Du lịch mạo hiểm - chưa thoát khỏi tính tự phát

ANTĐ -Chi phí tổ chức cao, rủi ro lớn cộng với việc du khách thiếu kiến thức, kỹ năng là những yếu tố khiến cho du lịch mạo hiểm, một loại hình du lịch hấp dẫn, đầy hứa hẹn ở Việt Nam mới chỉ ở những bước “chập chững”, hiệu quả khai thác chưa xứng với tiềm năng. 
Du lịch mạo hiểm - chưa thoát khỏi tính tự phát ảnh 1

Nguy hiểm luôn rình rập những người leo núi

Hấp dẫn nhưng nguy hiểm

Ngày càng nhiều du khách tìm đến du lịch mạo hiểm như một cách để khám phá bản thân, trải nghiệm những thử thách mới lạ, tách ra khỏi thói quen du lịch truyền thống có vẻ như đã cũ và nhàm chán. Nắm bắt được nhu cầu này, một số công ty du lịch, lữ hành đã mở và khai thác các tour du lịch mạo hiểm.

 Mặc dù còn tương đối dè dặt nhưng ở một số nơi đã phát triển các loại hình đặc trưng theo địa hình như như đi bộ (trekking), leo núi (hiking), đua ô tô, mô tô, xe đạp… hay lặn biển (diving), lướt ván, đua thuyền kayak, đua thuyền buồm, lướt ván, nhảy dù… để phục vụ nhu cầu du khách. 

Ông Phan Văn Chung, chuyên viên marketing Công ty TNHH Du lịch Thử thách Việt - VietChallenge chuyên tổ chức các tour du lịch mạo hiểm ở Đà Lạt cho biết, các gói tour như leo núi Lang Biang, đu dây vượt thác Datanla… với những nội dung hấp dẫn như đu dây trên những dòng thác ào ào trắng xóa, nhảy tự độ cao 11m xuống nước, trượt máng  trên những đoạn đường trượt gập ghềnh, nhiều khúc quanh với tốc độ lên đến 40-50 km/h… số lượng các du khách đăng ký tour luôn ở mức cao. Tuy nhiên, theo ông Phan Văn Chung, công ty không dám nhận quá nhiều khách vì sợ không thể kiểm soát và đảm bảo an toàn cho du khách. 

Cũng bởi tính chất mạo hiểm nên không phải ai cũng thể tham gia các tour kiểu này. Ngoài đáp ứng các yêu cầu về thể lực, không mắc bệnh tim, không bị dị tật vận động, người tham gia phải trải qua một khóa huấn luyện cơ bản để sử dụng các loại dây an toàn, móc chuyên nghiệp… cũng như xử lý các tình huống có thể xảy ra. Đó là chưa kể, người hướng dẫn các tour này phải được gửi đi đào tạo từ 1,5 – 3 tháng ở Singapore và được cấp chứng chỉ mới đủ kiến thức, nghiệp vụ để dẫn tour. Bởi vậy, nhiều khi công ty rơi vào tình trạng khan hiếm hướng dẫn viên.  

Thiếu kỹ năng, khách chịu thiệt

 Có thể nói, tổ chức tour du lịch mạo hiểm phức tạp hơn rất nhiều so với du lịch nghỉ dưỡng, tham quan đơn thuần, bởi vậy một công ty lữ hành đã thâm nhập vào lĩnh vực này phải chuẩn bị, xây dựng chiến lược, kế hoạch lâu dài, kỹ lưỡng, từ việc khảo sát hành trình, thiết kế tour, đầu tư nhân lực cho đến các bài toán kinh phí… Bởi vậy, giá thành tour thường tương đối cao và phân loại khách.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa – Trưởng phòng Marketing của Công ty Dream Travel cho biết, một tour trekking Sapa 3 ngày 2 đêm cho du khách có giá khoảng 250-300 USD. Không tính đến chi phí vé tàu, ăn uống, người hướng dẫn… toàn bộ các thiết bị lều, trại đều được nhập khẩu từ Đức. Với  mức giá như vậy, dễ hiểu khách đăng ký phần lớn là người nước ngoài. 

Tuy nhiên, ngoài lý do về kinh phí thì việc không chỉ Dream Tour, các công ty hầu như nhắm đến thị phần khách quốc tế. Phần lớn khách du lịch  Việt ít quan tâm đến chất lượng dịch vụ, không đặt an toàn lên hàng đầu.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa cho biết, để tổ chức một tour chinh phục đỉnh Phanxipăng, chưa nói về yêu cầu thể lực với những người tham gia, hướng dẫn viên cũng phải có kinh nghiệm leo lên đỉnh ít nhất 10 lần, có khả năng cứu hộ và sử dụng các phương tiện cứu hộ khi gặp sự cố. Tuy nhiên, trái với du khách nước ngoài luôn tuân theo chỉ dẫn của hướng dẫn viên, khách du lịch của chúng ta hầu như đi theo kiểu tự phát. Nhiều du khách chỉ đi để cốt chụp hình, “check-in” và khoe thành quả. “Rất nhiều du khách bất chấp hướng dẫn, tự ý bỏ đoàn. Họ leo lên đến đỉnh xong không về được vì đoạn đường xuống cực kỳ nguy hiểm, trơn trượt.

Bên cạnh đó, hiện tượng trốn vé, đi “chui”, đi “lậu” cũng nhiều lần xảy ra khiến cho chúng tôi rất lúng túng trong khâu kiểm soát” – bà Nguyễn Thị Thanh Hòa cho hay. Thực tế, nhiều du khách chẳng hề đoái hoài đến việc tìm hiểu thông tin về bảo hiểm du lịch hay đặt vấn đề với công ty lữ hành. Thành ra, đến khi xảy ra hậu quả thì “không biết kêu ai”. 

Tin cùng chuyên mục