang tính đặc trưng. Hiện tại Sở Du lịch Hà Nội đã tổ chức nhiều đoàn khảo sát, xây dựng sản phẩm mới Sơn Tây, Ba Vì, Mỹ Đức, Sóc Sơn, Gia Lâm... Nhiều dịch vụ du lịch được khởi động lại, tăng tính trải nghiệm cho du khách. Hà Nội cũng có nhiều các hoạt động hợp tác kết nối điểm đến với các tỉnh vùng Tây Bắc, Đông Bắc, các địa phương lân cận như Hưng Yên, Bắc Ninh, Ninh Bình… để có thêm những sản phẩm kết nối thú vị phục vụ du khách.

Chưa áp dụng đại trà, mới chỉ dừng ở mức thử nghiệm song tour “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” đang nhận được phản hồi tích cực từ du khách cũng như những người được mời trải nghiệm. Tham gia “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” du khách được phát mỗi người một phiếu in 9 ô trống, 8 ô tương ứng với 8 câu trả lời về các di tích, cổ vật thuộc các thời kỳ Lý, Trần và Lê. Ô cuối là xác nhận của Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội cho khách đã “giải mã” thành công. Du khách sẽ được nghe những câu chuyện lịch sử, phân biệt sự khác nhau của từng thời kỳ thông qua trò chơi giải mã. Đây là một trải nghiệm có tính giáo dục cao, thử thách người tham gia trong thời gian ngắn ghi nhớ thông tin của 1.300 năm về các triều đại. Tour “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” cũng sẽ là một trong những sản phẩm mới góp phần phát triển kinh tế đêm trong thời gian tới của Hà Nội. Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ kết hợp với Ninh Bình, Quảng Ninh để xây dựng tour 4 ngày 3 đêm, kết nối các di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long - Tràng An và vịnh Hạ Long. Chương trình sẽ có mức giá rẻ nhất từ trước tới nay và dịch vụ đều theo chuẩn 4-5 sao.

Để chuẩn bị đón đầu cho mùa du lịch cuối năm 2020, bên cạnh việc tổ chức các sự kiện du lịch, Hà Nội đang chủ động xây dựng sản phẩm mới mang tính đặc trưng. Hiện tại Sở Du lịch Hà Nội đã tổ chức nhiều đoàn khảo sát, xây dựng sản phẩm mới Sơn Tây, Ba Vì, Mỹ Đức, Sóc Sơn, Gia Lâm... Nhiều dịch vụ du lịch được khởi động lại, tăng tính trải nghiệm cho du khách, điển hình như sản phẩm “Hà Nội City tour” khám phá Hà Nội trên xe buýt 2 tầng, khám phá Vườn quốc gia Ba Vì… Với vị thế của một thủ đô, cũng là một trong những thành phố di sản, trong thời gian gần đây, Hà Nội có nhiều các hoạt động hợp tác kết nối điểm đến với các tỉnh vùng Tây Bắc, Đông Bắc, các địa phương lân cận như Hưng Yên, Bắc Ninh, Ninh Bình… để có thêm những sản phẩm kết nối thú vị phục vụ du khách.

Tour “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” nhận được phản hồi tích cực từ du khách

Tour “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” nhận được phản hồi tích cực từ du khách

“Đêm trước dời đô” kết nối 2 kinh đô cổ

Mới đây, Công ty Lữ hành Hanoitourist phối hợp cùng Sở Du lịch Ninh Bình tung ra tour “Đêm trước dời đô” mang đến cho du khách trải nghiệm, tìm hiểu quá trình vua Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về Đại La (Hà Nội) hơn 1.000 năm trước đồng thời kết nối 2 điểm đến là 2 kinh đô cổ Ninh Bình - Hà Nội. Dựa trên nền tảng tour truyền thống, “Đêm trước dời đô” dự kiến bắt đầu vào buổi chiều. Theo đó, du khách sẽ đi thuyền khám phá danh thắng Tràng An trong ánh hoàng hôn, sau đó tham gia các nghi lễ, hoạt cảnh tái hiện giây phút vua Lý Công Uẩn xuống thuyền ra Đại La. Màn đêm buông xuống cũng là lúc ánh đèn, nến tỏa sáng lung linh tại khu vực bến thuyền và một đoạn sông Sào Khê - nơi thuyền vua từng qua. Sau khi kết thúc các nghi lễ, du khách sẽ tham quan chùa Bái Đính về đêm và thưởng thức ẩm thực đặc trưng của Ninh Bình. Ngày hôm sau, du khách tham quan cố đô Hoa Lư và Nhà trưng bày Di sản văn hóa thời Đinh - Tiền Lê, nơi bảo quản những dấu tích của các cung điện, đền đài không còn tồn tại trên mặt đất và xem các đoạn phim ngắn để hình dung rõ hơn về kinh đô Hoa Lư xưa. Tiếp đó, du khách sẽ check-in tại cầu Đông - nơi quan lại thường qua để vào thiết triều và là nơi giao thương sầm uất của kinh đô Hoa Lư xưa. Sau đó, du khách sẽ về Hà Nội, tiếp tục tìm hiểu, khám phá Khu di tích Hoàng thành Thăng Long.

