Du lịch tù mù khó “cất cánh”

ANTĐ - Vài năm trở lại đây, du lịch Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể, khi số lượng du khách đến Việt Nam tăng mạnh sau mỗi mùa du lịch. Thế nhưng, có một sự thật hiển nhiên tồn tại, tiềm năng thì nhiều, nhưng khai thác và phát huy lại không được bao nhiêu.

Khách du lịch nước ngoài luôn phải tự tìm hiểu về văn hóa Việt Nam khi bảo tàng còn thiếu hướng dẫn viên

Bỏ ngỏ đội ngũ hướng dẫn viên

Tài sản đầu tiên mà ngành du lịch đang bỏ quên, hay nói đúng hơn là nhìn thấy rồi, mà không biết khai thác thế nào chính là hệ thống bảo tàng, di tích nơi lưu giữ những di sản vô giá. Hiện, Việt Nam có 134 bảo tàng cấp quốc gia và cấp tỉnh. Thực tế, số lượng khách du lịch đến Việt Nam thường bỏ “quên” không thăm bảo tàng, vì lẽ bảo tàng chưa trở thành điểm đến, điểm dừng chân quen thuộc của du khách và chưa đóng vai trò là “địa chỉ đỏ” trong hệ thống tour của các công ty du lịch, lữ hành. Đó cũng là một trong những chủ đề chính của Hội nghị “Bàn về liên kết giữa văn hóa, thể thao với du lịch nhằm quảng bá hình ảnh đất nước, con người và sản phẩm du lịch Việt Nam” vừa diễn ra vào hôm qua 22-11.

Tại hội nghị, các đại biểu đã đưa ra nhiều phân tích về nguyên nhân, sự yếu kém trong khai thác tiềm năng bảo tàng, di tích để phục vụ phát triển du lịch. Theo đó, nguyên nhân thì vô vàn, ví như tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam, dù chỉ mới thành lập từ tháng 9-2011 đến nay đã nhanh chóng trở thành một địa chỉ thu hút du khách trong và ngoài nước. Riêng 10 tháng năm 2012, Bảo tàng đã đón hơn 60.000 lượt khách tham quan, trong số đó có tới hơn 10.000 lượt khách nước ngoài. Thế nhưng, ít ai biết rằng, tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia chỉ có vỏn vẹn 3 cán bộ hướng dẫn tiếng nước ngoài (2 hướng dẫn viên tiếng Anh và 1 hướng dẫn viên tiếng Pháp). Bởi vậy, phần lớn công tác hướng dẫn du khách nước ngoài đều do hướng dẫn viên du lịch của các công ty khai thác dịch vụ lữ hành đảm nhiệm.

Theo lời giải thích của bà Nguyễn Thị Thu Hoan, Phó Trưởng phòng Giáo dục, Công chúng - Bảo tàng Lịch sử quốc gia, thực trạng đó xuất phát từ đòi hỏi, người hướng dẫn phải vừa am hiểu nội dung trưng bày, vừa phải có đủ khả năng chuyển ngữ với một lượng thuật ngữ chuyên ngành khá lớn… Trong khi, phần lớn các bảo tàng bỏ ngỏ việc xây dựng, bổ sung đội ngũ hướng dẫn viên có đủ trình độ. Thay vào đó, các bảo tàng đã tận dụng tối đa hướng dẫn viên của các công ty lữ hành, những người ít có điều kiện, cơ hội trang bị kiến thức về nội dung trưng bày. Hệ thống thuyết minh tự động của bảo tàng thì luôn trong tình trạng… đang được hoàn thiện. Hệ quả là các du khách nước ngoài chưa được hưởng dịch vụ du lịch tốt nhất. Đó là nguyên nhân, một lượng lớn du khách nước ngoài đã đến một lần, quyết không quay lại.

Thay đổi phải từ nhiều phía

Hệ thống bảo tàng tại Việt Nam  đang nỗ lực thay đổi để thu hút du khách. Song, sự cố gắng chỉ đến từ một phía sẽ không phải là giải pháp tối ưu để du lịch cất cánh. Ông Vũ Ngoạn Hợp - Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho rằng, phát triển được thì một mặt ngành văn hóa tự chuyển mình, mặt khác, ngành du lịch cần đem đến cho du khách những sản phẩm tốt nhất. Những người làm văn hóa không thể thay đổi kiểu tù mù mà còn cần những ý kiến góp ý của các công ty lữ hành, những người nắm rõ đòi hỏi, yêu cầu của du khách. Đánh giá về chất lượng du lịch nước nhà hiện nay, ông Hợp cho rằng mặc dù chúng ta đã có những sản phẩm khai thác du lịch văn hóa nhưng đó mới chỉ là “lạ hơn hay”. 

Qua hội nghị, nhiều ý kiến đã chỉ rõ những điểm yếu kém của du lịch Việt Nam. Đó là những ý kiến thẳng thắn dám nói lên sự thật tồn tại bao nhiêu năm qua. Giải pháp liên kết giữa văn hóa và du lịch đương nhiên là một liều thuốc hữu hiệu. Vấn đề chỉ là sử dụng như thế nào để không có những phản ứng phụ. Nếu du lịch Việt Nam vẫn giữ cách làm như cũ, manh mún, chụp giật, “ăn xổi ở thì”, phản ứng phụ sẽ là sự biến mất của những doanh nghiệp lữ hành. Và biết đâu là sự trì trệ của cả ngành du lịch vốn nhiều tiềm năng như ở Việt Nam. 

Tin cùng chuyên mục