Du lịch mạo hiểm: Cần chấn chỉnh để đảm bảo an toàn

ANTĐ - Việc 3 du khách người Anh tử nạn khi tham gia trò chơi mạo hiểm tại thác Datanla, TP Đà Lạt, Lâm Đồng đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc khai thác và đảm bảo an toàn cho du khách khi tham gia du lịch mạo hiểm, một loại hình du lịch đang phát triển nhanh nhưng chưa thực sự bài bản và thiếu định hướng.  

Du lịch mạo hiểm: Cần chấn chỉnh để đảm bảo an toàn ảnh 1Du lịch mạo hiểm hấp dẫn nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu phát triển theo hướng tự phát

Chưa từng xảy ra tai nạn trong 15 năm 

Thông tin 3 khách du lịch người Anh tuổi đời còn khá trẻ tử nạn tại khu vực thác Datanla, Đà Lạt, Lâm Đồng vào ngày 26-2 khiến dư luận hết sức sửng sốt. Ngay trong ngày 27-2, Sở VH-TT&DL tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức cuộc họp khẩn và làm rõ nguyên nhân vụ việc nghiêm trọng này.

Bước đầu cơ quan chức năng xác định, sự cố xảy ra là do Công ty TNHH Dịch vụ du lịch Đam Mê - đơn vị khai thác loại hình du lịch mạo hiểm đã tự ý bán vé vào khu vực thác cho 3 du khách nói trên, trong khi 3 người này chỉ mua vé đi trekking (đi bộ băng rừng lội suối). Đáng nói là công ty trên cũng không thông qua Dalat Tourist - đơn vị được phép tổ chức khai thác loại hình thể thao mạo hiểm tại thác Datanla. 

Ngay khi vụ việc xảy ra, một số công ty khai thác du lịch mạo hiểm đã có phản hồi. Ông Phan Văn Chung - Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Thử Thách Việt, một trong những đơn vị được cấp phép khai thác loại hình du lịch này bày tỏ quan điểm: “Tour đu dây vượt thác là một loại hình du lịch mạo hiểm, tuy nhiên du khách được trang bị đủ dụng cụ, trang thiết bị bảo vệ an toàn và tuân thủ quy trình nghiêm ngặt. Chính vì vậy, loại hình này chưa từng xảy ra tai nạn trong suốt hơn 15 năm qua”. 

Du lịch mạo hiểm: Cần chấn chỉnh để đảm bảo an toàn ảnh 2

Cũng theo đại diện công ty này, mấu chốt của sự việc là do du khách đã mua vé đi tour trekking chứ không phải tour canyoning (đu dây vượt thác) nên đã không được trang bị các phương tiện bảo hộ kỹ thuật. Theo ông Phan Văn Chung, không phải ai cũng có thể tham gia tour đu dây vượt thác, bởi du khách phải đáp ứng yêu cầu về sức khỏe và thể trạng như: không bị khuyết tật về vận động, không bị bệnh tim mạch, hen suyễn, sợ độ cao…

Cùng với đó, mỗi người tham gia phải được trang bị mũ bảo hiểm, áo phao, đai bảo hiểm, móc khóa chuyên dụng… đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế và được hướng dẫn viên kiểm tra kỹ càng trước khi vượt thác. Được biết, lượng khách tham gia mỗi tour này chỉ hạn chế từ 2 - 10 người  mỗi nhóm và luôn có ít nhất 3 hướng dẫn viên gồm 1  hướng dẫn viên chính, 2 hướng dẫn viên phụ có kinh nghiệm thường xuyên theo sát hoạt động của nhóm.  

Tại Đà Lạt, không khó để có thể tham gia vào một trò chơi mạo hiểm. Tại khu vực tháp Datanla, đỉnh Langbiang… du khách có thể tìm được những tour du lịch có giá hấp dẫn với những thử thách không dành cho người yếu tim như nhảy từ độ cao trên 10m xuống dòng nước, đu dây trên dòng thác trắng xóa, trượt máng trên những đường trượt gập ghềnh với tốc độ ngang ngửa chiếc xe máy, hay chèo thuyền giữa dòng nước xiết…. Được biết, hiện có đến 8 công ty du lịch ở Đà Lạt được cấp phép kinh doanh du lịch mạo hiểm.

Càng mạo hiểm càng phải an toàn

Sự cố thương tâm với 3 du khách người Anh xảy ra tại Đà Lạt - một trong những điểm tham quan nổi tiếng với khách du lịch trong nước và quốc tế, đã thực sự đặt ra lời cảnh báo đối với hoạt động kinh doanh du lịch mạo hiểm tại Việt Nam, vốn đang có rất nhiều tiềm năng phát triển nhưng chưa được khai thác một cách chuyên nghiệp và bài bản.

Trước hết, đó là trách nhiệm của các công ty du lịch, từ khâu xây dựng, tổ chức tour cho đến thắt chặt các điều kiện an toàn cho du khách trước và trong suốt quá trình tham gia.

Thứ hai, đó là trách nhiệm của Sở VH-TT&DL cũng như các đơn vị quản lý tại những điểm du lịch mạo hiểm trong việc lắp thêm những biển cảnh báo, chỉ dẫn tại những khu vực nước xiết, trơn trượt, địa hình hiểm trở… cho du khách. Và chính bản thân du khách khi tham gia các thử thách đều cần tuyệt đối tuân thủ và làm theo chỉ dẫn của hướng dẫn viên cũng như quy định tại các điểm tham quan, tránh trường hợp tự ý bỏ đoàn nhất là khi không có đủ kinh nghiệm để phòng ngừa và xử lý khi gặp tai nạn.   

Theo thông tin mới đây, Tổng cục Du lịch đã có văn bản yêu cầu Sở VH-TT&DL Lâm Đồng cũng như các doanh nghiệp đưa khách du lịch theo tour mạo hiểm báo cáo toàn bộ diễn biến để làm rõ nguyên nhân dẫn đến tai nạn với 3 du khách. Cùng với đó, Tổng cục Du lịch sẽ sớm bổ sung các quy định đối với các loại hình du lịch mạo hiểm nhằm đảm bảo an toàn, không để xảy ra sự cố đáng tiếc cho du khách, làm ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh du lịch Việt Nam.