Ông Bùi Văn Mạnh - Phó Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình cho rằng: “Đêm trước dời đô” hứa hẹn là sản phẩm hấp dẫn, góp phần tăng mối liên kết giữa Ninh Bình và Hà Nội. Đây là sản phẩm đòi hỏi sự đầu tư bài bản, nghiêm túc. Trong quá trình làm, các doanh nghiệp có thể còn điều chỉnh nội dung, hình thức cho phù hợp để thu hút du khách. “Bên cạnh mục tiêu đưa đến cho du khách một tour trải nghiệm độc đáo, chúng tôi cũng phải tính toán để sản phẩm có sức sống lâu dài trên thị trường. Sau dịp kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội, “Đêm trước dời đô” sẽ được đầu tư bài bản hơn để khai thác tối đa các giá trị di sản cũng như nền kinh tế đêm nhằm mang lại lợi nhuận và nguồn thu cho địa phương”, ông Phùng Quang Thắng - Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist cho biết.

Cơ hội để nhìn lại

Trong khoảng 4 năm, từ 2016 đến 2019, du lịch Việt Nam có những bước tiến nhanh bất ngờ, bất ngờ với cả những người có kinh nghiệm lâu năm trong ngành du lịch. Khi đó, chúng tôi cũng đã bảo với nhau rằng, bao giờ thì sự phát triển này dừng lại? Và rồi dịch Covid-19 ập đến. Sự phát triển của du lịch Việt không nằm ngoài cơn khủng hoảng, nhưng đó cũng là cơ hội để chúng ta có thể nhìn lại toàn bộ quá trình phát triển nhanh thời gian qua. Năm 2019, ngành du lịch Việt Nam đón xấp xỉ 18 triệu lượt khách quốc tế, 85 triệu lượt khách nội địa, doanh thu 755 nghìn tỷ đồng, GDP xấp xỉ 10%. Du lịch thời điểm đó thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn. Nhiều địa phương như Huế hay TP Hồ Chí Minh coi du lịch như nguồn sống. Đến năm 2020, cả thế giới “choáng” vì dịch Covid-19, ban đầu người ta không nhận định được hết mức độ nguy hiểm và hậu quả ghê gớm của nó. Có cố hết sức để kích cầu thì lượng khách cũng chỉ đạt được 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, sau những lần kiểm soát và dập dịch thành công, ngành du lịch cũng gắng gượng dậy được với sự gia tăng khách nội địa. Cũng rất đáng tự hào khi du lịch là một trong những ngành đầu tiên khôi phục được và cũng nhìn vào đó để thấy, du lịch có vị trí quan trọng thế nào trong nền kinh tế quốc dân.

Hy vọng sau đợt dịch này, các địa phương sẽ tích cực phục hồi, nhưng làm gì thì làm phải cố giữ gìn lực lượng lao động, đảm bảo sớm phụ hồi khi có cơ hội. 1/3 doanh nghiệp du lịch đã tan vỡ, số còn lại hoạt động cầm chừng. Qua đó có thể thấy rõ, doanh nghiệp nào đủ sức chèo chống, doanh nghiệp nào không, chứ lúc phát triển ầm ầm không nhận ra được ai giỏi, ai kém. Bây giờ, doanh nghiệp nào đứng vững, tìm được hướng đi mới để phát triển thì đó mới chính là nòng cốt cho tương lai. Mặt tích cực của Covid-19 là làm cho mọi người phải nhìn lại. Hình thức kinh doanh cũ đã thay đổi, người bán hàng không cần phải gặp người mua, doanh nghiệp cũng không cần phải làm việc trực tiếp với du khách. Tất cả đều có thể gặp nhau qua công nghệ số. Vì thế, chúng tôi mới phát động chuyển đổi số, quản lý bằng kinh tế số. Điều này khắc phục được cả việc thiếu nguồn lực hoặc trong điều kiện dịch bệnh vẫn có thể giao tiếp với du khách, vẫn có thể quảng bá xúc tiến bằng kỹ năng số. Đó là xu thế tất yếu. Nếu chúng ta không nhanh nắm bắt sẽ lạc hậu và mất đi những khách hàng tiềm năng.

Ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam